(QNg)- Trong đợt hỗ trợ giống cho vụ sản xuất đông xuân 2011-2012 vừa qua, nhiều người dân huyện miền núi Minh Long đã bức xúc khi hàng loạt trường hợp không có ruộng, nhưng vẫn được cấp hỗ trợ lúa giống. Điều đáng nói là, nguyện vọng của người dân "một đàng" nhưng lại nhận hỗ trợ "một nẻo".
TIN LIÊN QUAN |
---|
* Cái dân cần thì không cấp
Việc hỗ trợ lúa giống cho vụ sản xuất đông xuân 2011-2012 cho người dân huyện Minh Long được thực hiện theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ (về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn). Gần giữa tháng 10 vừa qua, huyện Minh Long đã tiến hành cấp trực tiếp 36,5 tấn lúa giống thuần nguyên chủng Xi23 cho hộ nghèo thuộc 5 xã Long Mai, Long Hiệp, Long Sơn, Long Môn và Thanh An. Đối với những hộ thuộc khu vực II, mỗi khẩu được nhận hơn 4 kg lúa giống. Những hộ thuộc khu vực đặc biệt khó khăn mỗi khẩu nhận được gần 7 kg lúa giống. Theo đó, số hộ dân được hỗ trợ là 1.911 hộ với khoảng 80.000 khẩu. Tổng kinh phí hỗ trợ của đợt này gần 530 triệu đồng.
Người dân ở xã Long Hiệp đến nhận trợ cấp lúa giống. |
Tuy nhiên, điều đáng nói là, rất nhiều trường hợp không có ruộng, hoặc ruộng đã chuyển sang cho người khác canh tác sản xuất, nhưng vẫn được nhận hỗ trợ lúa giống. Ông Bùi Văn Hợp, người dân ở thôn 3, xã Long Hiệp, phản ánh: Gia đình ông có 3 sào (500m2/sào) đất trồng lúa, lại là hộ nghèo, nhưng không được cấp lúa giống. Trong khi đó thì hàng loạt số hộ khác ở trong thôn, như ông Lê Văn Đông, bà Ngô Thị Lan, ông Nguyễn Linh... không còn làm ruộng nhưng lại được cấp. Ông Đoàn Lâm Bửu- Trưởng thôn 1 (xã Long Hiệp), cho biết thêm: Thôn 1 có 47 hộ được hỗ trợ lúa giống, trong đó có gần 20 hộ không có ruộng nhưng vẫn được nhận lúa giống hỗ trợ trong đợt này. Khi họp dân, đa số đều đồng ý là những người không cần lúa giống sẽ "nhường" lại số lúa giống này cho người có ruộng trong thôn.
Gây bức xúc không kém là chuyện, nhiều cây con giống người dân cần thì không hỗ trợ, còn thứ không cần thì huyện mua cho. Theo chính quyền địa phương xã Long Môn thì, đất trồng lúa ở địa phương ít, mà chủ yếu là đất lâm nghiệp. Vì vậy xã đã đề nghị cấp cây keo giống cho dân. Thế nhưng huyện lại yêu cầu làm danh sách để cấp lúa giống.
* Bất cập do đâu?
Chúng tôi có mặt vào ngày người dân xã Long Hiệp được hỗ trợ lúa giống (ngày 18/11/2011), và được nghe nhiều ý kiến bức xúc của người dân. Nhiều người "thật thà" bảo: Không có ruộng nhưng được cho thì cứ lấy, chứ có mua đâu. Theo đó, sau khi nhận lúa giống về, nhiều người đã đem bán để lấy tiền; một số khác thì đem đổi thức ăn, gạo...
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Dũng- Chủ tịch UBND xã Long Hiệp, cho biết: Sở dĩ xảy ra tình trạng trên là do nhiều hộ có ruộng nhưng đã chuyển cho người khác sử dụng. Một số khác thì ruộng nằm trong các dự án nên đã bị thu hồi... Trong khi đó người dân được hỗ trợ được chọn dựa trên danh sách hộ nghèo của xã giai đoạn 2006- 2010. Đến nay thì số hộ nghèo này đã có nhiều thay đổi, nhưng vẫn chưa được điều chỉnh. Ông Dũng cũng thừa nhận, ở xã Long Hiệp có vài chục hộ được trao "nhầm" lúa giống.
Ông Trần Như Trí- Trưởng phòng Dân tộc huyện Minh Long, cho biết: Ban đầu khi triển khai, chỉ có xã Long Mai là đề nghị cấp lúa giống. Xã Long Sơn và Thanh An đề nghị cấp phân Urê, thuốc trừ sâu. Xã Long Môn và Long Hiệp đề nghị cấp cây keo giống. Tuy nhiên sau khi xem xét và họp bàn thấy đề nghị cấp phân, thuốc trừ sâu không đúng theo qui định; cây keo giống thì các chương trình hỗ trợ khác đã cấp nhiều rồi, nên huyện mới "nghĩ" cấp lúa giống cho người dân là "hợp lý".
Thiết nghĩ, chính sự chủ quan và không "bắt mạch" đúng nguyện vọng của dân nên các cấp chính quyền huyện Minh Long đã dẫn đến hàng trăm triệu đồng tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho người nghèo đã không đạt hiệu quả như mong muốn.
Bài, ảnh: NGUYỄN NGỌC