Ba Tơ: Hiệu quả "kép" từ trồng mây dưới tán rừng

07:04, 23/04/2012
.

(QNg)- Những năm gần đây, cùng với việc phát triển rừng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, đồng bào dân tộc Hrê ở một số xã của huyện Ba Tơ còn trồng cây mây dưới tán rừng. Cây mây không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế cho đồng bào nơi đây mà còn có tác dụng bảo vệ rừng.

TIN LIÊN QUAN


Đến xã Ba Vinh (Ba Tơ) trong thời gian này, nhà nào cũng phơi mây khắp cả sân. Nhiều nhà, mây đã phơi khô được xếp thành đống cao chờ người đến thu mua. Chị Phạm Thị Thanh, một người dân ở thôn Nước Lá, xã Ba Vinh cho biết, nhiều năm qua, ngoài việc trồng cây nguyên liệu là keo lai thì bà con mình còn trồng thêm cây mây dưới tán rừng nữa. Thôn Nước Lá có 56 hộ dân thì 56 hộ này đều trồng cây mây, người trồng ít nhất cũng gần 1 ha, nhiều thì từ 5 đến 10 ha. Hầu hết người dân ở xã Ba Vinh ai cũng trồng mây dưới tán rừng. Gia đình chị Thanh có trên 5 ha rừng cây keo tai tượng gần 4 năm tuổi thì gia đình chị cũng trồng bấy nhiêu diện tích cây mây đã cho thu hoạch hơn một năm.

Người dân thôn Nước Lá, Ba Vinh (Ba Tơ) phơi mây đã thu hoạch chờ người đến thu mua.
Người dân thôn Nước Lá, Ba Vinh (Ba Tơ) phơi mây đã thu hoạch chờ người đến thu mua.


Gia đình anh Phạm Văn Thóa, ở xã Ba Vinh có 3 sào mây được trồng dưới tán rừng phòng hộ. Vườn mây này đã qua nhiều đợt thu hoạch, đem lại nguồn lợi không nhỏ cho gia đình anh. Anh Thóa cho biết, mỗi năm gia đình mình thu hoạch từ cây mây khoảng 10 đến 15 triệu đồng. Khi thu hoạch xong thì mây lại tiếp tục đẻ nhánh và cho thu hoạch đều đặn hàng năm. "Trồng cây mây lợi thế là khi nào đến mùa giáp hạt, không có tiền mua gạo thì mình chỉ cần lên rừng chặt vài dây mây đem bán là đã có tiền lo bữa ăn cho gia đình cả ngày rồi" - anh Thóa cười bảo.

Cây mây sau 3 năm trồng và chăm sóc đã có thể thu hoạch, mây càng già thì giá trị càng cao. Mỗi ngày, một thanh niên có thể kiếm được từ 200 đến 300 ngàn đồng từ việc chặt mây mà không tốn mấy công sức. Cây mây khai thác về đến đâu là có người đến tận nhà để mua. Có nhiều doanh nghiệp ở Ba Tơ đã đặt hàng mua tại các xã trên địa bàn huyện. Nguồn nguyên liệu cung ứng cho nhiều doanh nghiệp và các cơ sở mây, tre đan trong và ngoài tỉnh.

So với cây trồng khác thì cây mây ít tốn công chăm sóc và chi phí phân bón cũng như thuốc trừ sâu không đáng kể. Không chỉ tăng thu nhập cho người dân, cây mây được trồng dưới tán rừng phòng hộ còn có tác dụng bảo vệ rừng. Vì khi những bụi mây dưới tán rừng đã trải rộng thì sẽ hạn chế rất lớn việc phá rừng.

Mỗi một người trồng mây dưới tán rừng là đã góp phần bảo vệ được một vùng rừng rộng lớn. Những vườn mây của đồng bào Hrê trồng dưới tán rừng phòng hộ ở các xã của huyện Ba Tơ đã góp phần rất lớn vào việc bảo vệ rừng bền vững ở địa phương. Đến nay độ che phủ của rừng ở Ba Tơ lên đến trên 65%. Phần lớn cũng nhờ việc phát triển trồng mây dưới tán rừng phòng hộ.

Xác định được nguồn lợi của cây mây nên những năm gần đây, huyện Ba Tơ đã đầu tư phát triển cây mây dưới tán rừng phòng hộ. Mỗi năm từ chương trình hỗ trợ nông dân và chương trình phát triển nông thôn huyện Ba Tơ đã hỗ trợ giống mây cho bà con trồng mới 100 - 150 ha mây. Đến nay, diện tích mây dưới tán rừng phòng hộ trên địa bàn huyện đã mở rộng lên hơn 1.000 ha, được trồng nhiều ở các xã Ba Vinh, Ba Trang, Ba Thành, Ba Điền, Ba Khâm…

Huyện Ba Tơ đang tiếp tục khuyến khích bà con nông dân nhận bảo vệ rừng ở các xã, thị trấn mở rộng diện tích trồng mây dưới tán rừng. Đây là điều kiện vừa tăng thu nhập cho hộ nhận khoán bảo vệ rừng, vừa bảo vệ được nguồn tài nguyên rừng sẵn có ở địa phương. Năm năm trở lại đây, cùng với các loại cây nguyên liệu khác, cây mây đã góp phần không nhỏ vào việc cải thiện đời sống sinh hoạt cho các hộ gia đình ở nhiều xã của huyện Ba Tơ, đồng thời góp phần vào việc bảo vệ nguồn tài nguyên rừng ở địa phương.

 Hiệu quả "kép" từ việc trồng mây dưới tán rừng ở Ba Tơ là mô hình để cho đồng bào, người dân ở các huyện miền núi trong tỉnh học tập nhân rộng, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội ở miền núi ngày càng phát triển.


Xuân Hiếu
 


.