Hương đất quế

02:01, 04/01/2012
.

(QNg)- Từ bao đời nay, cây quế luôn gắn liền với đời sống của người dân huyện Trà Bồng. Nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh từ các sản phẩm của cây quế cũng ngày một phát triển. Nếu hỏi nghề làm nhang quế ở đây ra đời từ khi nào, cũng chẳng ai còn nhớ. Chỉ biết là, những năm qua nhang quế Trà Bồng đã trở thành "thương hiệu" nổi tiếng không chỉ trong tỉnh mà còn vươn ra khắp các tỉnh miền Trung.

TIN LIÊN QUAN


TỔ SẢN XUẤT NHỎ, HIỆU QUẢ LỚN

Tổ sản xuất nhang quế Trà Xuân được thành lập từ năm 2008, nhằm kết hợp sản xuất nhang quế và dạy nghề truyền thống gắn với phát triển tiềm năng, lợi thế tại địa phương, thu hút gần 20 chị em. Chị Võ Thị Bình- Chủ nhiệm tổ sản xuất nhang quế Trà Xuân, cho biết: Năm 2010, cây quế Trà Bồng- Tây Trà có thương hiệu nên sản phẩm của cơ sở sản xuất khi đưa ra thị trường tiêu thụ cũng được thuận lợi hơn. Mỗi ngày cơ sở sản xuất gần 150 kg nhang quế, giá bán 40.000 đồng/kg (loại đặc biệt) và 30.000 đồng/kg nhang quế (loại bình thường), cho doanh thu gần 20 triệu đồng mỗi tháng. Thị trường tiêu thụ của nhang quế Trà Bồng không chỉ gói gọn tại các địa phương trong tỉnh mà đã vươn được đến địa bàn các tỉnh Kon Tum, Bình Định, Quảng Nam... Lợi thế của nhang quế Trà Bồng là mùi thơm đậm,  đặc trưng giá thành lại rẻ.

Nhang quế Trà Bồng ngày càng được ưa chuộng trong và ngoài tỉnh.
Nhang quế Trà Bồng ngày càng được ưa chuộng trong và ngoài tỉnh.


Chị Phan Thị Mỹ, người gắn bó với tổ sản xuất nhang quế từ những ngày đầu thành lập, phấn khởi khoe: "Làm nhang ở tổ sản xuất giúp mình vừa có thêm thu nhập, vừa quán xuyến được công việc gia đình. Từ khi vào đây làm mình đã có tiền cho con đi học và mình cũng có được một cái nghề, nên gia đình ai cũng phấn khởi". Không chỉ riêng chị Mỹ, tổ sản xuất còn giúp hàng chục chị em có thu nhập ổn định. Trung bình mỗi ngày một người làm khoảng 10kg nhang, bán được cũng thu về xấp xỉ 60.000 đồng. Cơ sở trang bị 5 máy làm nhang, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 15 phụ nữ.

Không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho chị em, hằng năm tổ sản xuất còn góp phần đào tạo nghề làm nhang cho khoảng 15- 20 chị em hội viên phụ nữ. Một số chị em sau khi được đào tạo nghề tự mua sắm máy móc làm tại nhà, tổ sản xuất sẽ trực tiếp thu mua những sản phẩm đạt chất lượng và phân phối ra ngoài thị trường. Chị Lê Thị Lệ Thu- Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Trà Xuân, cho rằng: Mô hình tổ sản xuất nhang quế ra đời thực sự là điểm tựa đối với chị em vùng cao. Nó không chỉ giúp hội viên phụ nữ có nghề trong tay để phát triển kinh tế gia đình, mà còn góp phần xoá đói giảm nghèo cho hội viên phụ nữ. Hội cũng tạo điều kiện cho chị em hội viên vay vốn để mua sắm máy móc và phát triển sản xuất, để tiếp tục nhân rộng mô hình này.

PHÁT TRIỂN NGHỀ BỀN VỮNG

Hiện nay, ở Trà Bồng ngoài tổ sản xuất nhang quế thị trấn Trà Xuân còn có khoảng 50 lao động làm nghề nhang quế. Đối với những hộ làm nghề riêng lẻ thì thu nhập bình quân cũng từ 2- 3 triệu đồng/tháng. So với các nghề khác thì đây là nghề cho thu nhập khá, giúp nhiều chị em cải thiện kinh tế gia đình. Nhận thấy nghề làm nhang quế mang lại hiệu quả kinh tế cao nên chị Trần Thị Diễm Nhi, ở thị trấn Trà Xuân cũng vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội mua máy làm nhang về sản xuất. Nhiều tháng, chị Nhi có thu nhập từ nghề làm nhang đạt gần 3 triệu đồng. Chị Nhi chia sẻ: "Nghề làm nhang rất dễ học, vốn đầu tư không nhiều mà hiệu quả kinh tế cao. Nhưng với những người như mình, kiếm vài triệu đồng để mua máy móc, nguyên liệu là việc không dễ dàng chút nào. Do đó, nếu tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi mình sẽ mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, hướng đến việc phát triển nghề bền vững".

Theo chị Lê Thị Lệ Thu, sản phẩm nhang quế Trà Bồng muốn được người tiêu dùng ngày càng đón nhận thì yếu tố quan trọng là phải nâng cao chất lượng cũng như mẫu mã của sản phẩm. Do đó, người sản xuất nhang quế ở Trà Bồng rất cần sự hỗ trợ vốn và kỹ thuật từ các tổ chức, đơn vị.

Để phát triển nghề làm nhang quế Trà Bồng, một yếu tố không kém phần quan trọng là phải có chiến lược quảng bá thương hiệu sao cho hiệu quả. Từ đó, tìm hướng đi đúng để đưa sản phẩm này đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Có như vậy, nghề làm nhang quế ở Trà Bồng mới phát triển ổn định, giải quyết việc làm nhiều hơn nữa cho lao động địa phương, góp phần cải thiện kinh tế gia đình cho người dân, đặc biệt là phụ nữ nghèo.


Nguyễn Triều
 


.