(QNĐT)- Trước đây khi nói đến cây mía, ai cũng nghĩ loại cây trồng này chỉ phát triển được ở những vùng đất bằng phẳng, màu mỡ. Thế nhưng giờ thì suy nghĩ đó đã khác bởi cây mía đã dần khẳng định và trụ được ngay trên những vùng đất đồi dốc, khô cằn. Điều đặc biệt là năng suất mía ở những vùng đất này lại không thua là bao so với đồng bằng.
Để có được kết quả trên, trong 2 năm qua, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi đã triển khai thành công mô hình thâm canh tăng năng suất, chất lượng mía trên đất gò đồi tại huyện miền núi Ba Tơ theo hướng sản xuất bền vững. Mô hình này thành công và đang mở ra hướng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo hiệu quả cho đồng bào dân tộc ở các huyện miền núi trong tỉnh.
Theo chân các anh ở Nhà máy Đường Phổ Phong, chúng tôi đến vùng mía ở xã Ba Dinh, huyện Ba Tơ. Gần một giờ đồng hồ leo đồi dốc trong cái nắng tháng 4, cộng với việc leo đèo, vượt dốc khiến chúng tôi nghĩ khó có cây trồng nào mà phát triển ở vùng đất khô cằn này. Thế nhưng khi đến nơi, mọi mệt nhọc của chúng tôi như tan biến khi chứng kiến những đồi mía bạt ngàn trên những đồi núi.
Nông dân thu hoạch mía trên đất gò đồi tại xã Ba Dinh, huyện Ba Tơ. |
Ông Trần Văn Lợi-Giám đốc Nhà máy Đường Phổ Phong phấn khích khoe: Mấy chú thấy không, mía ở vùng núi mà đẹp không thua gì mía đồng bằng. Nói rồi, để minh chứng những gì mình nói, ông Lợi đưa chúng tôi đến những ruộng mía đang thu hoạch để mục sở thị. Nhìn những cây mía to, thẳng đang được người dân thu hoạch khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên.
Ông Phạm Văn Trung, xã Ba Dinh, một trong những hộ triển khai mô hình mía ở vùng đất gò đồi cho biết, ông có 10 sào đất trên vùng gò đồi này. Trước đây cũng trồng mía, nhưng năng suất chỉ có 35-40 tấn/ha. Thấy không hiệu quả, ông chuyển qua trồng nhiều cây trồng khác, nhưng năng suất cũng không cao. Năm 2010, ông là một trong những hộ được Nhà máy Đường Phổ Phong chọn làm điểm mô hình thâm canh tăng năng suất, chất lượng mía trên đất gò đồi.
Tưởng rằng cũng làm cho vui chứ đất gò đồi khó có cây gì mà cho năng suất cao. Thế nhưng chỉ sau một năm, thấy mía lên nhanh và xanh tốt khiến ông và nhiều hộ đồng bào không khỏi vui mừng, ngạc nhiên. Thu hoạch lứa đầu đã cho trên 60 tấn/ha (cao gần gấp đôi so với trước đây). Thấy hiệu quả, thế là đồng bào ở đây ai cũng đăng ký trồng. Và hiện nay, những quả đồi này đều phủ màu xanh của cây mía. Với giá mía được nhà máy bao tiêu như hiện hay bà con mình phấn khởi lắm, sẽ nhanh xóa đói giảm nghèo thôi, bởi từ trước đến chưa cây gì trồng ở đây mà có nhiều tiền như cây mía cả”- Ông Trung phấn khởi cho biết.
Cánh đồng mía tại những đồi núi ở huyện Ba Tơ. |
Ông Cao Minh Tuấn-Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi cho biết: Dự án ứng dụng và chuyển giao các giải pháp kỹ thuật canh tác, thâm canh tăng năng suất mía theo hướng sản xuất bền vững trên đất gò đồi, được triển khai tại 2 xã Ba Dinh và Ba Tô, huyện Ba Tơ trong 2 năm 2010-2011 với tổng diện tích 383 ha.
Với việc ứng dụng các giải pháp canh tác khoa học nhằm hạn chế tình trạng xói mòn, thoái hoá đất. Trong đó mô hình thâm canh mía theo phương thức tiểu bậc thang được xây dựng cho những vùng đồi có độ dốc từ 8-15 độ và kỹ thuật làm đất được áp dụng là dùng máy đào Komatsu 95HP để đào rãnh tạo thành tiểu bậc thang, tạo tầng lớp có độ tơi xốp dày 25-30cm nhằm chống xói mòn, rửa trôi đất màu dinh dưỡng do mưa hằng năm, tăng khả năng chống hạn, chống ngã đổ.
Chỉ sau một năm triển khai, năng suất mía ở xã Ba Dinh đạt 64,1 tấn/ha (mục tiêu đề ra là 60 tấn/ha). Chất lượng mía đạt 10CCS. Còn tại xã Ba Tô thì năng suất đạt 64,3 tấn/ha. Chất lượng mía cũng đạt 10 CCS. Về hiệu quả kinh tế, với giá thu mua hiện nay 1 triệu đồng/tấn thì với 1 ha, sau khi trừ hết chi phí, người nông dân lãi ròng gần 40 triệu.
So với các loại cây trồng ở huyện miền núi hiện nay thì cây mía được xem là hiệu quả nhất, lại ít tốn công chăm sóc. Với những bước đầu thành công này, hiện Công ty đang đề nghị với Sở KH&CN cho phép tiếp tục triển khai nhân rộng dự án này tại các huyện miền núi khác như các xã: Long Sơn, Long Mai của huyện Minh Long và Sơn Hạ, Sơn Thành của huyện Sơn Hà với tổng diện tích trên 200 ha.
Bài, ảnh: M.Toàn