(QNg)- 15 năm trước, nghề nuôi tôm làm thay đổi bao cuộc đời nghèo khó ở vùng bãi ngang ven biển Quảng Ngãi. Ngành thủy sản thấy ưu thế của nghề nuôi tôm nên đã quy hoạch, lập nhiều dự án quy mô để phát triển. Nhưng rồi... khoảng 5 năm trở lại đây môi trường vùng nuôi tôm bị ô nhiễm, con giống không kiểm soát nên dịch bệnh xảy ra liên tiếp làm người nuôi tôm rơi vào cảnh khốn đốn. Nhiều dự án phát triển nghề nuôi tôm đã phá sản, tốn tiền của Nhà nước.
*Tôm giống nào cũng ... chết
Vào vụ nuôi tôm năm 2012, giá tôm giống chênh lệch khá cao. Tôm giống có nguồn gốc XIPI, Việt Úc, với giá 820 nghìn đồng/vạn con tôm post 15 ngày tuổi. Trong khi đó, giá tôm giống không có nguồn gốc rõ ràng chỉ từ 200 - 400 nghìn đồng/vạn con. Nhiều hộ nuôi tôm ở Quảng Ngãi sau nhiều vụ tôm chết, thua lỗ quá nhiều nên giờ chẳng còn đủ sức để mua tôm giống ở những cơ sở sản xuất tôm giống có uy tín nữa mà mua tôm rẻ để thả nuôi. Ông Phạm Văn Sơn, thôn Thu Xà (Nghĩa Hòa - Tư Nghĩa), lý giải: "Tôm giống ở cơ sở sản xuất có uy tín hay trôi nổi khi thả xuống 15 - 20 ngày tuổi là rụng râu chết hàng loạt. Tôm chết hoài nên vụ này cũng thả theo kiểu cầu may, với loại giống tôm rẻ tiền cho đỡ tốn".
Người nuôi tôm Đức Phong buồn rầu vì tôm chết. |
Ông Sơn có thâm niên nuôi tôm đã gần 10 năm. Không biết bao nhiêu lần ông đã đi mua tôm giống nên kinh nghiệm chọn con giống khỏe mạnh, cơ sở sản xuất tôm giống nào có uy tín ông đều biết. Thế mà, khoảng 5 năm nay, ông đành "bó tay". Bởi ông mua từ cơ sở có uy tín, đến mua con giống trôi nổi trên thị trường, thả xuống trong vòng 15 - 20 ngày là tôm chết đỏ hồ. Hết vốn, vào vụ nuôi tôm này, trên diện tích 5.500m2 ông đành bất lực mua gần 40 vạn con tôm giống trôi nổi, với giá 300 nghìn đồng/vạn con thả xuống hồ, rồi thấp thỏm cầu may.
Ở vùng nuôi tôm Thu Xà có ông Võ Bưng - người nuôi tôm có thâm niên trên 17 năm nhưng giờ cũng "nhắm mắt" mua con giống trôi nổi thả nuôi theo cách của ông Sơn. Chỉ tính năm qua, trên diện tích 12.000m2 không dưới 6 lần ông phải đi mua con giống thả lại.
Từ trước đến giờ, trong những lần bàn luận về nghề, ông Bưng được cả vùng xưng là "vua nuôi tôm". Bởi ông từng nổi tiếng một thời là "bắt con tôm lớn theo ý mình" và ông đã có bạc tỷ, nhà cửa, đất đai trong tay. Giờ thì... cũng chính con tôm làm ông thất điên bát đảo. Năm qua, ông đầu tư con giống, công chăm sóc, cải tạo lại hồ liên tiếp để nuôi tôm, tốn không dưới một tỷ đồng mà ông cũng chưa thu lại được "mẻ" tôm nào đáng giá.
Ở vùng nuôi tôm Đức Phong (Mộ Đức) cũng chẳng khả quan gì. Khoảng 120 hộ nuôi tôm trên cát thuộc thôn Thạch Thang cứ đến mùa thả giống là tự liên hệ với các nơi để mua. Khi dịch bệnh xảy ra, biết bao lần trong chòi nuôi tôm gió thổi hun hút giữa đồng, họ ngồi bàn chuyện về nguyên nhân dịch bệnh mà bắt đầu từ xuất xứ của con giống. Sau đó, kéo nhau đi mua tôm giống tốt nhưng kết cục con tôm cứ chết dần dưới đáy hồ. Ông Hồ Văn Tân - đưa tay chỉ hàng loạt con tôm chết đỏ lòng hồ, nước bốc mùi tanh, chán nản: "Mới hôm qua tôm còn ăn mồi chưa kịp mừng. Hôm nay, tôm đã chết quá nhiều. Không biết nguyên nhân do đâu. Bao nhiêu lần chọn giống, thả giống rồi mà chẳng có thu. Nhẩm tính 2 năm trở lại đây tôi lỗ gần 1 tỷ đồng". Tình cảnh của ông Tân cũng là tình cảnh chung của những người nuôi tôm trong toàn tỉnh.
Theo hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, với 655 ha diện tích hồ nuôi tôm trong tỉnh cần gần 800 triệu con tôm giống. Tuy nhiên, các trại giống trong tỉnh chỉ cung cấp khoảng 20 - 25% tôm giống, còn người nuôi tôm mua trôi nổi trên thị trường mà tôm giống không đảm bảo chất lượng thì chuyện tôm chết đâu có gì lạ!
*Máy kiểm dịch "đắp mền"
Trong khi nhiều vùng nuôi tôm trong tỉnh đau đầu chuyện con giống trôi nổi không được kiểm dịch thì tại Chi cục Thú y Quảng Ngãi máy kiểm dịch lại đắp mền. Hàng năm cán bộ thú y thủy sản cũng phối hợp với các ngành liên quan đi kiểm dịch tại các trại giống trong tỉnh nhưng không có thiết bị máy móc, nên cán bộ thú y cũng chỉ kiểm tra bằng mắt thường và bằng... tay nên chỉ đoán dịch bệnh ở tôm theo cảm tính. Trong khi đó, người nuôi tôm muốn kiểm dịch con giống của mình cũng thật khó. Bởi tôm giống mua ở các tỉnh xa khi đưa về đến Quảng Ngãi thì đã yếu nên người nuôi vội vàng thả xuống hồ, bất kể trong đêm hay trưa nắng. Còn lấy mẫu gửi đi xét nghiệm thì mất thời gian ít nhất cũng vài ngày. Khi có kết quả thì sự việc đã rồi.
Máy kiểm dịch đắp mền . |
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thuận - Chi cục phó Chi cục Thú y Quảng Ngãi, cho biết: Sau khi ngành thủy sản sáp nhập với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi thì cán bộ thú y thủy sản chuyển về Chi cục Thú y tỉnh. Hiện ở Chi cục chỉ có 2 cán bộ chuyên môn nên không thể quản lý hàng trăm diện tích mặt hồ thả nuôi. Mỗi khi dịch bệnh xảy ra, cán bộ thú y lấy mẫu gửi ra Viện nghiên cứu chuẩn đoán nên không kịp giải quyết nạn dịch bệnh ở tôm cho bà con. Đầu năm 2011, máy kiểm dịch tôm giống, trang thiết bị xét nghiệm virus, vi khuẩn, kính soi... được chuyển từ cơ quan quản lý chất lượng nông lâm thủy sản sang Chi cục Thú y, nhưng vì thiếu con người có trình độ kỹ thuật xử lý nên không thể sử dụng được. Hiện Chi cục mới cử cán bộ thủy sản đi đào tạo.
Trong khi chờ đợi có máy xét nghiệm virus, phân tích nguồn nước vùng nuôi tôm thì cứ đến vụ, người nuôi tôm trong tỉnh lại phập phồng lo âu mua phải con giống trôi nổi. Nhiều người cho rằng, việc đầu tư nuôi tôm hiện nay chẳng khác nào ném tiền xuống biển.
Bài, ảnh: MAI HẠ
(còn nữa)