(QNg)- Trong 5 năm qua (2007-2011), phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (NDSXKDG) ở huyện Sơn Tịnh đã có bước chuyển biến tích cực, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư vốn, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, tạo ra nhiều nông sản phẩm hàng hóa có chất lượng và đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo, làm thay đổi bộ mặt nông thôn mới ở địa phương.
Trong 5 năm qua trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, tiêu biểu cho ý chí vươn lên làm giàu chính đáng ở các địa phương. Đến nay, toàn huyện đã có 13.305 hộ nông dân đạt sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Với tinh thần lao động cần cù, dám nghĩ, dám làm, người nông dân có nhiều chuyển biến trong nhận thức, thay đổi tập quán canh tác cũ kỹ, mạnh dạn xây dựng mô hình mới đầu tư thâm canh phát triển sản xuất đã đạt năng suất, sản lượng ngày càng cao. Kinh tế vườn và kinh tế trang trại được huyện khuyến khích phát triển, đặc biệt là loại hình trang trại chăn nuôi.
Nông dân vùng Đông Sơn Tịnh trồng rau để nâng cao thu nhập cho gia đình. |
Đến nay toàn huyện đã có 58 trang trại cho ra sản phẩm hàng hoá, đạt giá trị khoảng 12 tỷ đồng. Tiêu biểu có mô hình kinh tế trang trại của ông Phạm Cao Chức ở xã Tịnh Phong, hàng năm thu lãi hơn 100 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động với mức thu nhập trên 1,5 triệu đồng/người/tháng. Ông Nguyễn Hoá ở xã Tịnh Ấn Tây, hàng năm thu lãi hơn 50 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên từ 2-4 lao động, với mức thu nhập trên 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài phát triển kinh tế trang trại, ngành thuỷ sản trên địa bàn huyện cũng có bước phát triển mạnh, đến nay số tàu thuyền tăng gần 2 lần và công suất tăng hơn 2,3 lần so với năm 2006. Sản lượng đánh bắt hơn 18.505 tấn/năm; sản lượng tôm nuôi đạt 167 tấn/năm. Tiêu biểu trong lĩnh vực này là hộ ông Phạm Trí Thức ở xã Tịnh Kỳ, hàng năm đánh bắt hải sản thu lãi hơn 300 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động, với mức thu nhập trên 2 triệu/người/tháng.
Ông Võ Văn Đi, xã Tịnh Kỳ đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, hàng năm trừ chi phí thu lãi 150 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động, với mức thu nhập trên 2 triệu đồng/người/ tháng. Trong lĩnh vực trồng hoa cây kiểng, dịch vụ cung ứng hoa tươi, cây kiểng cho thị trường cũng đã từng bước phát triển, tăng thu nhập cho những hộ nông dân.
Đối với kinh tế các hợp tác xã nông nghiệp, tuy hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều hạn chế nhưng vẫn có những đóng góp nhất định trong việc cung ứng các loại dịch vụ thiết yếu như giống cây trồng, thuỷ lợi, vật tư nông nghiệp... góp phần ổn định sản xuất nông nghiệp và một số lĩnh vực phát triển nông thôn. Điển hình như hợp tác xã nông nghiệp Xuân Mỹ - Tịnh Bắc, Thọ Trung - Tịnh Thọ, HTX NN Tịnh Khê,…
Trong những năm qua, nông dân huyện Sơn Tịnh không những tự làm ra giá trị vật chất cho gia đình, mà còn tích cực tham gia hưởng ứng các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, nông dân đã đóng góp trên 2 tỷ đồng để cùng vốn ngân sách nhà nước, nhựa hoá, bê tông hoá 156 km giao thông nông thôn, kiên cố hoá 55 km kênh mương cấp 3 và kênh mương nội đồng. Tham gia đắp các hồ đập, hệ thống đê, kè ở một số địa phương ven sông Trà, nạo vét 326,3 km kênh mương nội đồng, 250 ao, đập, sửa chữa và làm mới 140 phòng học, xây dựng mới và sửa chữa đường dây điện nông thôn, bảo vệ môi trường gần 1 tỷ đồng. Nhờ đó, đến nay kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn đã có bước cải thiện đáng kể, góp phần làm cho diện mạo nông thôn mới ở các địa phương trong huyện ngày càng khởi sắc.
Với những kết quả đạt được từ phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện Sơn Tịnh trong những năm qua đã tạo ra động lực mới để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, từng bước xây dựng nông thôn mới ngày thêm giàu đẹp.
Bài, ảnh: Kim Cúc