Bình Dương: Triển vọng trong xây dựng nông thôn mới

01:02, 06/02/2012
.

(QNg)- Cách huyện lỵ Bình Sơn về phía Đông - Bắc chừng non 3 cây số, xã Bình Dương tựa như một đảo nhỏ, bởi bốn bề nước sông Trà Bồng bao bọc, đã từng lắng đọng trong tình cảm của bao thế hệ qua bài thơ: "Nhớ con sông quê hương" của Nhà thơ Tế Hanh. Giờ đây vùng quê này đang chuyển mình thay da đổi thịt, được huyện chọn làm điểm thực hiện Chương trình xây dựng NTM.

TIN LIÊN QUAN


Khởi sắc nhiều mặt

Đã nhiều lần đến Bình Dương, thế nhưng những ngày đầu Xuân Nhâm Thìn 2012, trở lại nơi này trong tôi vẫn cứ ngỡ ngàng trước sự khởi sắc nhiều mặt ở từng xóm, thôn. Trước kia là một xã nghèo, đời sống văn hóa còn nhiều thiếu thốn, muốn đến Bình Dương phải qua đò ngang hoặc đi trên chiếc cầu phên tre. Ngày nay, mọi sự đã khác. Điện - đường - trường - trạm được đầu tư xây dựng khang trang. Xe ô tô, xe tải có thể đến đầu làng cuối xã.

Áp dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp đem lại thu nhập cao cho người dân Bình Dương.
Áp dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp đem lại thu nhập cao cho người dân Bình Dương.


Cách đây hơn 2 tháng, trên con đường huyết mạch tiếp nối 2 xã Bình Dương và Bình Trung có một chiếc cầu mới xây dựng trị giá 22 tỷ đồng từ nguồn ngân sách khắc phục hậu quả lũ lụt của tỉnh đầu tư, đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng (thay thế cho cầu cũ, xây dựng từ những năm thập kỷ tám mươi ở thế kỷ trước đã bị xuống cấp). Cầu dài trên 200 mét, bề rộng nền đường 7,5 mét, trong đó bề rộng mặt đường 5,5 mét được láng nhựa, do vậy khá thuận lợi cho người dân trong vùng đi lại sinh hoạt và sản xuất; không còn lo sợ trong mùa mưa bão, lũ lụt.

Được biết, xã Bình Dương có diện tích tự nhiên hơn 884 ha, với 6 thôn và 11 khu dân cư. Trong tổng số 2.189 gia đình và trên 8.550 nhân khẩu có khoảng 60% hộ sinh sống bằng nông nghiệp; 40% còn lại làm nghề biển và kinh doanh thương mại-dịch vụ. Năm 2011 tổng thu nhập kinh tế của địa phương gần 93,7 tỷ đồng đạt hơn 101% kế  hoạch và tăng gần 14,4 tỷ đồng so với năm 2010. Phong trào: "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" cũng từng bước đi vào chiều sâu. Xã có đài truyền thanh, bưu điện văn hoá, điểm truy cập internet, sân vận động, 2 công viên mi ni và 1 khu chợ Hôm cao rộng, khang trang... đã đưa vào hoạt động nền nếp.

Tuy ở vùng quê, song nhà dân mọc lên san sát theo hai bên đường liên thôn, xóm trông như phố thị. Đặc biệt năm 2011, gia đình ông Cao Ngọc Liên-là người con quê hương sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh đã tự nguyện bỏ vốn đầu tư xây dựng cầu Bà Dầu bắt qua sông Trà Bồng, nối liền 2 xã Bình Dương và Bình Thới. Cuối tháng 12/2011 nếu như không có "sự cố" sụp đổ trong lúc đổ bê tông nhịp giữa, thì cầu sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng trong những ngày đầu năm mới Nhâm Thìn 2012. Việc xây cầu tuy không đạt như kế hoạch, song mai này rồi cũng được khắc phục như kỳ vọng, để tạo thuận lợi trong việc đi lại và góp thêm vẻ đẹp cho quê hương.

Chủ tịch UBND xã Lê Minh Chính, cho biết: Tháng 7/2011 địa phương vinh dự được công nhận xã văn hóa với tất cả 6 thôn, 11 khu dân cư và 1.981 hộ gia đình (gần 91% so với tổng hộ) đều đạt danh hiệu này. Bên cạnh đó, HTX NN cũng chú trọng thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp, giúp cho nông dân có điều kiện học hỏi, áp dụng các tiến bộ KHKT vào trồng trọt, chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao; trở thành điển hình của tỉnh Quảng Ngãi về việc chuyển đổi hoạt động sản xuất-kinh doanh theo Luật HTX và đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vào đầu quý 2/2011.

Năm mới-niềm tin mới

Cũng theo ông Lê Minh Chính, qua một năm triển khai Chương trình xây dựng NTM, việc rà soát thực trạng nông thôn so với Bộ tiêu chí Quốc gia, cũng như công tác tuyên truyền đã được thực hiện chu đáo. Đây là 1 trong 2 xã đầu tiên trong tỉnh được phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015. Từ đó xã tập trung cho việc dồn điền đổi thửa, chỉnh trang giao thông, thủy lợi với kinh phí gần 2,5 tỷ đồng; đồng thời tiếp tục đầu tư nâng cấp sân vận động xã, cải tạo mặt bằng trường mẫu giáo, bê tông hóa sân cơ quan thôn Mỹ Huệ 1, thi công Đài nước sinh hoạt tại xóm 3 và xóm Đông Thạnh với tổng dự toán khoảng 4,3 tỷ đồng.  

HTX NN đã phát huy vai trò chủ đạo, kịp thời cung ứng cho nông dân gần 175 tấn phân, giống theo yêu cầu trong vụ sản xuất lúa đông xuân và hè thu; giải ngân 872 triệu đồng vốn vay hoạt động dịch vụ để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi. Bên cạnh đó còn phối hợp tổ chức 9 lần hội nghị đầu bờ chuyển giao các tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp với 550 lượt hộ tham gia; thực hiện 10 ha chương trình 3 giảm, 3 tăng và các mô hình trồng nấm rơm, trên cơ sở đó giúp cho nông dân học hỏi kinh nghiệm, ứng dụng làm theo.

Trong tiến trình xây dựng NTM xã Bình Dương đang có thuận lợi cơ bản. Đó là 7/19 tiêu chí gồm: Chợ nông thôn, bưu điện, các hình thức tổ chức sản xuất, y tế, văn hóa, hệ thống chính trị và an ninh-trật tự xã hội đạt 100% theo chuẩn của Bộ Xây dựng.  Bên cạnh đó 3/19 tiêu chí về giao thông, nhà ở và giáo dục đạt được một số nội dung; 9/19 về quy hoạch, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập, hộ nghèo, cơ cấu lao động và môi trường chưa đạt yêu cầu, còn nhiều việc phải làm trong những năm đến.

Trong đó, tồn tại nổi cộm ở đây là hệ thống hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng với nhu cầu dân sinh; sản xuất nông lâm-ngư-nghiệp cũng còn thấp so với tiềm năng… Thế nhưng tiến trình xây dựng NTM của xã Bình Dương hôm nay vẫn có những gam màu tươi sáng trong mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2015 hay đầu năm 2016 sẽ lập hồ sơ đề nghị cấp trên xét công nhận xã đạt chuẩn Quốc gia về NTM như đề án đề ra.       


  Lê Ngọc Tuân

 


.