(QNg)- Dù chưa đến mùa mưa nhưng đập bổi ngăn mặn tại thôn Đông Yên (Bình Dương, Bình Sơn) đã bị vỡ, hàng trăm ha lúa, hoa màu của người dân có nguy cơ bị Nước mặn xâm thực gây hư hại trong những ngày tới.
Những ngày đầu tháng 7, mưa lớn vào buổi chiều diễn ra liên tục trên địa bàn huyện Bình Sơn và Trà Bồng đã làm cho nước sông Trà Bồng dâng cao, khiến đập bổi ngăn mặn xã Bình Dương bị cuốn trôi vào đêm 2/7. Nơi đoạn đập bị vỡ theo người dân thì sâu tầm 5-6m. Đập có chiều dài 110m, rộng khoảng 3,5m, được đắp bằng đất cát, phên tre và gỗ dương. Nước sông lớn đã xé toạt một đoạn chừng 60 mét. Ông Lê Minh Chính - Chủ tịch UBND xã Bình Dương, cho biết: Dù nước sông dâng cao nhưng rất may là nước sông không tràn ra đồng ruộng gây ảnh hưởng đến sản xuất. Để khắc phục đoạn đập bị vỡ, theo tính toán cần trên 100 triệu đồng.
Đập ngăn mặn Bình Dương bị vỡ sau những trận mưa lớn đầu tháng 7. |
Đập bổi vỡ khiến người dân ở xã Bình Dương, cũng như các xã Bình Phước, Bình Thới và thị trấn Châu Ổ rất lo lắng. Ông Trần Anh Tuấn (thôn Đông Yên 2) cho biết: Còn khoảng 2 tháng nữa mới thu hoạch lúa và hoa màu, nếu đập không sớm được đắp lại thì nước mặn tràn vào sẽ ảnh hưởng đến sản xuất của bà con. Đập bổi Bình Dương được xây dựng từ năm 1978, có nhiệm vụ bảo vệ gần 300 ha đất sản xuất của hơn 1.300 hộ dân trong xã. Thậm chí vào mùa nắng, nước biển theo sông Trà Bồng xâm thực rất sâu vào đất liền, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân các xã Bình Thới, Bình Phước, thị trấn Châu Ổ.
Để ngăn nước mặn xâm thực, hàng năm vào tháng Giêng âm lịch, xã Bình Dương và huyện Bình Sơn phải chi khoảng 300- 400 triệu đồng và huy động hàng trăm ngày công để đắp đập bổi này. Đến khoảng tháng 9 âm lịch, khi mùa mưa lũ bắt đầu, thì lại huy động nhân dân tháo dỡ đập để thoát lũ. Tuy nhiên, hiện nay mới là tháng 5 âm lịch mà đập đã vỡ. Ông Lê Minh Chính cho biết thêm, chính quyền xã đã kiến nghị huyện Bình Sơn khẩn trương hỗ trợ kinh phí để có thể đắp lại đập ngay trong tháng 7 này. Sau khi thu hoạch vụ sản xuất hè thu xong lại đành phải phá đập đi khi mùa lũ về, năm sau tiếp tục đắp lại.
Ông Võ Tấn Đại- Chủ nhiệm HTX Bình Dương, cho biết: Năm nào mưa ít thì việc đắp lại đập nhẹ nhàng, còn năm lũ lớn thì xem như phải đắp lại đập hoàn toàn. Việc đắp đập hằng năm tốn nguồn kinh phí tương đối lớn, những năm gần đây, huyện Bình Sơn hỗ trợ 50% vốn, còn lại là địa phương trích ngân sách và huy động hàng trăm ngày công mua gỗ dương, đan phên tre và dồn đất vào bao đắp đập. Để bảo vệ thân đập khỏi bị rò rỉ, HTX Bình Dương cử người túc trực hàng ngày để phát hiện và xử lý sự cố kịp thời.
Với vai trò cực kỳ quan trọng, nhưng chính quyền các cấp vẫn chưa có giải pháp căn cơ để xây dựng đập. Năm nào cũng vậy, vài trăm triệu đồng được đầu tư để xây dựng đập xong rồi lại phá, gây lãng phí tiền của. Có năm phải phá- đắp đến vài lần, tốn rất nhiều tiền và nhân công. Do đó, chính quyền và người dân xã Bình Dương mong muốn tỉnh có phương án xây dựng đập kiên cố, có thể ngăn mặn vào mùa nắng và xả lũ vào mùa mưa mà không phải đắp- phá như hàng chục năm qua.
Bài, ảnh: THIÊN - TRIỀU