Hoa Tết: Kẻ mừng, người lo

07:01, 05/01/2012
.

(QNĐT)- Nếu như tại các vùng trồng hoa cúc, mai người trồng đang khấp khởi mừng vì đã chắc chắn một vụ cúc bội thu thì các chủ vườn lay ơn đang phấp phỏng ngóng thời tiết.

*Cúc, mai hớn hở

Những ngày này, tại làng hoa Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), không khí Tết đã rộn ràng. Từ sáng sớm, người trồng hoa nơi đây đã tất bật với công việc tỉa cắt tỉa, trang điểm để hoa kịp khoe sắc vào đúng dịp Tết, làm sôi động cả một vùng quê. Niềm vui được mùa hiện rõ trên khuôn mặt rạng ngời của những người chủ vườn cúc.

Chị Hồ Thị Kim Hạnh, ở thôn Đồng Viên cho biết, hàng năm, cứ vào tháng 8 âm lịch, gia đình chị cũng như nhiều gia đình khác trong xã lại bắt tay vào việc trồng hoa Tết. Nhờ nghề trồng hoa mà cuộc sống gia đình chị Hạnh khá ổn định.

“Năm ngoái được mùa lại trúng giá nên năm nay tôi mạnh dạn trồng 700 chậu cúc các loại, đường kính 50 cm, hơn năm ngoái 300 chậu. Mặc dù mưa lạnh kéo dài hơn cả tháng nhưng cúc là loài hoa ít phụ thuộc vào thời tiết. Nếu giá rét kéo dài thì mình dùng bóng đèn sưởi ấm cho hoa nên người trồng cũng chẳng vất vả gì mấy. Hoa rất đẹp, nếu đưa phép tính như năm ngoái thì năm nay sẽ kiếm được vài chục triệu”- chị Hạnh nói.
 
 
 
B
Người trồng cúc ở Nghĩa Hiệp đáng khấp khởi mừng vì đã chắc chắn có một vụ cúc bội thu.


Chúng tôi tìm đến vườn cúc của anh Mai Ngọc Trương Vinh, ở thôn Hải Môn, một trong những hộ đầu tư số lượng hoa lớn. Anh Vinh cho hay, năm nay, gia đình anh trồng 1.200 chậu cúc pha lê, trong đó có 200 chậu loại đường kính 1m. Năm ngoái anh kiếm được khá tiền nhờ loại chậu lớn. Anh đánh liều thay đổi hình dạng của chậu tròn sang tam giác để thu hút khách hàng. Tuy chi phí đầu tư cao, nhưng loại hoa này nở nhiều, đẹp, ít sâu bệnh, giá trị kinh tế cao và rất hút hàng.

Về chất lượng thì khỏi phải nói nhưng giá cả thì phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, phải đến rằm tháng Chạp mới có thể khẳng định chắc chắn. Thời tiết mỗi ngày khắc nghiệt hơn, nhưng với kinh nghiệm trồng hoa lâu năm, bà con nơi đây hy vọng thu lợi nhuận cao.

Nghĩa Hiệp không chỉ nổi tiếng bởi nghề trồng cúc, mà hoa mai nơi đây cũng góp phần đáng kể thêm sắc màu cho mùa xuân. Sau hai năm lỡ hẹn với nàng xuân bởi thời tiết thất thường, bão lũ thường hay xảy ra, năm nay người trồng mai cũng hòa cùng niềm hy vọng với người trồng cúc.

Chúng tôi tìm về vườn mai của ông Mai Văn Từ (62 tuổi), người có kinh nghiệm hơn 30 năm trồng mai. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn mai hơn 2.000 chậu đã làm nụ, ông Từ hớn hở, năm nay tôi quyết định chọn ngày trảy lá mai sớm nên đến thời điểm này có thể thở phào nhẹ nhõm. Hai năm liên tiếp, một năm thì trổ sớm, năm thì ra giêng mới trổ khiến mình dở khóc dở mếu. Vì ôm hàng mà vườn mai của ông hiện đang có số lượng “khủng”. Thật ra, trồng mai sợ nhất là thời tiết thất thường, nắng mưa đan xen sẽ khiến mai nở sớm hoặc lạnh kéo dài thì mai ngậm nụ luôn. Năm ngoái, người trồng dùng đến phương pháp lấy bao ni ông trùm kín chậu nhưng nụ vẫn bị điếc.
 

 

mai
Sau hai năm liền lỡ hẹn với nàng xuân, đến thời điểm này người trồng mai có thể thở phào nhẹ nhõm.


“Với dân trồng mai, thành bại một vụ mai đồng nghĩa với một mất một còn, có thể được hay mất tiền trăm, thậm chí là tiền tỷ quyết định bởi ngày lặt lá. Thời tiết thất thường thế này, mình chỉ cần sơ sẩy một chút thì phải trả giá bằng sự trông chờ cho cả năm”- ông Từ tâm sự.

Theo ông Từ, mai là loại hoa khó “chiều” nhất, phải chăm sóc từng ly, từng tí, nhưng giỏi đến mấy nếu thời tiết không ủng hộ thì cũng đành chịu. Thị trường Quảng Ngãi chuộng ba loại mai, đó là “mai giảo”, “mai thịnh” và “mai tình”.

Những cái tên này gắn liền với những người đã ghép thành công chúng.  Mai thịnh là loài mai thông dụng nhất, còn mai tình được ưa chuộng hơn cả, giá gấp đôi “mai thịnh” và “mai giảo”, bởi lẽ đóa hoa nở to, có từ 7-8 cánh. Đặc biệt, hoa này gieo hạt không bao giờ mọc, nên chỉ dùng phương pháp ghép, nhưng tỷ lệ thành công không nhiều.

Trong số hơn 2.000 chậu mai mà ông Từ sở hữu có 300 chậu mai tình. Ông Từ chia sẻ “Nếu thời tiết duy trì như hiện nay thì vườn mai của tôi trúng lớn. Dự kiến giá bán sẽ dao động từ 300 nghìn đồng đến 2,5 triệu đồng, tùy loại. Cây đặc biệt sẽ có giá tiền đặc biệt. Năm nay, các loại cây kiểng như sanh, si bị đóng băng thì chắc chắn mai, cúc sẽ hút hàng”.

*Lay ơn mong ngóng thời tiết

Trong khi người trồng cúc, mai đang khấp khởi mừng thì cơn lũ liên tiếp và trời mưa dầm lê thê vừa qua đã khiến cho người trồng lay ơn ngậm ngùi trước mùa hoa thất bại.

Trở lại làng hoa Nghĩa Hà sau hơn 1 tháng cơn lũ đi qua, ai ai cũng thở ngắn than dài. Đây là nơi nổi tiếng với nghề trồng hoa lay ơn. Hàng chục luống hoa lay ơn của gia đình bà Lê Thị Búp ở thôn Bình Đông chỉ còn lưa thưa.

 

thì cơn lũ liên tiếp và trời mưa dầm lê thê vừa qua đã khiến cho người trồng lay ơn ngậm ngùi trước mùa hoa thất bại.
Những cơn lũ liên tiếp và trời mưa dầm lê thê vừa qua khiến nhiều diện tích lay ơn bị hư, giờ chỉ con loe ngoe.

Vẻ mặt buồn hiu, bà Búp than thở: “Năm nào cũng vậy, gia đình tôi dành 3 sào đất bãi để xuống giống lay ơn bán Tết. Năm nay, hơn 1/3 diện tích đã thối củ, héo lá, nhổ vứt đầy bờ. Năm ngoái cũng trễ nhưng hoa không hư nên qua tết vẫn bán rất chạy, còn năm nay vừa trễ lại vừa hư. Nước ngập trắng đồng bảo hoa không hư mới là chuyện lạ. Đến giờ mà chỉ có 4-5 lá thì trễ là cái chắc rồi”.

Men theo con đường đất nhầy nhụa, tìm về bãi trồng hoa tập trung của thôn Bình Đông, chúng tôi chứng kiến cảnh nhiều người trồng hoa ở đây nhổ bỏ hàng loạt.  Layơn được ưa chuộng vì hoa có dáng đẹp, cành dài, cánh mỏng. Ngày nay, lay ơn đa sắc màu như: phát mập (đỏ), vàng, trắng, cần đen, xanh và tạp sắc. Loại hoa này chịu ảnh hưởng trực tiếp của thời tiết. Với đặc tính sinh học của mình, lay ơn không chịu được mưa dầm cũng như nắng gắt.
 
 
 
bbb
Người trồng hoa phải  nhổ bỏ hàng loạt.



Ông Phan Thành Nở, hàng xóm của bà Búp giãi bày, năm nay trong cho 30% số lượng hoa kịp tết là mừng lắm rồi. Giống lay ơn phát mập có 9 lá, đến thời điểm này có 7 lá vừa nhưng giờ mới có 4-5 lá. Cây chậm phát triển là do đất ướt khiến bà con chúng tôi không vô phân được. Nếu từ nay đến Tết nắng ấm thì may đâu gỡ gạt được chút ít.

Vụ hoa tết năm nay, xã Nghĩa Hà có gần 150 hộ trồng hoa trên diện tích 60 ha. Theo ước tính có khoảng 10ha hoa bị hư do thời tiết bất lợi, số còn lại rất nhiều diện tích người dân dự đoán là sẽ bị trễ. Bà con đang cầu trời cho thời tiết nắng ấm.
 
 

Ái Kiều
 

.