(QNg)- Cửa biển Mỹ Á, xã Phổ Quang (Đức Phổ) được đầu tư hơn 91 tỷ đồng để nạo vét thông luồng nhằm tạo điều kiện cho tàu ra vào thuận lợi và có nơi neo trú tránh bão. Việc nạo vét thông luồng cửa biển đến nay đã hoàn thành, nhưng trong một tuần mà đã có hai chiếc tàu chìm ở cửa biển và một ngư dân bị chết đây là điều đáng lo ngại.
Mặc dù sự cố xảy ra đã hơn hai tuần, nhưng bà con làng chài Mỹ Á vẫn xôn xao về cái chết của ông Võ Minh Châu ở vùng 5, thôn Hải Tân, xã Phổ Quang. Ông Châu chết để lại 3 người con đang tuổi ăn học. Nhiều người xót xa: "Cái thằng vùng vẫy biển khơi không sao, nay lại chết ngay cửa biển bên nhà mới tội nghiệp chứ".
Cửa biển hẹp và cạn, tàu thuyền khó ra vào. |
Chúng tôi vòng ra phía cửa biển Mỹ Á. Bên trong, công trình Cảng neo trú tàu thuyền Mỹ Á đã sắp hoàn thiện. Trên bến cảng, bên cạnh những con tàu đang tu sửa, có khoảng 10 thuyền viên đang cùng chủ tàu Hành Văn Hóa - Vùng 1, thôn Hải Tân đang gỡ lưới. Ông Hóa lắc đầu, nói: "Đây là hậu quả của vụ chìm tàu tuần trước". Ông đưa tay chỉ về phía con tàu đã được trục vớt lên phía triền đà cách đó chừng 50 mét rồi tiếp lời: "Tàu hư hỏng tu sửa lại cũng mất khoảng 500 triệu đồng".
Tàu ông Hóa hành nghề lưới rê đánh bắt các loại cá thu, cá ngừ vào thời điểm từ tháng 9 năm này đến tháng 3 năm sau và đã bị chìm vào ngày 16/11 ngay cửa biển Mỹ Á khi đi lộng đánh bắt. Cùng đi có tàu ông Nguyễn Văn Hiền và tàu của ông Trần Cu Ly ở cùng thôn Hải Tân.
Ông Hóa kể: "Sau khi tàu hai ông Hiền và Ly ra khỏi cửa biển Mỹ Á thì tui cho tàu của mình nối đuôi theo sau. Nhưng vừa đưa tàu vượt qua được cửa biển thì bị những đợt sóng bủa vào cửa biển, con tàu quay ngang tiếp tục bị sóng đánh chìm". Ông Hóa vội vàng phát tín hiệu nhờ tàu ông Ly đến cứu vớt. Trong lúc quay vào cửa biển, vớt thuyền viên thì tàu ông Ly cũng bị sóng bủa ngang, tàu lắc mạnh, thuyền viên trên tàu là ông Võ Minh Châu rớt xuống biển trôi dạt, mãi ngày hôm sau mới vớt được xác ở bờ biển thuộc xã Phổ Khánh.
Cũng tại cửa biển này, ngày 9/11, tàu QNg - 44297 TS của ông Nguyễn Quảng, hành nghề lưới cào, trong lúc chạy vào cửa thì cũng bị sóng đánh chìm, 3 thuyền viên trên tàu đã được cứu vớt.
Chuyện tàu thuyền bị chìm, bị gãy lắp ở cửa biển Mỹ Á ngay trong mùa động, mùa đánh bắt không còn xa lạ đối với bà con ngư dân ở làng chài này. Đã bao giọt mồ hôi, nước mắt ngư dân kiếm được con cá từ biển khơi, khi về đến đất liền lại thêm một lần giành giật với cửa biển thì mới đưa được cá vào bờ. Bà Nguyễn Thị Kim Chung - ở làng chài, cho hay: Mỗi khi tàu bị gãy lắp, bị chìm, mắc cạn ở cửa biển, bà con từ già đến trẻ, phụ nữ, đàn ông cùng nhau vận chuyển cá, bất kể là thuyền ai".
Cũng chính vì vậy nên Nhà nước đầu tư xây dựng vũng neo đậu tàu thuyền và nạo vét luồng cửa biển Mỹ Á ai cũng mừng. Nay thấy công trình sắp hoàn thành bà con càng mừng hơn. Bởi, tất cả đều cho rằng sẽ hạn chế được cảnh đắm tàu, mắc cạn và gãy lắp. Nào ngờ công trình đã cơ bản hoàn thành thì lại gây khó khăn cho tàu ra vào cửa gây nên cảnh chìm tàu, chết người.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Phổ Quang cho biết: Công trình đưa vào sử dụng là niềm mong đợi của ngư dân bởi có công trình đã tạo điều kiện cho tàu neo trú đảm bảo tiêu thoát lũ từ các dòng sông Thoa, sông Trường và sông Trà Câu, tránh ngập lụt vùng trũng ở địa phương. Tuy nhiên, với việc nạo vét luồng cửa biển còn cạn, và luồng vào cửa biển quá hẹp nên khi ngoài biển sóng cấp 5 cấp 6, tàu công suất lớn ra vào cửa biển không an toàn.
Ông Nguyễn Thành Vinh - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thủy sản, cho biết: Công trình Cảng neo trú tàu thuyền và cửa biển Mỹ Á đến nay đã xây dựng cơ bản hoàn thành. Chính thức bàn giao vào cuối tháng 12 năm nay. Như vậy, là chậm so với tiến độ 3 tháng. Hiện nay, các đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ sắp xếp các khối đá hộc ở đê Bắc. Các khối đá này, có chức năng phá sóng từ ngoài khơi bủa vào cửa biển.
Ông Vinh cho rằng, công trình hiện nay sắp hoàn thành nhưng luồng vào cạn và hẹp là do gặp phải các tảng đá mồ côi chưa phá được, nên đã gây khó khăn cho tàu ra vào bến. Các tảng đá này nếu phát hiện sớm trong quá trình khảo sát thì đã thi công ngay trong giai đoạn 1. Cách lý giải này thật khó chấp nhận và càng cho thấy sự thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư lẫn đơn vị khảo sát thiết kế.
Được biết, ngành thủy sản (trước đây, nay sát nhập vào Sở NN&PTNT) từng là chủ đầu tư xây dựng cửa biển Sa Huỳnh và đã tiến hành nạo vét cửa biển lần thứ 2, nhưng cửa biển Sa Huỳnh vẫn cứ bồi lấp làm cho 31 con tàu ra vào cửa biển bị sóng đánh chìm, thiệt hại cho ngư dân đến bạc tỷ. Những tưởng đây là kinh nghiệm trong việc khảo sát nạo vét luồng lạch xây dựng công trình nơi cửa biển Mỹ Á. Thế nhưng, đến nay công trình cửa biển Mỹ Á việc nạo vét luồng vẫn chưa đảm bảo, gây khó khăn cho ngư dân ra vào cửa biển.
Được biết, ngành thủy sản (trước đây, nay sát nhập vào Sở NN&PTNT) từng là chủ đầu tư xây dựng cửa biển Sa Huỳnh và đã tiến hành nạo vét cửa biển lần thứ 2, nhưng cửa biển Sa Huỳnh vẫn cứ bồi lấp làm cho 31 con tàu ra vào cửa biển bị sóng đánh chìm, thiệt hại cho ngư dân đến bạc tỷ. Những tưởng đây là kinh nghiệm trong việc khảo sát nạo vét luồng lạch xây dựng công trình nơi cửa biển Mỹ Á. Thế nhưng, đến nay công trình cửa biển Mỹ Á việc nạo vét luồng vẫn chưa đảm bảo, gây khó khăn cho ngư dân ra vào cửa biển.
Khi ngư dân cố thoát ra khỏi cửa biển, thì bị sóng bủa chìm, mặc dù tàu đã ở phía bên ngoài cửa biển. Mong rằng, tỉnh cần chỉ đạo cho ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra lại việc thiết kế thi công luồng lạch của cửa biển. Vì công trình đã cơ bản hoàn thành mà không đảm bảo, gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào cửa biển dẫn đến chết người là điều đáng lưu tâm.
MAI HẠ