(QNg)- Người nghèo luôn phải đối mặt với khó khăn, thiếu thốn. Với người nghèo miền núi, hải đảo, cái khó lại càng nhân lên. Chuyện cái ăn, cái mặc hàng ngày đang là nỗi lo lớn, vượt quá sức của nhiều hộ nghèo…
Thiếu nước ngọt, gạo ăn
Bây giờ là thời điểm người nghèo xã đảo An Bình thuộc huyện đảo Lý Sơn phải đi mua từng thùng nước ngọt để sử dụng. Trải qua một mùa vụ thất bát, do hành tỏi mất mùa, mất giá, nhiều người nghèo sinh sống trên hòn đảo nhỏ này đã không có đủ tiền để mua gạo, mua nước ngọt dùng cho sinh hoạt hàng ngày.
Phụ nữ nghèo huyện đảo Lý Sơn vá lưới thuê, kiếm thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. |
Ông Phan Đình Phương - Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết: Mùa này, ở đảo nắng nóng dữ dội, người dân chẳng thể trồng trọt hay chăn nuôi để kiếm thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Song, vật giá ở đây từ gạo, mắm, muối đến nước ngọt giá bán đều cao hơn nhiều so với đất liền. Một mét khối nước ngọt hiện có giá xấp xỉ 200.000 đồng, gạo giá trung bình từ 15.000 đồng đến 22.000 đồng/kg. "Nhà ai có tiền tích lũy thì đỡ, còn không chỉ có nước đi vay nóng để lo cái ăn. Mong chính quyền và các nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ, chia sẻ với người nghèo đảo Bé" - Chủ tịch UBND xã Phan Đình Phương nói.
Chúng tôi đến khu dân cư Trà Veo, xã Trà Xinh (Tây Trà) vào một chiều cuối tháng 6 và bắt gặp hàng chục đứa trẻ đang mò ốc dưới sông Tang. Trò chuyện với đám trẻ, các em cho biết số ốc mò được không phải dùng làm thức ăn mà bán kiếm tiền phụ cha mẹ mua gạo nấu. Vào thăm gia đình chị Hồ Thị Phua, ở khu dân cư Trà Veo, khi chị đang chuẩn bị bữa tối cho cả nhà. Chị Phua bảo: "Nhà mình chuyển từ lòng hồ Nước Trong về đây sinh sống được 6 tháng rồi. Dự án hứa sẽ hỗ trợ gạo ăn trong vòng 12 tháng để ổn định cuộc sống, nhưng đến nay 6 tháng rồi mới chỉ cấp phát gạo ăn được 1 tháng. Không có đất sản xuất, gạo hỗ trợ lại không cấp kịp thời, nên nhà nào cũng thiếu gạo nấu".
Thiếu việc làm, "tắc" thu nhập
Cái nghèo đeo bám người dân miền núi, hải đảo nhiều năm nay chính là vì thiếu việc làm. Hầu hết việc làm ở đây chỉ "xuất hiện" theo kiểu thời vụ, rất bấp bênh. Đặc biệt đối với phụ nữ, ngoài ruộng, rẫy thì chẳng có việc gì làm thêm trong lúc nông nhàn. Cá biệt, ở xã đảo An Bình, mỗi năm chỉ trồng một vụ hành tỏi, quãng thời gian còn lại trong năm người dân không có việc gì làm. Cả xã, chẳng có cơ sở sản xuất hay dịch vụ gì tạo ra việc làm cho người dân. Năm mất mùa thì làm một vụ, chẳng đủ ăn trong một năm, dẫn đến không ít gia đình phải vay "nóng" lo cuộc sống hàng ngày.
Còn ở các huyện miền núi, mặc dù nhiều năm nay, tỉnh đã "rót" không ít tiền vào việc đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân, nhất là người nghèo, nhưng kết quả chưa đáng kể. Nhiều ngành nghề, sau khi đào tạo song không phát huy được. Có những người được coi như là học viên chuyên nghiệp, nhưng khi "ra nghề" lại không thạo nghề, không đáp ứng được nhu cầu của các cơ sở, dịch vụ. Chính vì thế, “cánh cửa" việc làm rất "hẹp" với người nghèo. Hiện nay, việc làm chính của người nghèo vẫn chủ yếu là bám vào ruộng rẫy. Lúc nông nhàn, tham gia làm công cho các công trình, dự án thi công tại địa phương. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của chủ trương kiềm chế lạm phát, cắt giảm đầu tư công, hai năm qua trên địa bàn tỉnh các công trình, dự án cũng bị "cắt" đáng kể, kéo theo cơ hội việc làm cũng bị "co" lại.
Trong tình hình lạm phát có chiều hướng tăng cao, cuộc sống người dân, đặc biệt là người nghèo miền núi, hải đảo rơi vào khó khăn hơn bao giờ hết. Ông Nguyễn Minh Tuấn - Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh nói: "Giúp đỡ, sẻ chia với người nghèo bằng cách cho người nghèo cơ hội việc làm, tạo thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội là yêu cầu vừa mang tính cấp bách, vừa lâu dài, đòi hỏi cả xã hội phải chung tay cộng đồng trách nhiệm. Đó cũng là giải pháp thực hiện mục tiêu giảm 2% đến 30% hộ nghèo/năm của tỉnh đã đặt ra trong kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2012; là mục tiêu hướng đến để xây dựng tỉnh ta trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển trong khu vực".
Bài, ảnh: THANH NHỊ