Thoát nghèo từ con dúi

09:03, 09/03/2012
.

(QNg)- Không chịu bó tay để cái đói, cái nghèo đeo bám, lão nông Lê Văn Hữu ở thôn Kim Thành, xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) đã tự mày mò học hỏi, nuôi thành công con dúi - loài đặc sản đang được thị trường săn đón hiện nay.

"Đầu năm 2011, vô tình xem được phóng sự trên sóng VTC 6 nói về một nông dân ở tỉnh Bình Phước trở thành tỷ phú nhờ nuôi con dúi, tôi thấy hay hay nên… bắt chước" - lão nông Lê Văn Hữu niềm nở mở đầu câu chuyện với chúng tôi, khi nói về cái duyên đến với loài vật hiện vẫn còn lạ với nông dân Quảng Ngãi. Sau dịp ấy, ông Hữu chỉ biết "ăn, ngủ" với những mớ tài liệu về dúi để tìm hiểu, nắm bắt đặc điểm sinh học, tập tính và cách chăm sóc con vật quanh năm chỉ biết sống trong bóng tối này. Để rồi một tháng sau, khi đã có chút vốn kiến thức lận lưng, ông mạnh dạn nhờ người quen ở Bình Phước mua giúp 6 con dúi với giá gần 3 triệu đồng để thử… vận may. "Nhìn con dúi nhỏ xíu mà nặng gần 1 kg, có giá đến 500.000 đồng, tôi vừa mừng vừa… run. Vì lỡ thất bại thì gia đình phải gánh thêm một khoản nợ", ông Hữu nhớ lại.

Lão nông Lê Văn Hữu đang kiểm tra con dúi nặng hơn 1,5 kg.
Lão nông Lê Văn Hữu đang kiểm tra con dúi nặng hơn 1,5 kg.


Sau một năm kiên trì chăm sóc dúi trong tâm trạng thấp thỏm, 6 con dúi đã "trả công" ông bằng đàn dúi 26 con. Sau khi xuất chuồng mở hàng 12 con, ông giữ lại 20 con (trong đó có 15 con cái) để tiếp tục gầy đàn. Dự kiến đến cuối năm nay, số dúi này sẽ cho ông thêm 200 con. Như vậy, với giá bán hiện nay dao động từ 450.000 - 500.000 đồng/kg dúi hơi thì sau một năm nuôi thử, ông Hữu không chỉ trả xong nợ mà còn bỏ túi gần 7 triệu tiền lời, kèm đàn dúi cái đang kỳ sinh sản trị giá hơn 15 triệu đồng. "Con dúi đã cứu cánh gia đình tôi, nhờ nó mà cái gánh cơm áo, gạo tiền bỗng nhẹ hơn, lại còn có dư nữa chứ", ông Hữu phấn khởi khoe.

Theo ông Hữu thì nuôi dúi khỏe hơn nhím hay thỏ vì dúi mắn đẻ (mỗi năm đẻ 4 lứa, mỗi lứa từ 2 - 6 con), ít tốn chi phí và công chăm sóc. Đặc biệt, thức ăn của dúi thuộc loại rẻ tiền và rất dễ tìm kiếm, đó là các loại phụ phẩm nông nghiệp như: Thân tre, gốc mía, củ mì, củ khoai, hạt bắp…

Mặt khác, dúi là con vật ưa tối, thích chui rúc trong hang đất nên vấn đề vệ sinh chuồng trại không quá nghiêm ngặt như các loài khác. Với điều kiện và kỹ thuật nuôi đơn giản, hiệu quả kinh tế cao nên cũng chẳng có gì lạ khi người dân xã Hành Dũng bắt đầu quan tâm và dành ưu ái cho con dúi. Thậm chí nhiều hộ lúc đầu nhờ ông Hữu hướng dẫn cách nuôi dúi chỉ vì tò mò, muốn thử thịt dúi như thế nào. Khi nhận thấy con dúi mang lại lợi nhuận cao, được thị trường ưa chuộng, nhiều người đã tính chuyện gắn bó lâu dài và đầu tư mở rộng quy mô nuôi. "Với một xã nghèo, khiêm tốn về ngành nghề và đất sản xuất nông nghiệp như Hành Dũng thì con dúi hứa hẹn sẽ mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội tạo điều kiện cho nông dân vay vốn ưu đãi, phục vụ nhu cầu nuôi dúi" - ông Trần Ngọc Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hành Dũng cho hay.

Dù đã thoát nghèo từ con dúi nhưng điều đáng quý ở lão nông chân đất ấy là không bao giờ giấu nghề, mà sẵn sàng giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm với những người muốn "liều" như ông. Ấy vậy nên, khi thấy bà con trong xã có nhu cầu nuôi dúi mà… kẹt vốn thì ông Hữu lại cho họ tạm ứng cặp giống, tiền bạc trả sau. Thậm chí với những người có hoàn cảnh khó khăn, ông biếu hẳn họ cặp dúi để… lấy may! "Mình thoát nghèo cũng nhờ… học lỏm của người ta. Khi đã làm ăn được thì phải san sẻ cái may mắn ấy cho bà con mình, họ hàng làng xóm với nhau chứ có ai xa lạ đâu mà tính toán" - lão nông Lê Văn Hữu mỉm cười giãi bày.        


                  Mỹ Hoa
 


.