(QNĐT)- Sự phát triển “nóng” của các Cụm Công nghiệp làng nghề (CNLN) ở một số địa phương trong tỉnh thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập, như lãng phí trong sử dụng đất, cơ sở hạ tầng yếu kém, ô nhiễm môi trường…, cần có giải pháp khắc phục bền vững. Điển hình trong số đó là Cụm CNLN Bình Nguyên (Bình Sơn).
* Cơ sở hạ tầng quá yếu kém
Ở huyện Bình Sơn, sự ra đời của Cụm CNLN Bình Nguyên vào năm 2004 là một quyết định đúng đắn, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư chưa hội đủ các điều kiện vào đầu tư trong KKT Dung Quất. Đây được coi là vệ tinh của các KKT, KCN của tỉnh.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển đó, UBND tỉnh thu hồi 20 ha đất nông nghiệp để xây dựng Cụm CNLN Bình Nguyên. Xét về mặt số lượng thu hút nhà đầu tư thì cụm CNLN này được đánh giá là một trong những cụm công nghiệp tương đối thành công của tỉnh. Tuy nhiên, số doanh nghiệp đã đầu tư đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Nhiều diện tích đất trong cụm công nghiệp được cấp phép đầu tư nhưng không thực hiện. Vì thế, hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm như mục tiêu mà cụm công nghiệp đề ra ban đầu cũng chưa thật sự cao.
Đây là một trong số nhiều bất cập thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, vì diện tích của cụm công nghiệp này nguyên là đất nông nghiệp.
Với phương châm vừa đầu tư xây dựng, vừa thu hút nhà đầu tư, nhưng do vốn ngân sách đầu tư nhỏ giọt, vốn huy động từ các nguồn khác còn hạn chế nên đến nay cơ sở hạ tầng thiết yếu tại cụm công nghiệp này vẫn chưa được hoàn thiện.
Thực trạng trên khiến các doanh nghiệp đã đầu tư gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời không hấp dẫn các doanh nghiệp có ý định đầu tư.
Nhiều dự án cấp phép nhưng không đầu tư đưa vào sản xuất (ảnh chụp tại mặt bằng dự án của Công ty Thiết bị điện Thái Dương) |
“Hiện nay, bức xúc ở cụm công nghiệp này là tình trạng ô nhiễm môi trường phát sinh chủ yếu từ đường đi còn lầy lội, bụi và nước thải. Nguyên nhân chính do hệ thống đường giao thông chung toàn bộ Cụm CNLN chưa được bê tông hoặc nhựa hóa. Hệ thống thoát nước mưa, xử lý nước thải chung của cụm công nghiệp chưa được xây dựng”- nhận định của lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Bình Sơn.
Ông Nguyễn Đức Nhân ở thôn Châu Tử, xã Bình Nguyên, bức xúc: Hằng ngày, hàng chục xe tải, xe hàng ra vào cụm công nghiệp qua tuyến đường này gây ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng. Mùa mưa thì lầy lội, mang đất ra QL 1A, trời nắng bụi phát tán vào môi trường gây ô nhiễm. Nước thải từ các nhà máy khi gặp trời mưa tràn ra ngoài khu dân cư, đồng ruộng của dân do chưa có hệ thống thu gom nước mưa và nước thải để xử lý trước khi xả ra ngoài môi trường. Vấn đề này cần tập trung khắc phục triệt để nếu như muốn cụm công nghiệp này phát triển bền vững.
* Loại bỏ dự án gây ô nhiễm
Cụm CNLN Bình Nguyên được quy hoạch xây dựng cạnh QL 1A và nằm lọt thỏm giữa khu dân cư, trường học. Lẽ ra, với vị trí này chỉ nên thu hút những doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp sạch, lĩnh vực ít gây ô nhiễm môi trường.
Thế nhưng, với áp lực phải sớm lấp đầy diện tích mặt bằng cụm công nghiệp nên đã chấp nhận nhiều dự án đầu tư vào các lĩnh vực luôn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Hệ quả đó đến nay bắt đầu xuất hiện và ngày càng nghiêm trọng, khiến nhân dân sinh sống và sản xuất nông nghiệp xung quanh cụm công nghiệp rất bức xúc.
Nhà máy sản xuất tấm lợp Fibrocementb đổ chất thải rắn trực tiếp xuống ao Gò In |
Điển hình trong số này là Nhà máy sản xuất tấm lợp Fibrocement và ngói xi măng của Công ty Cổ phần Quảng Phúc. Dù đưa vào hoạt động tháng 6/2009 với lĩnh vực sản xuất nhạy cảm nhưng Công ty không thực hiện đầy đủ các yếu tố đảm bảo môi trường trong và ngoài cụm công nghiệp. Dân phản ánh, Phòng TN&MT huyện Bình Sơn tiến hành kiểm tra nhưng vẫn không làm hết trách nhiệm dẫn đến việc người dân không đồng tình với một số chi tiết đã kết luận trong báo cáo ngày 20/10/2011.
Người dân tiếp tục khiếu nại, thì ông Đặng Thanh Tú- Giám đố Công ty Cổ phần Quảng Phúc mới thừa nhận: “Hệ thống thu gom nước mưa, nước thải của nhà máy chưa hoàn chỉnh, khi có mưa nước thải tràn từ nhà máy tràn ra ngoài. Trong quá trình sản xuất nhà máy có đổ xi măng đã hỏng, tấm lợp Fibrocement hỏng xuống ao Gò In”.
Ông Nguyễn Đức Nhân cho biết thêm, hơn 2ha đất nông nghiệp thuộc đồng Cây Bún của 23 hộ dân ở xóm 16, thôn Châu Tử (Bình Nguyên) cũng bị ảnh hưởng bởi nước thải từ các nhà máy trong cụm công nghiệp. Người dân làm đồng có biểu hiện bị ngứa chân tay, mắc một số bệnh ngoài da. Năng suất lúa, cây trồng khác xung quanh cụm công nghiệp giảm phân nửa so với trước.
Một số người đành bỏ hoang đất sản xuất. Như gia đình bà Võ Mai, từ khi cụm công nghiệp đi vào hoạt động thì 4 sào đất sản xuất chia theo Nghị định 64/CP của bà luôn bị ngập úng do nước từ cụm công nghiệp chảy ra.
“Lối đi ra đồng phải đi trong cụm công nghiệp nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại và sản xuất của người dân. Vì lẽ đó, một số diện tích người dân bỏ hoang, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống gia đình. Trong cụm công nghiệp cũng có nhiều dự án treo gây lãng phí quỹ đất rất lớn”- bà Võ Mai ở thôn Châu Tử bức xúc.
Ngoài ra, xung quanh cụm công nghiệp còn có hơn 10 giếng nước của người dân có biểu hiện nhiễm phèn. Bà Phạm Thị Xuân (61 tuổi), ở cùng thôn Châu Tử bức xúc: “Bao nhiêu năm sinh sống trên mảnh đất này, chưa bao giờ tôi cảm thấy lo lắng như hiện nay. Bởi lẽ, môi trường sống ở đây không còn trong sạch như ngày trước, người dân luôn đối mặt với nguy cơ mắc các chứng bệnh hiểm nghèo. Biểu hiện rõ nét nhất là bụi mù mịt khi trời nắng gió. Nước giếng mỗi lần đun sôi lại thấy có biểu hiện chuyển màu đen nên không ai dám uống”.
Phát triển nhanh lĩnh vực công nghiệp là điều mà bất kỳ địa phương nào cũng mong muốn, vì đó là nền tảng để vươn lên thoát nghèo. Song, không phải vì mục tiêu đó mà chúng ta phát triển một cách ồ ạt, phát triển theo cách tận thu cạn kiệt nguồn tài nguyên, bất chấp ô nhiễm môi trường, vì như thế là phát triển không bền vững.
Bài, ảnh: P.Đức-T.Phương