(QNg)- Những năm gần đây, phong trào phát triển kinh tế nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên phụ nữ được các cấp hội phụ nữ đẩy mạnh. Hiệu quả từ những mô hình kinh tế đã và đang mang lại ở Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) đã góp phần giải bài toán thiếu việc làm cho phụ nữ nông thôn hiện nay.
Chúng tôi đến tham quan cơ sở may gia công của chị Trương Thị Minh Hương, ở thôn Hòa Bình. Đây là cơ sở làm ăn hiệu quả không những giúp gia đình chị Hương ổn định cuộc sống mà còn góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều chị em phụ nữ trong xã. Trước đây vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, học hết phổ thông chị Hương vào thành phố Hồ Chí Minh, học may. Sau một thời gian sinh sống nơi đất khách quê người, chị đã quyết định trở về quê lập nghiệp. Được sự giúp sức của gia đình, chị vay mượn thêm để đầu tư vốn mở cơ sở may gia công, chuyên may quần sọt nam, cung cấp cho các công ty, cửa hàng quần áo thời trang tại thành phố Hồ Chí Minh.
Cơ sở may gia công của gia đình chị Hương. |
Cơ sở may của chị có quy mô từ 25-30 công nhân, thu nhập hàng tháng từ 2-2,5 triệu đồng/người, tùy thuộc vào tay nghề và năng suất lao động. Chị Hương cho biết: Từ đầu năm đến nay, lượng đơn đặt hàng, nguyên liệu được đưa về nhiều, giúp công nhân có thêm việc làm, nhờ đó thu nhập khá hơn. Lí giải về việc chọn lập nghiệp ở quê hương, chị Hương bộc bạch: "Tôi nghĩ nếu có điều kiện thì việc lập nghiệp ở quê sẽ thuận lợi hơn nhiều, bởi vì mình được gần gia đình, chi phí thuê nhân công cũng rẻ hơn so với ở các thành phố lớn. Tuy công nhân may tại cơ sở thu nhập tại chỗ không cao bằng các khu công nghiệp tập trung, nhưng bù lại, chị em phấn khởi vì được sống ngay tại nhà mình, có điều kiện chăm lo gia đình, con cái…".
Ngoài cơ sở của chị Hương, ở Nghĩa Hòa còn nhiều mô hình đã và đang phát huy hiệu quả. Điển hình như doanh nghiệp in của chị Võ Thị Vân, ở thôn Hòa Bình. Chị Vân cho biết: Cơ sở của chị tồn tại hơn 15 năm qua, giải quyết việc làm cho 8-10 công nhân nữ tại địa phương.
Với chị Vân việc phát triển nghề in là hướng đi hiệu quả để phát triển kinh tế thì chị Lê Thị Hòa, lại quyết tâm duy trì nghề dệt chiếu truyền thống lâu đời tại địa phương. Chị Hòa cho biết: "Dù nghề chiếu cói hiện nay không còn thịnh như trước, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm giữ nghề để chị em có thêm công ăn việc làm. Đây là nghề phụ giúp chị em có việc lúc nông nhàn. Hơn 20 năm gắn bó với nghề, tôi nhận thấy dù bây giờ sản phẩm chiếu cói tiêu thụ khó khăn, nhưng không vì vậy mà phụ nữ chúng tôi bỏ nghề, vì đây la nghềø truyền thống, ông cha để lại.
Hiện nay, bên cạnh các mô hình kinh tế của phụ nữ phát huy được hiệu quả trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho chị em thì ở Nghĩa Hòa còn có hàng nghìn cơ sở làm nhang. Bên cạnh đó là hàng chục cơ sở sản xuất chuyên tận dụng lốp xe cũ tái sản xuất ra các sản phẩm phục vụ đời sống… Đây chính là tiền đề để phụ nữ địa phương có được việc làm thường xuyên quanh năm.
Chị Trần Thị Thanh Thúy- Chủ tịch Hội LHPN xã Nghĩa Hòa cho biết: Phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình, cải thiện điều kiện sống là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng đối với vai trò của phụ nữ trong gia đình; đây cũng là tiêu chí căn bản trong xây dựng nông thôn mới. Vì vậy Hội LHPN Nghĩa Hòa đã tập trung hỗ trợ giảm nghèo bằng nhiều biện pháp: Cung cấp kiến thức, hỗ trợ vốn, tạo việc làm, vận động phụ nữ mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chị em khá giúp chị em khó khăn... Từ đầu năm đến nay Hội khai thác và quản lý các nguồn vốn vay với tổng số tiền 500 triệu đồng tạo điều kiện giúp cho gần 50 chị em vay phát triển sản xuất…
Bài, ảnh: Kim Ngân