(QNĐT)- Từ chỗ chỉ một vài hộ và giới hạn ở thôn Kim Giao, xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ, thì đến nay số hộ buôn rơm ở Quảng Ngãi đã tăng lên vài chục hộ, nằm tập trung dọc theo Quốc lộ 1A, kéo dài đến xã Phổ Văn, huyện Đức Phổ và cả vùng lân cận là Đức Lân, huyện Mộ Đức.
Nghề “lạ"
Gọi là làng cho “oách’, chứ thật ra số lượng tham gia buôn rơm hiện chỉ trên dưới 30 chục hộ. Lần dò hỏi thăm, cuối cùng chúng tôi cũng đã tìm gặp và trò chuyện với người được xem là “khai sinh” ra cái nghề mới và đầy lạ lẫm này, đó là bà Võ Thị Mỹ Lệ (67 tuổi), ở thôn Kim Giao, xã Phổ Thuận.
Rơm đang được thu gom từ các cánh đồng đưa về chất tại một nhà |
Sau giây phút ngần ngừ, bà Lệ, kể: Khoảng 10 năm trước, cứ đến mùa gặt thấy có khá nhiều người từ các xã lân cận đến đây hỏi mua rơm, rồi cột từng bó và đưa lên xe chở về. Lân la hỏi chuyện, mới biết họ mua rơm về để lót dưa hấu trong quá trình vận chuyển đi cho khỏi bị dập, hư hỏng. Thế là trong đầu chợt nảy sinh ra chuyện mua rơm về bán.
Tuy nhiên thấy mình không đủ sức để “kham" công việc này, cho nên bà Lệ gọi vợ chồng người con trai đang làm công nhân ở TP. Hồ Chí Minh về. Một vài năm sau, thấy nghề mua bán rơm “ăn nên làm ra”, nhiều hộ gia đình trong thôn, rồi vùng lân cận là xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, làm theo.
Ước tính ở cả 3 xã thì số tham gia buôn bán rơm trên dưới 30 hộ. Trong đó riêng ở thôn Kim Giao khoảng 10 hộ, bà Lệ, nhẩm tính.
Lợi nhuận khá
Rất nhiều người đã nhầm khi nghĩ rằng với việc mua bán rơm, thứ lâu nay mà mỗi khi gặt xong người dân chỉ đem đốt, hoặc gánh về làm thức ăn cho trâu bò, ủ phân... thì chẳng cần bao nhiêu vốn.
Theo lời của các hộ buôn bán rơm ở Kim Giao, để kinh doanh nghề này, thì tiền vốn họ bỏ ra phải tính bằng con số hàng trăm triệu đồng. Đưa tay chỉ đống rơm đã cột sẵn từng bó ở trước sân và 2 cây rơm to, cao cả chục mét phía sau nhà, chị Bùi Thị Nguyệt (35 tuổi), cho biết: Để có được số rơm này, gia đình phải thu gom trên diện tích hơn 400 sào (500m2/sào).
Theo thời điểm hiện nay, thì giá rơm mua tại ruộng bình quân khoảng 80.000 đồng/sào (500m2); cộng các khoản chi phí tiền xe, nhân công... thì khi đưa về đến nhà đã lên 200.000 đồng/sào. Tính ra tiền vốn mua số rơm trên 100 triệu đồng.
Một điểm kinh doanh rơm tại thôn Kim Giao |
Ngoài tiền mua rơm, còn phải đầu tư từ 30-50 triệu đồng mua bạt ni lông để che cho rơm khỏi ướt, dẫn đến mục và hỏng. Với giá bán khoảng 10.000 đồng/bó (từ 7-8kg/bó), nếu thu mua từ 40-50 mẫu/vụ, trừ chi phí còn lãi ước khoảng 80 triệu đồng, bà Lệ, không giấu giếm.
Rủi ro lắm
Tuy không cho biết con số cụ thể, thế nhưng các hộ kinh doanh rơm được hỏi đều xác nhận: Lợi nhuận từ mua bán rơm mang lại khá hơn so với nhiều mặt hàng khác. Một ưu điểm nữa là nhu cầu thị trường tiêu thụ rơm rất lớn, không chỉ trong tỉnh và vùng lân cận, mà từ các vùng phía Bắc, Tây Nguyên... cũng đưa xe ôtô vào mua chở về.
Rơm được sử dụng chủ yếu để lót dưa hấu tránh hư hỏng trong quá trình vận chuyển; rồi sử dụng trồng nấm...
Tuy nhiên nghề này cũng gặp nhiều rủi ro, đặc biệt là hỏa hoạn. Theo thống kê của lực lượng PCCC Quảng Ngãi, thì trong vòng 7 năm qua, đã xảy ra hàng chục vụ cháy rơm ở khu vực này. Nguyên nhân là do bất cẩn, bị kẻ xấu đốt. Người gặp họa nhiều nhất là gia đình bà Lệ, với 3 lần bị cháy, thiệt hại trên 250 triệu đồng.
Gần đây nhất là vào sáng ngày 9/10/2011, hai cây rơm anh Nguyễn Tấn Phát (43 tuổi), ở thôn Kim Giao, bị kẻ gian châm lửa đốt. Mặc dù cảnh sát PCCC-công an Quảng Ngãi đã điều động phương tiện vào cứu chữa. Thế nhưng do ở quá xa, nên lực lượng PCCC chỉ ngăn cản không cho lửa cháy lan sang nhà cửa và các cây rơm khác ở lân cận. Vụ cháy đó đã làm anh Phát thiệt hại khoảng 60 triệu đồng.
Thiết nghĩ các cấp ngành chức năng Quảng Ngãi, cần hướng dẫn, tập huấn nâng cao ý thức PCCC cho những hộ buôn bán rơm, tránh những thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản.
Công Hoàng