Triển khai thực hiện nghị định 42/2012/NĐ-CP: Giữ lại đất lúa cho nông dân

06:06, 19/06/2012
.

(QNg)- Ngày 1/7 tới, Nghị định 42/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa chính thức có hiệu lực. Nhiều nông dân trong tỉnh đang kỳ vọng việc triển khai thực hiện nghị định này, nông dân sẽ có điều kiện hơn để an tâm trồng lúa, đồng thời sẽ hạn chế việc chuyển đổi tùy tiện đất trồng lúa thành đất phục vụ công trình, dự án…

Đất lúa đang "biến mất"

Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh, mỗi năm diện tích đất sản xuất lúa của tỉnh đều bị thu hẹp. Nguyên nhân chính do số diện tích đất lúa này được lấy để phục vụ cho mục đích phi nông nghiệp như xây dựng nhà xưởng, công trình, dự án, trụ sở. Bình quân trên địa bàn tỉnh một năm có khoảng hơn 200ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó phần lớn là đất trồng lúa. Cụ thể, năm 2010, diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt là 82.970 ha, giảm 0,5% so với năm 2009. Năm 2011, diện tích này tiếp tục giảm 0,3% tương đương 247 ha so với năm 2010; năm 2012, diện tích gieo trồng lúa và các cây rau màu khác tiếp tục giảm khoảng 0,4%, tương đương 320 ha…

Nông dân Sơn Hà thu hoạch lúa.
Nông dân Sơn Hà thu hoạch lúa.


Nhiều địa phương, sau khi nông dân nhường đất đang sản xuất lúa cho dự án, công trình, đã rơi vào cảnh không có đất sản xuất, không có việc làm phải ly hương làm thuê kiếm sống. Việc thu hồi đất lúa của nông dân để phục vụ cho mục đích mở rộng các khu công nghiệp, làng nghề, thậm chí là làm du lịch lại tương đối dễ dãi, chưa tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, khiến nhiều nông dân không còn đất để định canh. Công bằng mà nói, sự hình thành và phát triển, mở rộng các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã mang lại những chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho hàng ngàn người dân lao động, nhưng cũng chính từ đó hàng ngàn nông dân lại mất đất sản xuất.

Thực tế hiện nay, có nhiều diện tích đất lúa sau khi được chuyển mục đích sử dụng phục vụ cho công trình, dự án nhưng kết quả lại không như mong đợi. Điển hình nhất là nhiều chủ đầu tư sau khi được giao đất lại không triển khai hoặc chậm triển khai thực hiện dự án, khiến cho hàng trăm héc-ta đất đang là "mâm xôi, ruộng mật" đành bị bỏ hoang suốt nhiều năm.

Chính sách hợp lòng nông dân!

Không phải bây giờ mà cách đây hơn 20 năm về trước khi ban hành pháp luật đất đai, Nhà nước đã quy định nhiều điều khoản cần thiết để bảo vệ diện tích đất lúa. Thế nhưng, qua mỗi năm, không chỉ Quảng Ngãi mà nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước diện tích đất lúa đều bị thu hẹp. Để thắt chặt quản lý đất đai, đặc biệt là giữ lại đất lúa cho nông dân, Chính phủ đã ban hành Nghị định 42/2012/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Với nhiều quy định cụ thể, rõ ràng kèm theo biện pháp đảm bảo tính khả thi cao, nhà nông Quảng Ngãi đang kỳ vọng vào việc đất lúa sẽ được giữ lại thực thụ.

Nghị định 42 của Chính phủ về Quản lý, sử dụng đất trồng lúa quy định hạn chế tối đa việc chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào các mục đích phi nông nghiệp; khuyến khích việc khai hoang mở rộng diện tích đất trồng lúa, cải tạo đất lúa khác thành đất chuyên trồng lúa nước, cùng những quy định nghiêm ngặt trong trường hợp phải chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào các mục đích khác. Đây được xem là một liệu pháp mạnh để chữa "căn bệnh" tùy tiện chuyển đất trồng lúa sang làm công nghiệp, dịch vụ và vào mục đích phi nông nghiệp khác.

Ngoài ra, Nghị định 42/2012 quy định, hàng năm ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất chuyên trồng lúa nước. Đồng thời, hỗ trợ 70% chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật khi sản xuất lúa bị thiệt hại trên 70% và hỗ trợ 50% chi phí khi sản xuất lúa bị thiệt hại từ 30-70%. Mặc dù mức hỗ trợ này chưa cao, nhưng có ý nghĩa to lớn của những người trồng lúa trong tỉnh. Sự hỗ trợ này càng có ý nghĩa quan trọng hơn khi Quảng Ngãi là địa bàn luôn phải hứng chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai hạn hán, bão lũ, biến đổi khí hậu. Với mức hỗ trợ trên, nhẩm tính mỗi năm Quảng Ngãi phải chi ngân sách khoảng hơn 36 tỷ đồng để hỗ trợ người trồng lúa. Đó cũng là việc nên làm để thiết thực giúp nông dân vượt qua khó khăn, an tâm gắn bó với cây lúa, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm cho khoảng 500.000 lao động nông nghiệp trong tỉnh.

Tuy nhiên, điều mà hàng ngàn nông dân trong tỉnh phấn khởi khi đưa vào thực hiện Nghị định số 42/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất lúa không chỉ ở sự hỗ trợ cho người trồng lúa. Cái chính vẫn là để chính quyền ý thức hơn, hạn chế sự tùy tiện cấp đất lúa cho dự án, công trình. Theo quy định tại khoản 3 Điều 5 của Nghị định này, trường hợp chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp, UBND tỉnh phải báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép trước khi UBND cấp có thẩm quyền quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất.


Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.