(QNg)- Khi những tia nắng mùa xuân ấm áp xuyên qua núi rừng xã Trà Lãnh (Tây Trà) cũng là lúc những bông hoa đót nở bung trắng núi đồi. Trong thời điểm giáp vụ này, đồng bào Cor trong xã vào rừng bứt đót kiếm thu nhập, nhưng đót năm nay mất mùa, lại mất giá nên cái ăn lại đè nặng trên mỗi hộ gia đình.
"Lúa đông xuân hiện đang thời kỳ đẻ nhánh. Đất rẫy thì giờ mới bắt đầu phát dọn thực bì để chuẩn bị vào tháng 4-5 có mưa dông gieo hạt. Bây giờ cả làng ai cũng tranh thủ lên rừng bứt đót nhưng giá đót tươi thấp và người mua chậm nên cái đói cũng cận kề", chị Hồ Thị Yến, ở thôn Trà Linh, xã Trà Lãnh lo lắng nói.
Một góc trung tâm xã Trà Lãnh hôm nay. |
Chị Yến năm nay mới 28 tuổi nhưng đã có 2 con. Chồng chị mất cách đây 3 năm trong lần đổ bệnh ngặt nghèo không có tiền cứu chữa. Gia đình hai bên đều khổ. Một mình chị bươn chải để nuôi hai người con và nuôi chính bản thân chị. Cứ một năm 2 vụ, trên diện tích đất canh tác lúa nước chị cấy sạ được một ang lúa giống. Khi lúa vụ đông xuân lên xanh thì chị tất tả lo gieo lúa trên rẫy. Quanh năm nhọc nhằn nhưng những ngày giáp hạt này, cái đói luôn ám ảnh mẹ con chị. Chị Yến thổ lộ: "Tết vừa qua được Nhà nước và các tổ chức hỗ trợ gạo, cho tiền ăn Tết, nhưng ăn hoài mà không làm ra thì gạo trong thạp cũng cạn dần".
Không chỉ chị Yến là trường hợp đặc biệt nghèo, mà trên vùng cao này còn lắm người cơm chưa đủ no, áo thiếu mặc. Chị Hồ Thị Hòa - cán bộ phụ trách công tác Lao động - Thương binh và Xã hội xã Trà Lãnh, cho biết: Ở xã còn rất nhiều trường hợp như chị Yến, có hộ đông con, có hộ chỉ có vợ chồng già không nơi nương tựa... Cảnh thiếu đói thường trực bám lấy họ. Toàn xã có 451 hộ, với 1.893 khẩu thì đã có 317 hộ nghèo, chiếm trên 70% hộ nghèo trong toàn xã. Hàng năm, cứ đến mùa giáp hạt, Tết đến, Xuân về, Nhà nước phải hỗ trợ bà con. Nhưng hỗ trợ thì giúp lúc ngặt, đảm bảo cho bà con đỏ lửa trong ba ngày xuân, chứ đâu giúp nghèo. Ông Hồ Văn Công - Chủ tịch UBND xã Trà Lãnh, cho biết thêm: "Đồng bào mình không trông chờ, ỷ lại Nhà nước, nhưng vì điều kiện địa hình và trình độ dân trí thấp nên việc triển khai khoa học kỹ thuật vào sản xuất thật khó".
Nhiều năm qua, trên vùng cao này đã được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ kỹ thuật canh tác, cây, con giống mới giúp đồng bào Cor thuận lợi trong việc sản xuất, cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, trong năm 2011 các chỉ tiêu về kinh tế ở xã Trà Lãnh vẫn không đạt cao. Trong đó, diện tích trồng lúa nước gieo sạ 34 ha nhưng năng suất chỉ đạt hơn 27 tạ/ha, tổng sản lượng hơn 94 tấn (85% kế hoạch năm). Diện tích lúa rẫy 36ha, năng suất bình quân chỉ hơn 13 tạ/ha, sản lượng đạt gần 49tấn (82% kế hoạch năm).
Cùng với việc canh tác cây lúa, đồng bào Cor còn trồng các loại cây ngô, mì, đậu, mè các loại để có thêm nguồn thu nhập. Tuy vậy, tổng sản lượng lương thực cả năm chỉ có 208 tấn (85% KH), trong đó, thóc 143 tấn, ngô 65 tấn. Lương thực bình quân đầu người chỉ hơn 110 kg/người/năm (84% KH).
Đi đôi với trồng cây lương thực để giải quyết cái ăn trước mắt, xã đã chủ trương trồng cây lâu năm để phát triển kinh tế bền vững cho bà con. Việc trồng cây lâm nghiệp đồng bào Cor đã có ý thức từ lâu. Trong năm 2011, nhân dân thu hoạch được 24 tấn quế, 67 tấn keo và 30 tấn đót. Đến nay, xã đã vận động đồng bào trồng được 494.000 cây quế.
Tuy nhiên, do địa hình cách trở, thu hoạch được tấn keo, tấn đót, tấn quế chở về đồng bằng tiêu thụ thì tiền vận chuyển đã chiếm hết giá trị sản phẩm lâm nghiệp của đồng bào. Trong khi đó, sản lượng lâm nghiệp so với một xã hơn 451 hộ dân thì cũng không nhiều. Cộng với việc sản xuất nông nghiệp đạt năng suất thấp nên đồng bào Cor ở Trà Lãnh khó tránh khỏi cảnh thiếu ăn trong thời điểm giáp hạt hiện nay.
Bài, ảnh: MAI Hạ