Những cánh đồng “vàng” ở Mộ Đức

01:03, 03/03/2012
.

(QNg)- Những năm gần đây, huyện Mộ Đức đã chú trọng đến viêc đẩy mạnh xây dựng mô hình cánh đồng cho thu nhập 70 triệu đồng/ha/năm trở lên. Bước đầu cho thấy mô hình này đã đem lại giá trị kinh tế trở thành những cánh đồng “vàng”, góp phần ổn định cuộc sống của bà con, tăng thu nhập và làm cho bộ mặt địa phương ngày càng đổi mới.


Chúng tôi đến thôn 6 thăm cánh đồng Soi Huyện. Đây là một trong những cánh đồng có năng suất, thu nhập cao trong mô hình xây dựng cánh đồng cho thu nhập 70 triệu đồng/ha/năm trở lên tại địa phương. Vào những ngày này, bà con nông dân canh tác trên cánh đồng này đang trồng bắp.

 

Đồng rau ở xã Đức Hiệp (Mộ Đức).  Ảnh: M. Hoa
Đồng rau ở xã Đức Hiệp (Mộ Đức). Ảnh: M. Hoa

 

Ông Trần Đình Lê - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Mộ Đức cho biết: "Huyện Mộ Đức đã xây dựng được một số mô hình thâm canh cho giá trị 70-100 triệu đồng/ha. Đây là một thành công. Tuy nhiên, mô hình này vẫn ở dạng nhỏ lẻ và manh mún, chưa hình thành được những cánh đồng chuyên canh thực thụ. Do đó, để hình thành được những cách đồng chuyên canh đúng nghĩa, huyện Mộ Đức sẽ tiến hành dồn điền đổi thửa nhân rộng các mô hình để nâng  cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là một trong những nội dung phải thực hiện để xây dựng nông thôn mới".

Nông dân Phạm Bá Vịnh, ở thôn 6 xã Đức Nhuận đang chăm sóc cho 2 sào bắp của gia đình cho biết: Mặc dù ruộng bắp của ông đang bắt đầu cho ra trái, nhưng  ông đã phải chuẩn bị đất để trồng cây ớt. Có nghĩa là, ngay sau khi thu hoạch xong ruộng bắp thì vào tháng 4 trên đám ruộng này, cây ớt cũng bắt đầu ra trái. Như vậy thì chỉ 1 tuần sau đó lại bắt đầu thu hoạch ớt, và tiếp tục xuống giống khổ qua vào tháng 7. Nhờ đầu tư thâm canh, với 2 sào đất ở cánh đồng này, năm nào ông Vịnh cũng làm được 3 vụ màu cho thu nhập trên 20 triệu đồng/sào.

Ông Nguyễn Vũ Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Nhuận cho biết, toàn xã hiện có gần 80 hộ nông dân tham gia mô hình này. Nhờ sản xuất đồng bộ, đúng quy trình kỹ thuật và thời điểm xuống giống nên các hộ dân canh tác ở cánh đồng Soi Huyện đều sản xuất được 3 vụ/năm. Năm 2007, trên cơ sở mô hình do Trung tâm khuyến nông đầu tư và hướng dẫn kỹ thuật, toàn xã có 4 ha đất thực hiện theo quy trình luân canh cây trồng này. Đến nay, sau 5 năm thực hiện, xã Đức Nhuận đã mở rộng diện tích này lên 8,1 ha. Nhờ đó cuộc sống của người dân  được nâng lên rõ rệt.

Rời cánh đồng Soi Huyện, chúng tôi đến thăm cánh đồng Bốn Mẫu ở xã Đức Thắng. Những năm qua, nhờ chủ trương phát triển thâm canh tăng vụ nên các hộ gia đình có thu nhập ngày càng cao. Cánh đồng này trước kia trồng lúa, bắp nhưng không đạt, người dân chuyển sang trồng rau màu như đậu xanh, rau, khổ qua, bí, ớt. Hầu hết 50 hộ dân tham gia mô hình ở cánh đồng này đều có thu nhập khá cao.

 Qua 5 năm thực hiện chủ trương mỗi xã xây dựng một cánh đồng có thu nhập cao trên 70 triệu đồng/ha/năm, đến nay các địa phương ở Mộ Đức đã hình thành được 16 cánh đồng (bình quân mỗi cánh đồng có diện tích từ 3- 15 ha tập trung liên vùng).  Trung tâm khuyến nông Mộ Đức đã phối hợp với các địa phương tổ chức họp dân để thống nhất cơ cấu cây trồng trên các cánh đồng và tổ chức tập huấn kỹ thuật cho nông dân.

Cơ cấu cây trồng các cánh đồng áp dụng nhiều nhất hiện nay là bắp đậu các lọai (vụ đông xuân) và rau xanh (vụ xuân hè), ngoài ra một số cánh đồng còn trồng đậu phụng, bí xanh... cũng cho giá trị kinh tế cao. Đặc biệt có nhiều cánh đồng cho hiệu quả kinh tế cao với doanh thu từ 100 đến 150 triệu đồng/ha/năm như: Mẫu Trại, Bốn Mẫu (xã Đức Thắng), Soi Huyện (xã Đức Nhuận), Soi Nghĩa Lập, Cừ Chú Tượng (xã Đức Hiệp) với công thức luân canh chủ yếu là rau ăn lá - ớt - đậu- khổ qua.

Với những hiệu quả đạt được bước đầu từ việc xây dựng cánh đồng 100 triệu/ha. Năm 2011 vừa qua, tổng giá trị ngành trồng trọt của huyện Mộ Đức đạt hơn 237 tỷ đồng, bình quân thu nhập của người nông dân ở những vùng trồng rau chuyên canh đạt trên 50 triệu đồng/năm. Trong năm 2012, Huyện Mộ Đức đang tập trung vào phát triển vùng sản xuất chuyên canh và nông sản hàng hóa có chất lượng cao và có thương hiệu, phấn đấu đưa giá trị trồng trọt tăng 1%, và có 13/13 xã đã xây dựng được cánh đồng có thu nhập cao.       


                Thu Sương


.