Cây thoát nghèo của người dân thôn 6, xã Nghĩa Dũng

01:02, 20/02/2012
.

(QNg)- Trồng rau được xem là nghề "truyền thống" của người dân thôn 6, xã Nghĩa Dũng (TP Quảng Ngãi). Những năm gần đây, khi mô hình trồng rau theo hướng an toàn được triển khai trên địa bàn xã, trong đó thôn 6 là "trọng tâm" thì cây rau đã được xem là cây "thoát nghèo" hiệu quả. Nhờ trồng rau, 236 hộ dân  ở khu vực này đã dần cải thiện được cuộc sống, trong đó có nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, bộ mặt nông thôn ở đây có nhiều khởi sắc.  

TIN LIÊN QUAN

Về thôn 6, xã Nghĩa Dũng hôm nay, chúng tôi chứng kiến con đường được bê tông xi măng sạch sẽ, điện công cộng được lắp đặt ở các trục đường chính; nhà dân mái ngói đỏ san sát bên nhau, thấp thoáng có những ngôi nhà khang trang, vững chãi. Điều đó cho thấy sự đổi thay trong cuộc sống của người dân nơi đây.

Với đặc điểm là vùng đất thổ, nằm dọc sông Trà Khúc được bồi đắp phù sa màu mỡ hàng năm, rất thuận lợi cho việc trồng, canh tác các loại rau màu, nên hơn chục năm về trước người dân thôn 6 đã hình thành và duy trì nghề trồng rau. Mỗi năm, vùng chuyên canh rau ở Nghĩa Dũng cung cấp cho thị trường trong tỉnh hàng ngàn tấn rau xanh các loại như cải, xà lách, cà, mướp, bí, ớt, khổ qua, đậu…

 

Cây rau được xem là cây thoát nghèo của người dân thôn 6, xã Nghĩa Dũng.
Cây rau được xem là cây thoát nghèo của người dân thôn 6, xã Nghĩa Dũng.



Trước nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao về số lượng và chất lượng; bên cạnh đó là định hướng phát triển nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế chung của thành phố  Quảng Ngãi nên qua 2 kỳ Đại hội Đảng bộ TP Quảng Ngãi lần thứ XIII, rồi đến Đại hội XIV đã liên tiếp chỉ đạo thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tiến hành quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất rau, mở rộng diện tích vùng chuyên canh rau an toàn, trồng các loại rau với quy mô từ 60-100ha với mục tiêu: Để có nguồn rau an toàn cung cấp không chỉ trên địa bàn thành phố mà còn tiến đến tiêu thụ rộng rãi ở các khu công nghiệp và KKT Dung Quất.

Được sự hỗ trợ của Trung tâm khuyến nông tỉnh, từ  năm 2003 thị xã Quảng Ngãi (nay là thành phố) đã chỉ đạo triển khai thí điểm mô hình  sản xuất và tiêu thụ rau an toàn trên diện tích 6,7 ha tại thôn 4 và thôn 6, xã Nghĩa Dũng, với 72 hộ tham gia. Bà con đã sản xuất hơn 139 tấn rau ăn lá và ăn quả các loại đạt tiêu chuẩn an toàn, đem lại hiệu quả về mọi mặt kinh tế, xã hội, sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái. Từ kết quả mô hình sản xuất và tiêu thụ rau an toàn ở xã Nghĩa Dũng, năm 2006 HTX chuyên canh rau an toàn được hình thành thu hút 222 xã viên. Phong trào trồng rau theo mô hình an toàn dần lan tỏa và phát triển mạnh mẽ.

Năm 2009, Phòng Kinh tế thành phố đã chọn cánh đồng Bồn Bồn và cánh đồng Gò Một, diện tích hơn 7,4 ha ở xã Nghĩa Dũng để tiếp tục đầu tư  nhân rộng mô hình các cánh đồng có thu nhập cao từ việc trồng các loại rau, có 83 hộ tham gia. Kết quả năng suất bình quân rau cải ngọt trên mỗi cánh đồng đạt 180 tạ/ha, xà lách 200 tạ/ha, bắp cải 350 tạ/ha, đu đủ 700 tạ/ha, ớt 280 tạ/ha… với doanh thu bình quân 1 ha trồng rau trên cánh đồng Gò Một là 218,5 triệu đồng/năm và cánh đồng Bồn Bồn gần 254,5 triệu đồng.

Với kết quả đạt được, mô hình đã góp phần khuyến khích người nông dân địa phương mạnh dạn trồng giống mới, áp dụng kỹ thuật trồng luân canh, thâm canh và thực hiện sản xuất rau theo quy trình sản xuất rau an toàn để nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích trồng trọt. Nhờ đó, đời sống của người dân được nâng cao dần, không còn hộ đói, hộ nghèo giảm mạnh.

 Tuy nhiên, mặc dù thương hiệu "Rau an toàn" ở Nghĩa Dũng đã được nhiều người biết đến nhưng đây cũng chỉ là "thương hiệu" của người trồng rau tự nhận, chứ chưa được cấp thẩm quyền công nhận. Do đó việc đầu tư trồng rau an toàn tốn kém hơn quy trình sản xuất bình thường, nhưng  những năm qua, người trồng rau an toàn Nghĩa Dũng vẫn phải bán theo kiểu rau đại trà, giá cả không ổn định, được mùa thì giá thấp, mất mùa giá lại cao.  Chính vì vậy mong muốn lớn nhất của người dân là sớm công nhận thương hiệu vùng rau an toàn và tìm nguồn tiêu thụ ổn định.

 Được biết, thành phố Quảng Ngãi đã  phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 vùng sản xuất rau an toàn xã Nghĩa Dũng, với tổng diện tích gần 140.000m2. Đây là vùng sản xuất rau an toàn tập trung, thực hiện và quản lý theo tiêu chuẩn VietGap và công nghệ truy nguyên nguồn gốc xuất xứ bằng mã vạch. UBND xã Nghĩa Dũng cũng đang nhanh chóng hoàn thành hồ sơ thủ tục để trình UBND thành phố phê duyệt.  


Có thể nói, cây rau đã trở thành cây thoát nghèo cho nhiều hộ dân ở thôn 6 xã Nghĩa Dũng. Hy vọng rằng, với hướng đi đúng trong việc đầu tư phát triển vùng chuyên canh rau an toàn ở thôn 6 sẽ góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho nông dân  và dần đưa xã Nghĩa Dũng đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại V và trở thành phường vào năm 2015.


Ngọc Hà
 


.