(QNg)- Vụ mía năm 2011-2012, lần đầu tiên nông dân xã Bình Khương (Bình Sơn) mạnh dạn chuyển đổi 24 ha đất gò đồi, đất trồng lúa một vụ kém hiệu quả sang trồng mía; nâng tổng diện tích loại cây trồng này lên 125 ha. Hiện nay cây mía đang bắt đầu thu hoạch, cho năng suất bình quân gần 65 tấn/ha, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân và mở ra triển vọng mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương. Đến cánh đồng thôn Trà Lăm, gặp nông dân thu hoạch mía, ai nấy cũng tươi cười phấn khởi.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Anh Nguyễn Đức (45 tuổi) ở Trà Lăm, một trong những nông dân có nhiều diện tích đất gò đồi chuyển sang trồng mía trong niên vụ này vui vẻ cho biết: "Vùng đất này trước đây tôi canh tác hoa màu như đậu phụng, mì, bắp... năng suất rất bấp bênh, một phần do đất đai khô cằn, phần khác không đảm bảo nguồn nước tưới. Năm 2010, gia đình tự đầu tư vốn chuyển đổi 0,5 ha sang trồng mía, đến vụ thu hoạch đã bán cho Nhà máy gần 30 tấn, thu trên 28 triệu đồng. Tôi mừng hết biết, vì gấp mấy lần làm hoa màu.
Nông dân Bình Khương thu hoạch mía bán cho nhà máy |
Niên vụ 2011-2012, được Nhà máy Đường hỗ trợ kinh phí 2 triệu đồng/ha, tôi mạnh dạn chuyển đổi thêm 0,5 ha còn lại ở xứ đồng Trung Cát sang trồng mía. Ngoài hỗ trợ kinh phí, Nhà máy Đường còn cam kết thực hiện bằng cơ giới hoá và thu mua tại ruộng; đồng thời cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân chăm sóc theo đúng quy trình. Vì vậy cây mía phát triển tốt, cho năng suất cao.
Hiện tại 1 ha mía trồng trên đất gò đồi đang tiến hành thu hoạch, dự kiến đạt năng suất trên 70 tấn; sau khi trừ chi phí đầu tư còn thu lãi khoảng 45 - 50 triệu đồng". Ông Lê Hồng Sơn - Chủ nhiệm HTX chuyên canh mía Bình Khương cho biết: Đặc thù của Bình Khương là không hưởng lợi nguồn nước Thạch Nham, hầu hết cây trồng đều dựa vào nguồn nước hồ đập. Thêm vào đó đất đai ở đây phần lớn là gò đồi, khô cằn, nhiều diện tích chỉ canh tác 1 vụ. Bao nhiêu năm nay, ở những vùng đất không đảm bảo nguồn nước tưới, người dân lựa chọn chuyển đổi từ cây trồng này sang cây trồng khác, nhưng chưa bao giờ cho thu nhập trên 20 triệu đồng/ha. Chính vì vậy 3 năm gần đây được sự khuyến khích của chính quyền địa phương và sự hỗ trợ nguồn giống, phân bón của Nhà máy Đường để thực hiện chuyển đổi đất gò đồi sang trồng mía hoặc trồng mía theo mô hình dồn điền đổi thửa nên nông dân đồng tình hưởng ứng.
Trong niên vụ 2011-2012, diện tích mía ở xã tăng lên 126ha, gần gấp đôi so với niên vụ 2008-2009. Bên cạnh đó tất cả 18 xứ đồng trên địa bàn đều trồng mía bằng cơ giới hoá và có 12 xứ đồng đưa các giống mía mới, chất lượng vào sản xuất. Hiện nay diện tích mía đang bắt đầu thu hoạch, năng suất bình quân gần 65 tấn/ha và chữ đường 10 CCS. Theo tính toán của các hộ nông dân thì 1 ha mía sau khi trừ chi phí đầu tư còn thu lãi khoảng 45 đến 50 triệu đồng, tăng gấp đôi so với trồng hoa màu trước đây.
Mặc dù giá thu mua hiện tại chỉ còn 950.000 đồng/tấn, giảm 50.000 đồng/tấn so với đầu vụ nhưng nông dân vẫn phấn khởi. Cũng theo ông Sơn, nhằm phát triển ổn định vùng nguyên liệu mía, Nhà máy Đường Phổ Phong đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân trồng mía như chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, cho mượn vốn, hỗ trợ giống, đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông vào vùng nguyên liệu, xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng, thực hiện việc thu mua mía tại ruộng cho nông dân.
Trong niên vụ 2012-2013, xã Bình Khương tiếp tục chuyển đổi 26 ha đất lúa 1 vụ ở các xứ đồng Gò Than, Hóc Loan, xóm Lò, Đồng Dũ, Gò Mạ sang trồng mía, nâng tổng diện tích toàn xã lên hơn 150 ha. Năm nay ngoài số tiền 2 triệu đồng do Nhà máy Đường hỗ trợ, huyện Bình Sơn còn hỗ trợ thêm 1,5 triệu đồng/ha cho những diện tích chuyển đổi.
Có thể nói, việc chuyển đổi những vùng đất gò đồi sang trồng mía đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp cây mía từng bước khẳng định vị trí của mình nhằm mở ra một hướng đi mới cho nông dân địa phương. Với cách làm này không những thay đổi phương thức canh tác cũ sang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế; mà còn là định hướng đúng đắn của cấp ủy đảng, chính quyền xã Bình Khương nói riêng, huyện Bình Sơn nói chung trong thực hiện giải pháp phát triển kinh tế-xã hội theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.
Bài, ảnh: Nguyên Hương