(QNĐT)- Nhờ ứng dụng cơ giới vào khâu làm đất, sử dụng phân bón hợp lý... hàng trăm hộ dân trồng mía người H’re ở huyện miền núi Ba Tơ đã nâng năng suất cây mía lên gần gấp 2 lần, đồng thời hạn chế tình trạng đất bị trôi và xói lở làm đất bạc màu mỗi khi mưa lũ.
"4 nhà" chung tay khắc phục điểm yếu
Đưa tay chỉ vào đám mía gốc rộng hơn 4 sào (500m2/sào) xanh tốt cao gần đến lưng, ông Đinh Văn Theo (45 tuổi), ở xã Ba Dinh, khoe: Nhờ cán bộ đưa cái máy lên đào hàng, rồi chỉ dẫn cách bón phân nên vụ mía vừa rồi gia đình thu được khoảng 15 tấn, nhiều hơn vụ trước khoảng 4 tấn. Sau khi bán, trừ chi phí lãi hơn 8 triệu đồng.
Dùng cơ giới để tạo luống thay cho dùng cuốc để đào |
Với tổng diện tích đất trồng mía lên đến gần 1.000ha, Ba Tơ được xem là “thủ phủ” của cây mía ở miền núi của Quảng Ngãi. Từ nhiều năm qua, đây cũng là loại cây trồng mang lại nguồn thu nhập chính cho hàng trăm hộ dân ở địa phương.
Tuy nhiên cũng như nhiều địa phương miền núi khác, đất canh tác cây mía nằm ở các vùng đồi, núi nên độ dốc khá cao. Bên cạnh đó do nhận thức, điều kiện kinh tế của người dân khó khăn nên việc ứng dụng các tiến bộ KHKT còn yếu, dẫn đến hiệu quả kinh tế mang lại từ cây trồng này còn thấp.
Một số cán bộ trạm khuyến nông huyện, cho biết: Riêng việc làm hàng để trồng, lâu nay người dân chủ yếu là sử dụng cuốc đào, nên độ sâu chỉ đạt khoảng 20cm. Với độ sâu như vậy cho dù có bón phân thì trời mưa bị nước sẽ cuốn trôi. Cho nên khi cây mía sang vụ thứ 2 năng suất và chất lượng bắt đầu giảm xuống; đồng thời gốc mía bị trốc, bật phải trồng lại mới. Mhược điểm đó đã và đang được khắc phục khi mô hình thâm canh cho mía trên đất gò đồi, do Sở Khoa học-Công nghệ tỉnh, Nhà máy đường Phổ Phong- Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi, cùng chính quyền Ba Tơ triển khai thực hiện.
Năng suất tăng gần gấp đôi
Theo đó từ vụ mía năm 2009-2010, trên diện tích khoảng 600ha ở hai xã Ba Dinh và Ba Tô, cùng với tổ chức tập huấn, hỗ trợ phân bón, giống cho người dân... phương tiện cơ giới đã đảm nhận khâu đào hàng, tạo rãnh thay cho cách dùng cuốc như lâu nay. Nhờ vậy nên năng suất, chữ đường đều tăng.
Nếu những vụ trước đó chỉ đạt trên dưới 47 tấn/ha và chữ đường 7-8 CCS, thì nay đã tăng lên gần 70 tấn/ha, với chữ đường đạt từ 10-11 CCS. Với giá mua của vụ vừa qua khoảng 1 triệu đồng/tấn, thì lãi từ 35-37 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn so với cách trồng truyền thống ít nhất là 20 triệu đồng/ha/vụ.
Người dân Ba Tơ đang trồng mía trên luống do máy đào |
Ông Nguyễn Thanh Hiệp- Trưởng trạm Khuyến nông huyện Ba Tơ, khẳng định: Việc sử dụng máy móc trong khâu đào hàng, luống có tác dụng làm đất sẽ tơi xốp hơn. Và với độ sâu của luống như vậy, không chỉ người dân thuận lợi hơn trong việc bón phân để nâng cao số, chất lượng cho cây mía, mà còn loại trừ được tình trạng bề mặt của đất sản xuất bị nước mưa cuốn trôi, xói mòn. Mặt khác thời gian của mía gốc cũng được kéo dài hơn từ 1-2 năm so với trước.
Theo ông Huỳnh Thương- Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, thì điều quan trọng và giá trị không kém lợi ích kinh tế, đó là hình thức này làm thay đổi, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân, nhất là đồng bào thiểu số ở địa phương trong việc ứng dụng khoa học kĩ thuật, đưa cơ giới hóa vào trong sản xuất.
Từ hiệu quả mang lại của cách làm trên, hiện có rất nhiều gia đình trồng mía khác ở các xã Ba Chùa, Ba Vì và Ba Tiêu cũng đã tự động rủ nhau để làm theo.
Công Hoàng