(QNg)- Quảng Ngãi có hàng trăm chiếc tàu thu mua cá trên biển. Phiên chợ giữa trùng khơi có rất nhiều câu chuyện đẹp. Có tàu đã ra tới gần vùng biển Hoàng Sa để thu mua.
Tại cửa biển Sa Kỳ, những chiếc tàu nhỏ, dáng thon dài, mũi nhọn đang rẽ sóng băng băng lao ra khơi với tốc độ như một chiếc ca nô cao tốc. Thân tàu được thiết kế theo kiểu lướt sóng, con tàu có thể dễ dàng lách qua sóng to để lướt êm. Đó là những chiếc tàu thu mua cá trên biển của ngư dân. Tới mùa thì thu mua cá, hết mùa bỏ lưới xuống đi biển.
Tàu hậu cần nghề cá đang ra khơi. |
Thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (Bình Sơn), một làng chài nhỏ trong tỉnh nhưng cũng có đến 30 chiếc cao tốc. Đây là đội tàu thu mua như một phiên chợ nổi trên biển. Anh Thành, một thợ máy cho biết, những chiếc tàu có trọng tải lớn, thân tàu dài hơn 20 mét, nhưng đôi khi chỉ trang bị máy 90 mã lực. Còn chiếc tàu thu mua cá, thân tàu nhỏ như chiếc thuyền câu, nhưng đều trang bị máy lớn. Máy có công suất thấp nhất là 150 mã lực, có chiếc lắp máy công suất 350 mã lực, ngang với tàu ngư dân đi Trường Sa. Trang bị máy lớn, tàu thu mua cá lao đi với vận tốc 15 hải lý/giờ. Khi gặp thời tiết xấu, những thuyền trưởng trổ tài tay lái lụa, cho tàu trườn đi trên sóng cấp 6 cấp 7 và cập mạn tàu ngư dân để thu mua cá trên biển.
Ngư dân Phạm Duy Điệp (SN 1985) ở thôn Phước Thiện xã Bình Hải cho biết: Có nhiều hôm, tàu nhận điện báo tọa độ tàu đang có cá trên biển. Dù thời tiết không thuận lợi, nhưng 7 anh em vẫn cứ cho tàu băng ra khơi. Khi tàu ngư dân bị nạn, tàu thu mua có mặt giúp ngay. Lúc này, chiếc máy công suất lớn thực sự phát huy hiệu quả.
Tại cửa biển Sa Kỳ, ngư dân vừa chứng kiến cảnh 2 chiếc tàu mua cá của ngư dân xã Tịnh Kỳ huyện Sơn Tịnh cùng với tàu của biên phòng cứu giúp tàu bị nạn. Đó là tàu QNg 99845 TS của ngư dân Nguyễn Hữu Đức, quê quán: xã Phổ An (Đức Phổ) bị mắc cạn ở cửa biển Sa Kỳ. Không ngại việc tốn kém, các ngư dân trên 2 tàu thu mua cá nổ máy, phất tay hò la ầm ĩ để cứu tàu mắc cạn suốt 2 ngày liền. Cứu ngư dân đã trở thành chuyện thường thấy của dân thu mua cá và từng ngày trở thành nét đẹp văn hóa ứng xử trên biển.
Đối với các tàu thu mua, họ đều thiết lập mối quan hệ tình cảm với các ngư dân trên biển bằng những việc làm nghĩa hiệp. Nếu nghe tin có tàu thiếu lương thực, các tàu thu mua sẵn lòng tiếp tế. Khi thu mua cá trên biển, gặp tàu bị nạn thì cố gắng tới giúp đưa vào bờ. Thuyền trưởng Lê Văn Hoan, (28 tuổi), ở thôn Phước Thiện xã Bình Hải cho biết, riêng chiếc tàu anh đã tham gia cứu nạn ngư dân vài chục vụ. Theo anh, có nhiều vụ Bộ đội Biên phòng đã huy động tàu của anh tham gia cứu giúp ngư dân ngoài biển. Và những lúc này, chiếc máy cao tốc lại phát huy tác dụng.
Hiện nay, ở thành phố Đà Nẵng đã có một chiếc tàu công suất 1.200 mã lực chuẩn bị hạ thủy và ra tận Hoàng Sa để thu mua cá, tiếp tế hậu cần. Nhiều ngư dân ở Quảng Ngãi đã dự tính nếu có vốn sẽ tiếp tục mở rộng tuyến đường. Một trong những điểm thu mua nhiều tôm cá, đó là ngư trường Hoàng Sa. Chợ trên biển sẽ cách bờ hàng trăm hải lý.
"Ngoài này có cá, cả đoàn tàu trụ lại đánh lưới thêm 2 ngày nữa nên chưa vô bờ...", nhận được điện, những chiếc tàu cao tốc lại ầm ầm lao ra biển. Các ngư dân phải có mặt để đón phiên chợ nổi giữa trùng khơi. Trong tương lai gần, nếu được tổ chức chặt chẽ, những con tàu này sẽ làm được những phiên chợ nổi ngay tại Hoàng Sa.
T. TRUNG