Nuôi tôm ở Mộ Đức: Hậu quả từ việc phớt lờ lịch thời vụ

09:03, 17/03/2012
.

(QNg)- Theo lịch thời vụ thì ngày 2/3 người nuôi tôm trong tỉnh xuống giống đợt 1 năm 2012. Nhưng hơn 43 ha diện tích nuôi tôm trên cát ở xã Đức Phong (Mộ Đức) không thể thả nuôi vì dịch bệnh ở tôm xảy ra liên tiếp trong nhiều năm qua dẫn đến thua lỗ nặng. Nguyên nhân dẫn đến vấn đề này  có nhiều, nhưng bắt đầu từ việc phớt lờ lịch thời vụ.   

TIN LIÊN QUAN


Không còn đủ sức vào vụ tôm mới

Đã vào vụ nuôi tôm nhưng vùng nuôi tôm trên cát ở xã Đức Phong thật vắng lặng. Máy sục khí nằm im. Hồ nuôi đóng rêu xanh. Ông Nguyễn Hoàng Dũng, ở thôn Thạch An, xã Đức Phong,  đã có hơn 10 năm nuôi tôm trên cát, nói: Bắt đầu từ năm 2011, ông đã được cấp và thuê với tổng diện tích gần 1 ha hồ nuôi tôm. Những năm đầu do chưa nắm bắt các quy trình kỹ thuật nuôi tôm nên ông nuôi  không có lãi. Đến năm 2005 - 2008, con tôm đã sống được trên vùng cát và đã đem lại nguồn thu cho ông thật đáng kể.

Một số hộ nuôi tôm ở xã Đức Phong bất chấp lịch thời vụ thả nuôi nên luôn đối diện với sự rủi ro cao Trong ảnh: Theo dõi sức khỏe con tôm trước nạn dịch bệnh kéo dài.
Một số hộ nuôi tôm ở xã Đức Phong bất chấp lịch thời vụ thả nuôi nên luôn đối diện với sự rủi ro cao Trong ảnh: Theo dõi sức khỏe con tôm trước nạn dịch bệnh kéo dài.


Chỉ trong vòng 3 năm mà ông đã thu về hơn 2 tỷ đồng. Thấy con tôm đem lại lợi nhuận cao và nhanh chóng, ông Dũng cùng nhiều hộ quanh vùng đã thả nuôi với mật độ dày con trong diện tích hồ và gối vụ liên tục nên con tôm đã sinh bệnh. Từ một vài hồ nhiễm bệnh đã lan ra nhanh chóng, chiếm hết diện tích 1 ha ở 6 hồ nuôi của ông. Dịch bệnh xảy ra, ông Dũng càng cố gắng nạo vét hồ, sục khí, chọn mua con giống kỹ lưỡng hòng khắc phục. Đến nay, đã gần 3 năm mà dịch bệnh vẫn không hết, ông đành "chào thua" và lỗ vốn gần 500 triệu đồng.

 

Ông Dũng than vãn: "Thua lỗ quá, nên cứ thả vội xuống, hòng kiếm lại chút ít. Đầu năm nay đã thả ươm 90 vạn con tôm giống để chuẩn bị thả nuôi ở 6 hồ. Nhưng hiện nay tôm cứ chết dần và tiêu trong nước bao giờ chẳng hay. Lại thất thu hơn 30 triệu đồng nữa rồi".

Cả vùng nuôi tôm trên cát ở xã Đức Phong hơn 43,5 ha, với hơn 100 hộ nuôi tôm hiện nay không có hồ nuôi nào khả quan. Ba năm qua (2009 -2011), có hồ thì huề vốn, có hồ mất trắng. Nguyên nhân con tôm chết là do không tuân thủ lịch thời vụ, việc vệ sinh hồ nuôi không đảm bảo chất lượng, nguồn tôm giống phần lớn chưa qua kiểm dịch, mật độ nuôi tôm quá dày nên dịch bệnh phát sinh rồi lây lan chết hàng loạt dẫn đến thua lỗ.

 

Người nuôi tôm sau khi tôm chết vì nóng lòng lấy lại vốn vội súc hồ, rồi thả nuôi chứ không báo với Chi cục Thú y. Trong số 122 ha hồ tôm ở Mộ Đức có 79 ha hồ nuôi tôm xảy ra dịch bệnh trong năm 2011, nhưng Chi cục chỉ nhận báo được vài trường hợp.

 Bài học không quá muộn

Đầu tháng 3 tại xã Đức Phong, Chi cục Thú y tỉnh, huyện Mộ Đức và xã Đức Phong gặp gỡ trao đổi với những hộ nuôi tôm. Hầu như tất cả những hộ nuôi tôm đã thấy rõ nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh và đồng tình dời lịch thời vụ nuôi tôm đến tháng 5 để tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng ở hồ nuôi tôm.

 

Ông Nguyễn Văn Thuận - Phó Chi cục Thú ý tỉnh, thêm một lần khuyến cáo: Ngoài việc bà con tuân thủ lịch thời vụ thì cũng cần phải thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật về nạo vét hồ, mua con giống, mật độ tôm thả nuôi mà người nuôi tôm đã tập huấn. Khi dịch bệnh xảy ra phải báo với cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm để có cơ sở hỗ trợ thuốc tiêu độc, khử trùng nguồn nước.

 Ông Vũ Nhân - Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức, yêu cầu xã sắp xếp thành lập các tổ, nhóm nuôi tôm. Trên cơ sở này, các cơ quan chức năng sẽ dễ dàng tổ chức các buổi tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm; cung ứng giống chất lượng, tìm hướng đầu ra sản phẩm ổn định... Trước mắt, bà con nêu cao tinh thần cộng đồng, tương trợ khắc phục nạn dịch bệnh, tuân thủ triệt để việc xử lý ao hồ; chọn mua con giống tốt; thả nuôi đúng lịch thời vụ. Trạm Thú y tăng cường công tác kiểm tra để giúp dân; đối với những hộ nuôi tôm khi xảy ra dịch bệnh cần báo cho cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm.

Trên cơ sở chỉ đạo tại xã, huyện sẽ lập công văn yêu cầu các vùng nuôi tôm thực hiện đúng quy trình kỹ thuật như ở xã Đức Phong; đồng thời kiến nghị lên cơ quan chức năng sớm tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm, kỹ thuật chọn giống, phòng chống dịch bệnh ở tôm...; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với nguồn giống nhập từ ngoài tỉnh để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định. Có vậy, dịch bệnh ở tôm mới dần được khắc phục, người nuôi tôm mới có lãi.


Bài, ảnh: MAI HẠ   

 


.