Những người lấn biển ở Lý Sơn

03:04, 14/04/2012
.

(QNĐT)- Nằm cách đất liền gần 20 hải lý, bốn bề là sóng nước, chính vì vậy bao đời nay, Lý Sơn luôn phải hứng chịu những đợt sóng dữ của biển mỗi khi thời tiết thay đổi. Và đã có không ít đất đai của người dân trên đảo đã bị biển “nuốt chửng”. Không cam chịu trước biển dữ, những năm qua, nhiều người dân trên đảo đã cùng nhau lấn biển, và biển cũng đã phải khuất phục trước ý chí của con người.

TIN LIÊN QUAN


Đưa chúng tôi ra mảnh đất nằm gần mép biển, ông Võ Nhất (72 tuổi), thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn tỏ vẻ hãnh diện và khoe rằng: Ta đang đứng trên biển đấy. Thấy tôi ngớ người chưa hiểu, ông Nhất kể: Trước đây, chỗ đất đang đứng này là biển, nhưng sau nhiều năm cõng đá lấp biển, giờ nó thành một khu đất đẹp như thế này.

 

Người dân Lý Sơn lấn biển.
Người dân Lý Sơn quyết tâm lấn biển.


Không đợi tôi hỏi thêm, ông Nhất kể: Hơn chục năm trở về trước, cứ sau một trận gió bão kèm theo triều cường là người dân ở đây phải rơi nước mắt bởi biển ngoạm không biết bao nhiêu là đất đai của người dân. Không lẽ cứ sống trong cảnh thấp thỏm lo sợ mỗi khi biển động? Thế là ông quyết định chế ngự biển bằng cách lấn biền. Biển lấy của ta một thì ta phải đòi lại gấp đôi. Ông đã cùng gia đình quyết định lên núi cõng đá về chất kè cản sóng. Từ những tảng đá nặng cả trăm ký đến vài chục ký đã được ông đưa xuống biển.

Thời gian đầu đá chất xuống biển như “muối bỏ biển” bởi không thấm vào đâu. Nhưng ông không chịu thua, bao nhiêu tài sản trong gia đình ông bàn với vợ bán để lấy tiền mua đá và thuê người lấn biển. Và rồi mọi thứ đã được đền đáp, chỉ sau một năm, một mảnh đất rộng hơn 400m, với một bờ tường cao đến 5m, dài 20m đã hình thành. Không chỉ lấn được biển mà những trận triều cường, hay bão dữ cũng đành khuất chịu trước bờ tường vững chắc trước nhà ông.

 

Việc lấn biển
Bỏ đá xuống biển như "muối bỏ biển" nhưng người dân Lý Sơn vẫn không chịu khuất phục.


Chính vì sự tiên phong cũng như sự kiên trì chế ngự biển mà nhiều người Lý Sơn gọi ông Nhất với tên gọi ấn tượng “Người lấn biển”. Điều đáng nói, sau thành công của ông phong trào lấn biển trên huyện đảo Lý Sơn đã phát triển mạnh. Đến nay đã có hàng chục ha đất dọc theo bờ biển được hình thành nhờ vào ý chí lấn biển của người dân.

Những ngày tháng 4 này, sau những chuyến hàng cung cấp nguyên liệu cho các tàu thuyền trên huyện đảo Lý Sơn, anh Lê Văn Nhiên, thôn Tây xã An Vĩnh lại tranh thủ thời gian cùng thợ xây kè lấn biển. Anh cho biết, sức khỏe mình có hạn nên thay vì lên tận núi chở đá, anh tự bỏ tiền ra để mua đá và thuê người cùng lấn biển.

 

Những mãnh vườn được hình thành sau những nỗ lực lấn biển.
Những khu đất được hình thành sau thời gian kỳ công chinh phục biển.


Ở trên đảo ngoài hải sản là rẻ thì mọi thứ đều khá đắt, nhất là vật liệu xây dựng. Chính vì vậy, cứ mỗi một viên đá thả xuống biển có giá từ 20 ngàn đến 50 ngàn đồng, tùy theo viên to nhỏ. Để làm kè chắn sóng và lấn ra biển khoảng 100 mét vuông, anh phải bỏ ra số tiền không dưới 400 triệu đồng. Một số tiền  không nhỏ với người dân trên đảo.

Anh Phạm Hỷ, xã An Vĩnh cho rằng, thời tiết ở đảo khắc nghiệt, người dân liên tục phải đối mặt với sóng gió, thiên tai nên mọi người ở đây ai cũng ý thức một việc là làm thế nào để bảo vệ mình. “Nếu chúng tôi không xây dựng kè đá chắn sóng, lấn biển thì trước sau gì Nhà nước cũng sẽ đầu tư, nhưng mình phải chủ động không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. Nhờ vậy mà làng này mới giữ được như bây giờ” – anh Hỷ nói.

Ông Trần Bút- Chủ tịch UBND xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn cho biết, hiện trên địa bàn xã An Vĩnh có gần 100 hộ dân đã lấn biển. Số tiền mà những hộ dân này bỏ ra rất lớn, và nếu không có những người dân này, thì hôm nay biển đã ăn sâu vào đảo nhiều rồi.

 

Bài, ảnh: M.Toàn

 


.