(QNg)- Bước vào vụ sản xuất lúa đông xuân năm 2011 - 2012, nông dân Quảng Ngãi gặp nhiều bất lợi. Nhất là mùa mưa năm qua, các cánh đồng không ngập lụt là điều kiện thuận lợi để chuột, sâu bệnh sinh sôi. Hiện nay, hầu hết trên các trà lúa đông xuân, các loại sâu bệnh, chuột phá hoại hoành hành...
TIN LIÊN QUAN |
---|
*Chuột, sâu bệnh tấn công ruộng đồng
Dọc ngang trên các tuyến đường quê trong tỉnh thời điểm này, hễ nơi nào có đồng ruộng là thấy hình ảnh nông dân xua đuổi chuột, phun thuốc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa. Các cánh đồng quanh các sườn núi, hay sát nhà dân thì tình trạng này thấy càng nhiều hơn. Tại cánh đồng Mọi Lâm, xã Ba Động (Ba Tơ), bà Nguyễn Thị My bảo: "Ổng (chuột - cách gọi của người nông dân) phá dữ quá. Lúa đang thời kỳ đứng cái mà phá kiểu này chắc thất thu". Nhìn khắp các cánh đồng đâu đâu cũng thấy bà con giăng cờ nhiều kiểu để xua đuổi chuột.
Nhiều cánh đồng trong tỉnh bị chuột cắn phá gây hại cho lúa, nông dân phải "cắm cờ" trắng đồng để xua đuổi chuột. |
Xuôi về các cánh đồng thuộc các xã Hành Thịnh, Hành Thiện (Nghĩa Hành) lúa đang thời kỳ đẻ nhánh, đứng cái, làm đòng nhưng nông dân cũng "phủ cờ" đủ màu sắc trên đồng để mong đuổi được chuột. Nơi cắm cờ, nơi cột vải "rẻo" để kéo dây ngang dọc các đám ruộng. Ông Nguyễn Văn Tuấn cho hay: "Năm nay, thời tiết thất thường. Rét, lạnh, lúa đứng, ít phát triển. Thấy vậy, tôi đã bón phân nhiều lần. Khi nắng ấm lên lúa bám phân phát triển xanh tốt. Đây là cơ hội cho bệnh đạo ôn, sâu năn, rồi chuột tấn công liên tục. Mới mà lúa đã hư hại quá nhiều".
Huyện Sơn Tịnh là địa phương có diện tích bị chuột gây hại nhiều nhất tỉnh. Đến thời điểm này, toàn huyện có gần 590 ha chuột gây hại (trong đó, nhẹ là gần 390 ha, trung bình là 175 ha và nặng đến 25 ha). Bên cạnh đó, sâu năn, bọ trĩ, dòi đục nõn lúa, bệnh đám nâu nghẹt rễ cũng xuất hiện cục bộ. Ông Nguyễn Tấn Công - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Tịnh, cho biết: "Ngay từ đầu vụ, huyện đã khuyến cáo nông dân ra đồng diệt chuột, cày sâu, dầm ải đất để diệt các mầm bệnh gây hại cho lúa trước khi bước vào gieo sạ nhưng hiện nay vẫn không tránh khỏi các loại sâu bệnh tấn công đồng ruộng.
Không chỉ ở Ba Tơ, Sơn Tịnh, các cánh đồng thuộc các huyện đồng bằng: Đức Phổ, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Bình Sơn chuột, sâu bệnh các loại cũng đang tấn công đồng ruộng dữ dội.
Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật Quảng Ngãi, đến ngày 7/2 toàn tỉnh hiện có hơn 1.766 ha lúa ở các trà sớm, chính vụ và trà muộn bị các loại chuột, bọ trĩ, đạo ôn lá, sâu cuốn lá nhỏ, sâu năn gây hại (trong đó, chuột gây hại hơn 1.225 ha, thì đã có 122,5 ha bị nặng; sâu cuốn lá nhỏ hơn 268 ha, có 3,5 ha bị nặng; đạo ôn lá hơn 134 ha có 4,7 ha bị nặng; bọ trĩ có hơn 105 ha diện tích bị nhiễm; sâu năn 34 ha).
*Bảo vệ vụ mùa để đảm bảo năng suất, sản lượng
Vụ đông xuân năm nay Quảng Ngãi gieo sạ hơn 36.600 ha (trong đó, trà lúa sớm hơn 9.310 ha; trà lúa chính vụ hơn 24.330 ha; số còn lại là trà lúa muộn). Theo kế hoạch trong vụ sản xuất đông xuân này, ngành nông nghiệp phấn đấu đạt năng suất bình quân từ 55- 56 tạ/ha và sản lượng đạt hơn 200.000 tấn. Tuy nhiên, hiện nay các trà lúa đang trong thời kỳ bắt đầu đẻ nhánh, đứng cái, trổ chín, nhưng lại gặp các loại sâu bệnh, chuột phá hoại, hoành hành, gây nguy cơ ảnh hưởng đến sản lượng lương thực.
Ông Phạm Bá - Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật Quảng Ngãi, cho biết: Nguyên nhân chuột, sâu bệnh hại lúa là do năm nay các cánh đồng không ngập lụt. Chuột từ các hang, bụi rậm, mầm bệnh gây hại cho lúa được ký sinh ở các cây lúa chắc không bị nước lũ cuốn trôi, tiêu diệt. Thời tiết sương lạnh, rét, nắng thất thường vừa qua là điều kiện cho các loại sâu bệnh phát triển mạnh.
Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh khuyến cáo các địa phương phát động phong trào toàn dân diệt chuột bằng nhiều biện pháp, đặt bẫy miệng hang, xông khói, đánh bả, theo hướng thủ công, tránh gài điện gây nguy hiểm cho người. Đối với các loại bệnh đạo ôn, bọ trĩ, sâu năn..., các địa phương hướng dẫn cho nông dân thường xuyên thăm đồng, sớm phát hiện sâu bệnh hại lúa để phun thuốc đặc trị đúng quy cách theo hướng dẫn của ngành chuyên môn khuyến cáo, phòng trừ.
Ông Nguyễn Tấn Công - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Tịnh khẳng định: Huyện xác định, trong các loại gây hại cho lúa thì chuột là loại đáng sợ nhất. Từ ngày 3/2, huyện đã tập trung chỉ đạo cho 20 xã, thị trấn có biện pháp ra đồng diệt chuột bảo vệ mùa màng. Từ ngày 7/2 -17/2, các địa phương có kế hoạch ra quân. Cùng thời gian này, huyện cũng chỉ đạo các trường cấp 2, 3 trong huyện huy động lực lượng học sinh cùng tham gia diệt chuột.
Theo ngành nông nghiệp, vụ đông xuân là vụ sản xuất chính chiếm khoảng trên 55% sản lượng lương thực cả năm. Vì vậy, ngay từ thời điểm này, ngành nông nghiệp chỉ đạo quyết liệt các địa phương trong tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung các biện pháp hướng dẫn nông dân ra đồng bảo vệ mùa màng, để lúa đạt năng suất, sản lượng như kế hoạch đề ra.
Bài, ảnh: PV