(QNg)- Không ai còn nhớ nghề lưới gõ có tự bao giờ thế nhưng đã bao đời nay nó là kế sinh nhai của hàng chục người. Ngay thời điểm này, khi những cánh đồng ngập nước mênh mông cũng chính là mùa làm ăn của các hộ chuyên nghề lưới gõ.
Sáng sớm, những ngày cuối đông, hàng chục chiếc ghe nhỏ của những người hành nghề lưới gõ ở xóm Tân An (xã Đức Phong, Mộ Đức) vẫn lặng lẽ lướt nhẹ ra rộc nước cạnh xóm buông lưới. Những chiếc ghe bé nhỏ mang theo sức nặng mưu sinh của hàng chục người lọt thỏm giữa mênh mông sóng nước.
Lưới gõ - nghề mưu sinh của nhiều người. |
Giữa mặt nước mênh mông, mỗi người chọn cho mình một nơi để bắt đầu thả lưới. Hôm nay gió lớn, nên công việc thả lưới gặp không ít khó khăn. Chồng chèo ghe, vợ thả lưới, phải mất gần 30 phút, vợ chồng anh Lê Xuân Hùng ở xóm Tân An mới thả xong 10 tay lưới. Thả lưới xong, vợ chồng anh lại chèo xuồng lượn quanh chỗ thả lưới và dùng hai thanh tre gõ lốc cốc. Giữa sóng nước mênh mông, tiếng lốc cốc từ hàng chục ghe thả lưới vọng ra mỗi lúc càng lớn, như phá vỡ không gian yên tĩnh buổi sáng sớm. Đối với người dân xóm Tân An, tiếng gõ này đã khá quen thuộc, báo hiệu một ngày mưu sinh mới bắt đầu.
Chúng tôi thắc mắc vì sao phải gõ như thế? anh Hùng lý giải: "Phải gõ như thế để cá sợ, đuổi cá chạy và mắc vào lưới. Mình ở trên nghe chứ ở dưới nước, âm thanh truyền đi mạnh lắm. Tên gọi lưới gõ ra đời là vì vậy". Anh Hùng lại chèo ghe đi tới chỗ thả lưới để kéo mẻ lưới đầu tiên trong ngày. Những con cá giếc mắc lưới giẫy đành đạch được anh kéo lên khá gọn gàng. Anh Hùng vui vẻ: Hôm nay "cá chạy" nên cũng được hơi khá. Mẻ lưới này cũng kiếm được vài chục ngàn. Ngày nào cũng vậy, vợ chồng anh ra khỏi nhà từ lúc 5 giờ sáng và trở về vào lúc trưa. Đổi lại, bình quân mỗi ngày, vợ chồng anh kiếm cũng được hơn trăm ngàn, tạm trang trải cuộc sống gia đình.
"Đầu tư vốn cho nghề này không cao lắm, chỉ cần một ghe nhỏ chuẩn bị 10 - 15 tay lưới, mỗi tay lưới dài từ 30 - 40 mét, tổng chi phí khoảng vài ba triệu đồng. Mỗi ghe như thế chỉ cần 2 người (1 chèo, 1 thả lưới) là có thể kiếm sống hằng ngày"- anh Hùng cho biết thêm.
Theo anh Hùng, không riêng vợ chồng anh mà ở xóm Tân An, bên cạnh nghề biển và những nghề khác thì cũng có vài chục hộ trong xóm làm nghề lưới gõ. Nghề lưới gõ ra đời từ khi nào, không ai trong xóm còn nhớ rõ. Chỉ biết rằng, nghề này đã có từ nhiều đời trước và là kế mưu sinh của nhiều người trong xóm.
Theo ông Nguyễn Hơn (70 tuổi) đã hơn 40 năm làm nghề lưới gõ cho biết: Mùa lưới gõ bắt đầu từ tháng 10-11 âm lịch và kéo dài đến tháng 3-4 âm lịch. Nghề này vất vả lắm. Thường ngày, khi bắt đầu cho buổi làm ăn mới trong ngày, dân mưu sinh bằng nghề lưới gõ phải đi từ rất sớm và trở về khi trưa muộn. "Làm lưới gõ chỉ kiếm được cái ăn hàng ngày chứ chẳng bao giờ giàu được. Nắng thì phơi mình dưới cái nóng rát da, rát thịt. Mưa thì oằn mình thi gan với gió rét, lạnh cứng người, nhưng cuộc sống cũng chẳng dư dật là bao"- ông Hơn bộc bạch.
Đã bao đời sinh sống bằng nghề lưới gõ, thế nhưng hiện nay cái nghề kiếm sống đầy nhọc nhằn này của hàng chục hộ dân không chỉ ở xóm Tân An mà ở nhiều nơi khác đang gặp khó khăn. Năm nay tuổi đã xấp xỉ sáu mươi, trải qua hơn hai phần cuộc đời gắn bó với nghề, chưa bao giờ ông Huỳnh Nam ở xã Đức Minh (Mộ Đức) thấy kiếm con cá khó khăn như bây giờ. Nếu năm trước, mỗi khi thả lưới, ông có thể kiếm được gần cả trăm nghìn, còn giờ... vợ chồng ông đi từ sáng sớm mãi đến trưa cũng chỉ được vài chục nghìn. Con cá ngày một ít dần là do nhiều ghe dùng xung điện đánh bắt quá mức.
Vừa nói ông vừa chỉ, hằng đêm, ghe chích điện cứ thay phiên nhau quần đảo trên khắp các cánh đồng, chiếc này chưa dứt là đến chiếc khác. Để bắt được một con cá, thì lại có hàng chục, hàng trăm sinh vật khác bị hủy diệt theo. Rất ít con cá nào thoát thân được, mà nếu có thoát thì cũng "ngoắc ngoải". Vì thế thu nhập ngày càng ít dần, có khi làm cả ngày cũng chỉ đủ tiền mua gạo.
Ông Nam buồn buồn: Nguồn cá ngày càng cạn kiệt, số người mưu sinh bằng nghề lưới gõ gặp không ít khó khăn. Nhiều người đành phải bỏ nghề để chọn một công việc mang lại nguồn thu nhập tốt hơn. Và có lẽ, với nguồn thu nhập bấp bênh như thế này, nghề mỗi ngày một lụi tàn dần.
Bài, ảnh: Đức Lê