(QNg)- Năm thứ hai liên tiếp UBND tỉnh dùng ngân sách để cho doanh nghiệp mượn trữ hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ bình ổn giá. Với số tiền 28 tỷ đồng, tỉnh cho 5 doanh nghiệp mượn để trữ hàng hoá, tham gia bình ổn giá cả trong Tết Nguyên đán Nhâm Thìn - 2012. Để không "vấp" phải những hạn chế của năm trước, tỉnh đã đề ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của những đồng tiền ngân sách đã "rót" vào bình ổn giá tết.
TIN LIÊN QUAN |
---|
*Phân định rõ trách nhiệm
Sở Công Thương - đơn vị được tỉnh giao thực hiện chức năng quản lý giá cả thị trường Tết Nguyên đán đề ra hàng loạt giải pháp nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc bình ổn giá. Theo đó, mỗi cơ quan chức năng, doanh nghiệp được phân định nhiệm vụ cụ thể, nhằm nâng cao trách nhiệm, góp phần vào việc sử dụng 28 tỷ đồng cho việc bình ổn giá một cách hiệu quả nhất.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng nhái đối với mặt hàng quần áo may sẵn tại các chợ trong tỉnh. |
Đối với Chi cục Quản lý thị trường, ngoài nhiệm vụ thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn - 2012 theo kế hoạch định kỳ, còn có trách nhiệm chỉ đạo các đội quản lý thị trường trên địa bàn, phối hợp với các đơn vị liên quan và đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc tuân thủ qui định về quản lý giá theo Quyết định số 1479 ngày 18/8/2011 của Sở Tài chính; kiểm tra, giám sát tại các điểm bán hàng bình ổn giá của các doanh nghiệp đã được UBND tỉnh chọn làm nhiệm vụ thực hiện bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn - 2012 và "Đưa hàng Việt về nông thôn".
Đối với các doanh nghiệp được chọn làm nhiệm vụ bình ổn giá: Bố trí đủ các điểm bán hàng bình ổn giá theo phương án của doanh nghiệp xây dựng, đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1672/QĐ-UBND ngày 15/11/2011, đặc biệt là các địa bàn miền núi, hải đảo, nông thôn, khu công nghiệp, Khu Kinh tế Dung Quất. Từng địa điểm bán hàng, doanh nghiệp phải niêm yết công khai giá bình ổn, treo băng rôn, thông báo thời gian phục vụ và bán hàng theo giá đã đăng ký với Sở Công Thương và Sở Tài chính. Đồng thời, có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện bình ổn giá của đơn vị mình. Trong quá trình thực hiện, các doanh nghiệp phải báo cáo nhanh kết quả thực hiện bình ổn giá với các nội dung: Doanh thu bán hàng; số lượng - mặt hàng bán ra; số lượt người mua hàng...
* Xử lý doanh nghiệp không thực thi đúng cam kết
Trong phương án thực hiện bình ổn giá cả trên thị trường dịp Tết Nguyên đán, UBND tỉnh đã yêu cầu các doanh nghiệp ngoài đảm bảo về giá cả, chất lượng, còn phải chuẩn bị đủ số lượng, chủng loại hàng hoá dự trữ như cam kết nhằm tham gia bình ổn thị trường trong dịp cuối năm, nhất là trong tháng cao điểm gần Tết. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp về cơ bản đã hoàn thành kế hoạch dự trữ hàng bình ổn giá, sẵn sàng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2012.
5 doanh nghiệp tham gia bình ổn giá trên thị trường dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn -2012 gồm: Siêu thị Co.op Mart; Công ty CP Lương thực Quảng Ngãi; Nhà máy bánh kẹo Biscafun thuộc Cty CP Đường Quảng Ngãi; DNTN dịch vụ Khải Hoàn; Công ty CP Thanh niên Xung phong. Với 25 điểm bán hàng được mở ở tất cả các địa phương từ đồng bằng đến miền núi, hải đảo, đang hứa hẹn việc cung ứng hàng Tết sẽ kịp thời, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng cho người dân trong dịp Tết. Các doanh nghiệp này đều lập cam kết với UBND tỉnh cung ứng đủ nguồn hàng kể cả trong các trường hợp biến động bất thường, không để xảy ra thiếu hàng hay giá cả tăng đột biến. Trong đó, một số doanh nghiệp đã trữ hàng ngay từ đầu tháng 12, với hàng ngàn mặt hàng thuộc nhóm hàng thiết yếu để tham gia bình ổn. Cũng trong dịp Tết này, một số doanh nghiệp sẽ tổ chức các đợt đưa hàng Việt chất lượng cao về nông thôn theo chương trình bình ổn giá tại các địa phương như Đức Phổ, Sơn Hà, Sơn Tây và Tây Trà.
Ông Nguyễn An - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: "Thực hiện bình ổn giá trong dịp tết năm nay sẽ hướng trọng tâm đến người nghèo, người có thu nhập thấp, vùng xa, hải đảo, miền núi. Vì thế, Sở đã yêu cầu các đơn vị đề xuất, kiến nghị để Sở Công Thương tổng hợp, tham mưu với UBND tỉnh đề ra giải pháp đảm bảo hiệu quả cao nhất trong công tác bình ổn giá trên thị trường. Doanh nghiệp nào không thực hiện đúng cam kết giá đăng ký bình ổn phải thấp hơn từ 5% đến 10% so giá thị trường ở cùng thời điểm bán hàng, Sở sẽ đề nghị UBND tỉnh xử lý theo quy định hiện hành".
Thanh Huyền