(QNĐT)- Mặc dù đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống từ nhiều năm nay, nhằm giúp các làng nghề phát triển ổn định, bền vững, thế nhưng nhiều làng nghề truyền đang sống “thoi thóp”. Thiếu vốn, nguyên liệu, đầu ra cho sản phẩm… là những khó khăn mà các làng nghề đang gặp phải.
*Nước mắm Đức Lợi: Đang sống ‘thoi thóp”
Những ngày này, chúng tôi tìm về làng nghề chế biến nước mắm ở thôn Kỳ Tân, An Chuẩn, xã Đức Lợi (Mộ Đức), khác hẳn không khí nhộn nhịp của ba năm về trước, mà thay vào đó là không khí ảm đạm. Tình trạng sản xuất cầm chừng, sản phẩm làm ra ế ẩm không tiêu thụ được đang diễn ra tại các làng nghề truyền thống này.
Anh Trần Văn Nhân, ở thôn Kỳ Tân, chủ cơ sở nước mắm Yến Phương than thở: “Trước đây, bình quân mỗi ngày gia đình tôi xuất đi khoảng 500 lít nước nắm, trừ chi phí kiếm được gần triệu đồng. Giờ số lượng giảm gấp 5 lần, trong khi giá cả thấp hơn các sản phẩm cùng loại trên thị trường nhưng hàng vẫn tồn đầy kho, chưa năm nào lại gặp khó khăn như năm nay. Cứ như thế này thì không lâu nữa sẽ chẳng còn ai mặn mà với nghề này”.
Không chỉ cơ sở của anh Nhân mà hầu hết các cơ sở khác ở địa phương cũng đang trong tình trạng tương tự. Theo các chủ cơ sở, trên thị trường hiện nay có tới hàng trăm loại nước mắm khác nhau được bày bán, quảng cáo và tiếp thị rầm rộ. Chính truyền thông mạnh là yếu tố đẩy nước mắm công nghiệp chiếm lĩnh thị trường. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến nước mắm truyền thống ở Đức Lợi đang phải vất vả cạnh tranh để tồn tại và có nguy cơ bị mai một.
Hiện nước mắm truyền thống ở thôn Kỳ Tân, An Chuẩn, xã Đức Lợi (Mộ Đức) đang giảm đáng kể về sản lượng, thị trường tiêu thụ đang hạn hẹp. |
Trong khi đó, chất lượng sản phẩm nước mắm của làng nghề ở Đức Lợi vẫn chưa được nâng lên, hầu hết các hộ gia đình ở đây chỉ sản xuất theo quy mô nhỏ, lẻ và tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ nên thiếu vốn để đầu tư các trang thiết bị hiện đại. Việc xây dựng thương hiệu và quảng cáo chưa được chú trọng nên người tiêu dùng vẫn chưa biết đến rộng rãi.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Minh Việt- Phó Chủ tịch UBND xã Đức Lợi cho biết, sau khi UBND tỉnh công nhận làng nghề, UBND huyện Mộ Đức đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng khu tập trung như: điện, hệ thống xử lý nước thải, nhà kho, tường rào…
Chính quyền địa phương cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con vào làng nghề nhưng các hộ vẫn chưa chịu liên kết với nhau. Hơn thế nữa, địa phương cũng đã vận động các ngân hàng cho bà con vay để đầu tư sản xuất. Nhưng các ngân hàng vẫn do dự khả năng trả nợ của bà con. Về phía bà con cũng không dám vay vì sản phẩm làm ra ế ẩm.
Cũng theo ông Việt, để duy trì được nghề truyền thống này, cần chung tay để xây dựng một thương hiệu, tức là nhãn hiệu nước mắm Đức Lợi và sự giúp sức từ các ngành chức năng để quảng bá sản phẩm rộng rãi. Nếu chỉ sản xuất nhỏ lẻ như lâu nay, kiểu mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy lấy thương hiệu, không đoàn kết một lòng, thì không thể nào cạnh tranh nổi với các sản phẩm cùng loại trên thị trường và dần dần sẽ mất đi.
*Mây tre đan: Thiếu vốn, thiếu nguyên liệu
Thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ máy móc từ dự án: “Hỗ trợ phát triển làng nghề mây tre đan” mà làng nghề mây tre đan ở xã Tịnh Ấn Tây đã áp dụng cơ khí hóa vào công đoạn chẻ nan, góp phần đáng kể nâng cao năng suất và chất lượng khâu chẻ nan, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều người dân.
Từ những sản phẩm phục vụ sản xuất và đời sống của nhà nông như: rế để nồi, rổ, thúng, nong, nia…dần dần làng nghề đã sản xuất các sản phẩm theo nhu cầu của thị trường đó là giỏ đựng trái cây, rọ đựng động vật, lụi đồ ăn nhanh, đủa ăn nhanh, tăm tre.
Nhờ vậy mà làng nghề mây tre đan ở Tịnh Ấn Tây tạo việc làm cho rất nhiều lao động. Qua tính toán sơ bộ của các chủ cơ sở, số lượng xuất đi là vô kể, có bao nhiêu tiêu thụ bấy nhiêu, mỗi lao động được trả công từ 70-80.000 đồng/ngày. Đây là nguồn thu nhập phụ tương đối lớn đối với các hộ nông dân ở làng nghề.
Làng nghề mây tre đan ở Tịnh Ấn Tây tạo việc làm cho rất nhiều lao động. Mỗi lao động được trả công từ 70-80.000 đồng/ngày. Đây là nguồn thu nhập phụ tương đối lớn đối với các hộ nông dân ở làng nghề. |
Hiệu quả kinh tế thì đã rõ, trong khi đầu ra cho sản phẩm dồi dào, sản phẩm làm ra không đủ phục vụ nhu cầu thị trường thì nguyên liệu lại thiếu, các hộ không đủ vốn để đầu tư.
Từ xưa tới giờ, các hộ vẫn chưa vay được vốn từ các ngân hàng, bởi muốn tiếp cận được phải có phương án làm ăn mang lại hiệu quả kinh tế rõ ràng, có tài sản thế chấp đảm bảo tính khả dụng. Đó chính là nguyên nhân khiến những làng nghề khó tiếp cận được nguồn vốn vay dù có chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.
Ông Nguyễn Quả- một trong hai hộ được hỗ trợ máy móc từ Dự án cho biết, hiện vùng nguyên liệu tre ở địa phương đang khan hiếm do khai thác tùy tiện. Thời gian gần đây các chủ cơ sở phải chuyển sang thu mua lồ ô tận các địa phương miền núi, chi phí vì thế cũng tăng cao nên rất cần có vốn. Đầu ra cho sản phẩm không có gì phải ngại. Cái quan trọng hiện nay mà làng nghề cần chính nguyên liệu và vốn để đầu tư.
Cùng chung quan điểm với ông Qủa, ông Nguyễn Tấn Sinh ở thôn Cộng hòa 2 cũng cho rằng muốn vay vốn rất khó mặc dù phương án trả nợ của bà con là rất khả thi.
Ông Sinh chia sẻ: “Từ khi làm chủ cơ sở, đã không ít lần làm đủ hồ sơ, thủ tục nhưng tôi chưa bao giờ vay được một đồng nào của ngân hàng do thủ tục vay vốn quá rắc rối. Lúc nào thiếu thì tôi lại đi vay nóng với lãi suất tới 6%/tháng. Hiện cơ sở giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 40 lao động, nếu có vốn tôi đầu tư mua máy chẻ tăm trị giá 100 triệu đồng sẽ giải quyết thêm được 20 lao động”.
Giỏ đựng trái cây đang được thị trường tiêu thụ rất mạnh. Trong khi đó, làng nghề lại thiếu nguyên liệu và vốn để đầu tư. |
Tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thúc đẩy các làng nghề truyền thống nói chung và mây tre đan nói riêng là một hướng đi đúng. Về vấn đề này, ông Huỳnh Văn Bình- Chủ tịch Hội Nông dân xã Tịnh Ấn Tấy cho rằng, trước mắt, Chính phủ cần hỗ trợ vốn vay để các cơ sở sản xuất mở rộng sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển của làng nghề.
Về lâu về dài, để làng nghề được phát triển ổn định, bền vững, cần phải đảm bảo vùng nguyên liệu. Nghĩa là, cần có chính sách phát triển làng nghề mây tre đan gắn với duy trì và phát triển vùng trồng rừng nguyên liệu cho làng nghề.
Ái Kiều