(QNg)- Trong 5 năm qua, cùng với việc ban hành các cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư công vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn bằng văn bản cụ thể, tỉnh ta đã phát huy tính tích cực của hệ thống chính sách này trong thực tiễn. Qua đó đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và chất lượng đời sống của nông dân.
VỐN NGÂN SÁCH CHIẾM TỈ LỆ LỚN
Từ năm 2006-2011, tổng nguồn vốn đầu tư công cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh ta đã lên tới 9.217 tỉ đồng. Trong đó vốn ngân sách Nhà nước đầu tư trên 8.201 tỉ đồng (85,65%), còn lại là vốn viện trợ của nước ngoài (chưa kể vốn đóng góp của nhân dân).
Trong đó, vốn ngân sách Trung ương đầu tư bao gồm các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, vốn Trái phiếu Chính phủ là 6.317 tỉ đồng và vốn ngân sách địa phương đầu tư là 1.445 tỉ đồng. Vốn tài trợ nước ngoài (ODA) cho đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là 1.455 tỉ đồng, chỉ chiếm 14,35%.
Như vậy, đầu tư công vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh ta trong những năm qua chủ yếu vẫn là bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với khu vực này.
KẾT QUẢ ĐÁNG GHI NHẬN
Bằng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, vốn vay và vốn huy động vào việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, trong 5 năm qua, tại tỉnh ta nhiều công trình đã được thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Trung tâm hành chính huyện miền núi Sơn Tây xây dựng và phát triển nhờ nguồn vốn đầu tư công. |
Trong đó về giao thông đã đầu tư hoàn thành 88 km đường tỉnh; 339km đường huyện; gần 317 km đường xã; 83 km đường thôn, phục vụ lưu thông, ổn định đời sống và phát triển kinh tế-xã hội.
Về thuỷ lợi đã xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa nhiều công trình thuỷ lợi, kiên cố hoá 190 km kênh mương, tăng năng lực tưới cho 2.460 ha đất nông nghiệp; xây dựng 40 km kè ven sông, ven biển,... góp phần hạn chế sạt lở, khắc phục hậu quả lũ lụt, an toàn tính mạng và đời sống của người dân.
109 công trình đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Xây dựng được 150 trường học đạt chuẩn quốc gia. Khoảng 161 công trình cấp nước được đầu tư, bình quân mỗi năm có khoảng 20-30 ngàn người dân nông thôn Quảng Ngãi được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh, tăng bình quân khoảng 2%/năm.
Giai đoạn 2006-2011 toàn tỉnh có 11/14 huyện, thành phố thành lập các Cụm công nghiệp với diện tích hơn 210 ha, gồm có 75 dự án đăng ký đầu tư vào 17 cụm công nghiệp với tổng vốn đăng ký khoảng 1.016 tỉ đồng và lao động đăng ký 5.070 người; trong đó có 72 dự án đang hoạt động.
Hệ thống chợ cũng được đầu tư nâng tổng số chợ trong toàn tỉnh lên 153 chợ, trong đó có 146 chợ nông thôn và 7 chợ thành thị.
Trong lĩnh vực an ninh quốc phòng đã xây dựng và đưa vào sử dụng 22 công trình; trong đó có nhiều công trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội gắn với an ninh và quốc phòng trên biển.
Lĩnh vực quản lý nhà nước đã xây dựng và đưa vào sử dụng 32 công trình cấp huyện, 46 trụ sở xã đảm bảo yêu cầu cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước. Ngoài ra còn có nhiều công trình khác đầu tư vào khu vực nông thôn cũng đã và đang phát huy được hiệu quả. Những thành quả đạt được nói trên là rất đáng được ghi nhận và phát huy.
... VẪN CÒN BỘC LỘ NHIỀU MẶT YẾU KÉM
Cụ thể như, số cán bộ cấp xã chưa được đào tạo cơ bản thường lúng túng trong việc triển khai thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư cũng như đánh giá kết quả đầu tư. Tại nhiều xã, chính quyền chưa quan tâm đến việc quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng các công trình; khi hư hỏng còn ỷ lại và trông chờ vào Nhà nước hỗ trợ; không có nguồn thu để sửa chữa công trình dẫn đến hư hỏng (đặc biệt là các xã miền núi). Tiến độ thực hiện một số dự án còn chậm, làm kéo dài thời gian hoàn thành, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Công tác giám sát thực hiện chương trình đã được quan tâm nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao...
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nói trên một phần là do năng lực của đội ngũ cán bộ cấp xã nhiều nơi còn hạn chế do chưa qua đào tạo cơ bản. Sự phối hợp giải quyết các vướng mắc của các sở, ngành có việc chưa linh hoạt, có lúc thiếu đồng bộ. Chỉ đạo của một số huyện có lúc chưa tập trung và chưa quyết liệt. Năng lực của một số Ban quản lý dự án chưa đáp ứng yêu cầu...
Những yếu kém nói trên cần sớm được khắc phục, nhất là trong lúc tỉnh ta đang đẩy nhanh tốc độ thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới như hiện nay.
Bài ảnh: Nguyễn Khâm