(QNg)- Xây dựng các dự án nuôi tôm trong tỉnh là nhằm hướng đến cách nuôi tôm bền vững trên vùng cát lẫn vùng triều. Thế rồi, dự án "chết yểu", người nuôi tôm trong vùng dự án lẫn ngoài vùng đều rơi vào cảnh bế tắc không lối thoát.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chương trình Phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) giai đoạn 1999 -2010 (gọi tắt là Chương trình 224) và Nghị quyết số 09/2000/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 15/6/2000 về một số chủ trương, chính sách chuyển dịch cơ cấu và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân là đòn bẩy cho hoạt động NTTS trên toàn quốc nói chung và Quảng Ngãi nói riêng. Từ năm 2000, Quảng Ngãi bắt đầu đầu tư xây dựng các dự án nuôi tôm nhưng rồi qua hơn 10 năm các dự án không phát huy tác dụng mà lại dần "xếp xó". Nghề nuôi tôm trong tỉnh đang rơi vào cảnh bế tắc.
Dự án "chết" dần
Cánh đồng nuôi tôm ven biển thuộc thôn Thạch Thang xã Đức Phong (Mộ Đức) từng có "bàn tay" của ngành chức năng triển khai dự án nuôi tôm trên cát, nhằm hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng cho bà con. Nhưng giờ, vùng nuôi tôm này chẳng khác gì những cánh đồng nuôi tôm tự phát. Hệ thống kênh mương được xây dựng áp mái bê tông bị xóa bằng bởi lớp đất cát, bao ni lông, cỏ mọc um tùm... Hồ xử lý nước thải trơ đáy. Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Đức Phong được thành lập theo dự án giờ đã tan rã. Nông dân đang "gồng mình" chống chọi với nạn dịch bệnh ở tôm xảy ra liên tiếp trong nhiều năm qua. Đang sửa lại ống tháo nước từ hồ tôm bị dịch ra biển, ông Hồ Văn Tân dừng tay cho hay: "Ngày trước, đồng này cũng có hệ thống xử lý nước thải. Nhưng chỉ xử lý được vài vụ là kênh đã hỏng. Giờ thì cứ thải ra phía biển, chứ biết thải đâu".
Hệ thống kênh mương ở dự án nuôi tôm Đức Phong giờ đã bị đất cát bồi lấp. |
Đi trên cánh đồng tôm trong chiều tà, thấy ở các hồ tôm trơ đáy, lộ rõ ống dẫn nước kéo dài ra phía biển. Có nơi, hồ tôm bị dịch bệnh, người nuôi súc hồ xả nước theo đường ống nhựa ra biển. Ở cách đó không xa có vài người nuôi tôm lại quay máy đưa nước từ biển vào hồ. Ông Nguyễn Ngọc Tần - người nuôi tôm trên đồng, thấy thế phân bua: "Ngày đầu triển khai dự án nuôi tôm, Hợp tác xã quy định hộ có diện tích nuôi tôm phải nộp phí. Mỗi mét vuông nộp 20.000 đồng/năm/2 vụ để duy trì, tu sửa hệ thống kênh mương, hệ thống điện quạt nước. Nhà có 4.000m2, tính ra cũng bộn tiền nhưng mình cũng chẳng câu nệ gì, vì nghĩ đến chuyện nuôi tôm có lãi. Nào ngờ chỉ nuôi được vài vụ thì đến năm 2004, hệ thống xử lý nước thải xuống cấp hoàn toàn. Hộ nuôi tôm không biết xả nước thải đi đâu. Những hộ có hồ dọc mé biển đành thải ra biển. Những hộ có hồ nuôi bên trong đành xả đại xuống mương bốc mùi hôi thối. Môi trường không đảm bảo làm sao không ảnh hưởng đến nghề nuôi tôm cho được.
Trao đổi vấn đề này, ông Đinh Văn Bé - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Phong, thừa nhận: Dự án vô tác dụng không phải bây giờ mà cách đây cũng 6-7 năm nay. Lúc đầu, dự án nuôi tôm trên cát được triển khai ở cánh đồng nuôi tôm thôn Thạch Thang, gồm có các hệ thống điện, hệ thống xử lý nước thải (gồm có kênh mương với chiều dài 2km, rộng 1m; 4 hồ xử lý nước thải. Mỗi hồ rộng 5.000m2). Các hệ thống này bao bọc khoảng 25 ha diện tích hồ nuôi tôm. Theo đó, xã đã thành lập 1 HTX nuôi trồng thủy sản để làm cầu nối hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp nguồn giống, thức ăn cho tôm và tìm hướng đầu ra sản phẩm cho người nuôi tôm. Thế nhưng, hợp tác xã có sinh mà không có dưỡng nên sống "thoi thói" rồi "chết yểu". Kể từ đó, bà con nuôi tôm mạnh ai nấy nuôi. "Nuôi tôm chết hoài mà chẳng biết hỏi ai. Từ con giống, kỹ thuật xử lý ao hồ, con tôm bị dịch bệnh đến việc đầu ra sản phẩm đều tự liên hệ xử lý. Ông Hồ Văn Tân bức xúc nói.
Năm 2003, từ nguồn ngân sách của tỉnh hơn 4 tỷ đồng huyện Bình Sơn đã xây dựng dự án nuôi tôm chuyên canh trên đồng Đá Bia ở thôn Tân Mỹ, xã Bình Chánh với quy mô lớn. Đến năm 2007, dự án được đưa vào sử dụng. Tuy vậy, mới qua 2 năm nuôi tôm thì các hạng mục đã xuống cấp trầm trọng. Ông Nguyễn Văn Hưng - Chủ nhiệm HTX nuôi trồng thủy sản xã Bình Chánh, cho biết: "Các hệ thống cống lấy, thoát nước đều bị rò rỉ, xuống cấp, thân đê dễ bị vỡ khi mùa mưa về; trạm biến áp bị cháy; hồ xử lý nước thải nội đồng không hiệu quả, bà con đã sang bằng nên trong hai năm trở lại đây người nuôi tôm trở lại với thời kỳ nuôi tôm quản canh, đối mặt với sự may rủi. Còn HTX thì hoạt động "thoi thóp" cầm chừng".
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, giai đoạn 1999 - 2010, toàn tỉnh có khoảng 6 dự án nuôi tôm vùng triều lẫn vùng cát. Bên cạnh đó tỉnh còn đầu tư 4 trại sản xuất, cung ứng giống và hai dự án xử lý nước thải ở cánh đồng tôm Đức Phong và Đức Minh (Mộ Đức). Nhưng các dự án giờ đang hoạt động "thoi thóp", có dự án không thực hiện được. Tính ra đến bạc tỷ đã ném xuống nước mà chẳng ai rà soát xem hiệu quả của việc đầu tư đến đâu?
Bao giờ được như xưa?
Trong những cuộc trò chuyện cùng bà con ở các cánh đồng tôm, chúng tôi bắt gặp ở họ niềm khao khát và cả sự kỳ vọng đến một ngày con tôm trở lại như xưa. Ông Nguyễn Phú Quang, thôn Tân Mỹ xã Bình Chánh (Bình Sơn), xuýt xoa nói: "Hồi đó, cứ thả mẻ tôm giống xuống là thế nào cũng hốt bạc. Nhà có 1,8 ha hồ nuôi, cứ sau 3 tháng là thu được 10 tấn tôm, lãi trên 100 triệu đồng. Giờ thì chuyện đó chỉ còn trong mơ".
Niềm vui mùa thu hoạch tôm cách đây 7 năm về trước. Ảnh: T.L |
"Người hùng" Hồ Văn Tân nuôi tôm ở Đức Phong (Mộ Đức) cũng đành "chào thua". Ông bảo: "Khó lắm, thời đó đã qua rồi. Hồi đó nuôi tôm thu hàng trăm triệu, giờ thì lỗ đến bạc tỷ rồi".
Đã có một thời con tôm đem lại cuộc sống ấm no cho dân vùng bãi ngang ven biển Quảng Ngãi. Diện mạo vùng quê cũng khởi sắc, nhà cửa, đường làng ngõ xóm được xây dựng bê tông. Cũng chính con tôm đã thỏa lòng mơ ước của lớp trẻ vùng bãi ngang nghèo khó. Bởi nhờ có con tôm mà cha mẹ của các em đã có điều kiện cho con đến các giảng đường đại học, cao đẳng. Nhưng rồi môi trường nuôi tôm bị ô nhiễm, con tôm bị dịch bệnh dẫn đến hàng trăm hộ thua lỗ. Những mong ước về một thời nuôi tôm thuận lợi ngày càng xa vời.
***
Đã hơn 10 năm trôi qua, nghề nuôi tôm ở Quảng Ngãi thật thăng trầm. Ngành chức năng cùng chính quyền địa phương cần có biện pháp khắc phục hữu hiệu để cho dân phát triển nghề nuôi trồng, góp phần làm thay đổi cuộc sống của người dân ở vùng đất nước mặn.
Bài, ảnh: MAI HẠ