(QNg)- Mặc dù theo lịch thời vụ, việc gieo sạ vụ đông xuân năm nay đã kết thúc vào khoảng nửa đầu tháng 1/2012, nhưng tính đến ngày 7/2, toàn tỉnh vẫn còn gần 400 ha diện tích ở vùng trũng chưa thể xuống giống vì bị ngập úng, gây ảnh hưởng lớn đến kế hoạch hoàn thành gieo sạ hơn 37 nghìn ha lúa vụ đông xuân 2012 của tỉnh.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đến thời điểm này, 170 ha diện tích gieo sạ lúa ở xã Đức Phong, địa phương từ lâu đã trở thành điểm chứa nước của huyện Mộ Đức, vẫn chưa thể xuống giống được vì bị nước phong tỏa. Trong số đó có nhiều trà ruộng đã "nuốt" của nông dân vài ba lần giống nhưng lúc này vẫn mênh mông nước, mạ non chết rũ.
Nông dân Phạm Ngọc Tánh ở thôn Văn Hà, xã Đức Phong (Mộ Đức) đạp xe nước để tiêu úng, với hy vọng sớm xuống được giống. |
Nhìn đám ruộng 1 sào bị ngập sâu trong nước, ông Phạm Ngọc Tánh ở thôn Văn Hà ngậm ngùi: Thấy nước rút nên ngày mùng 2 Tết, tôi tranh thủ làm đất rồi sạ ngay. Ai ngờ 5 ngày sau thì nước lại lên cao. Cả nhà tôi hì hục bơm, tát để tiêu úng, nhưng nước nhiều quá, đành nhìn mạ thối.
Còn ông Trần Văn Sửu ở thôn Lâm Hạ thì thở dài, khi 3 sào ruộng đã được xuống giống 2 lần mà giờ vẫn bị nước ngập cao quá gối người, chẳng biết đến khi nào mới sạ lại được. "Cố chăm vài sào lúa để nuôi con, nhưng tình hình thế này chắc phải lên Tây Nguyên để làm thuê kiếm sống thôi" - ông Sửu than thở.
Cùng với Đức Phong thì nông dân ở các xã Đức Lân, Đức Chánh và HTX Vĩnh Trường (thị trấn Mộ Đức) cũng chịu chung số phận, khi các địa phương này vẫn còn gần 130 ha lúa bị dập nát hư hỏng, hoặc chưa thể gieo sạ được. "Sau khi sạ từ 4 - 10 ngày thì nước ở đâu lại chảy về "ngâm" vài ngày, cộng thêm mưa lạnh nên mạ bị thối, chết hết. Chỉ có 2 sào ruộng mà tốn hơn 30 kg giống nhưng nào có yên. Giờ thì tôi cũng hết giống ngắn ngày để sạ lại rồi" - bà Nguyễn Thị Thương ở thôn 2, xã Đức Chánh ngán ngẩm nói.
Không riêng gì huyện Mộ Đức mà gần 100 ha diện tích gieo sạ lúa của các xã Phổ An, Phổ Quang, Phổ Thuận, Phổ Cường, Phổ Văn… (Đức Phổ) cũng đang khốn đốn vì "thừa nước". Nông dân ở các địa phương này đã chuẩn bị mạ, nước rút đến đâu khẩn trương cấy đến đó, nhưng chờ đợi mỏi mòn mà ruộng vẫn đầy nước như sông. Lão nông Huỳnh Văn Thân ở xã Phổ An nói như than: Đầu vụ thì dư, cuối vụ thì thiếu nước. Đến bao giờ mới hết nghịch lý này, để nông dân chúng tôi đỡ khổ?
So với vụ đông xuân 2010 - 2011, năm nay hiện tượng ngập úng xảy ra trên diện rộng với số diện tích nhiều hơn, nước ngập sâu và lâu hơn. Theo ông Tánh, ngoài nguyên nhân do thời tiết diễn biến bất thường, hệ thống tiêu úng sông Thoa "bất lực" thì, việc một số người dân ở xã Phổ An lén lút thả lờ để đánh bắt cá trên lưu vực sông Thoa đã góp phần cản trở dòng chảy, khiến cho nước không có lối thoát nên thường dâng cao. Bởi lẽ, tuy phải "sống chung" với úng, nhưng mọi năm thì đến thời điểm này, phần lớn số diện tích ở vùng trũng của khu vực hạ lưu sông Thoa đã hoàn thành việc gieo sạ, chứ không "trắng nước" như năm nay.
Tuy nhiên, một vấn đề nan giải hiện nay đó là: Hầu hết số diện tích này được hưởng nước từ kênh mương Thạch Nham nên nếu không hoàn thành việc gieo sạ trước 15/2 thì, việc thiếu nước vào thời điểm cuối vụ là điều khó tránh khỏi. Nguyên nhân là dự kiến từ ngày 15/4, một số tuyến kênh chính Nam bị cắt nước để thi công sửa chữa. Ông Trần Đình Lê - Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Mộ Đức lo ngại: Vụ đông xuân 2010 - 2011, nhiều diện tích lúa của huyện đã bị thất thu do thiếu nước đúng vào giai đoạn lúa đang trổ. Vì vậy, để tránh tình trạng này tiếp diễn thì hiện nay, bên cạnh việc điều tiết nguồn nước hợp lý, chúng tôi vận động nhân dân tích cực bơm tát nước, chuẩn bị sẵn mạ để cấy lúa càng sớm càng tốt. Đồng thời đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh sớm hỗ trợ thêm 30 tấn giống ngắn ngày để kịp phân bổ cho nông dân gieo sạ.
Nói về giải pháp để khắc phục tình trạng trên, ông Dương Văn Tô - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết: Trước mắt, Sở đã khẩn trương hỗ trợ giống, chi phí xăng dầu giúp nông dân bơm tát nước để kịp sản xuất. Về lâu dài thì, chúng tôi sẽ xúc tiến sớm triển khai Dự án đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống tiêu úng sông Thoa. Bởi, nếu không tháo gỡ được nút thắt này thì tình trạng ngập úng, khô hạn do "thiếu, thừa" nước sẽ vẫn cứ tiếp diễn theo hướng ngày càng tiêu cực, ảnh hưởng lớn đến đời sống nông dân cũng như sản lượng lúa của toàn tỉnh.
MỸ HOA