HTX đánh bắt xa bờ và dịch vụ thủy sản Bình Chánh: Sự khởi đầu thuận lợi

07:12, 17/12/2011
.

(QNg)- Sự ra đời của Hợp tác xã đánh bắt xa bờ và dịch vụ thủy sản Bình Chánh là kỳ vọng, là điểm tựa cho ngư dân an lòng đánh bắt hải sản khơi xa, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc.

Ngay từ ngày thành lập, HTX đánh bắt xa bờ và dịch vụ thủy sản Bình Chánh đã có 20 xã viên là chủ tàu công suất 90CV trở lên, làm nghề câu mực khơi, đánh bắt ở các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, Nhà dàn DK1 trong xã đăng ký. Mỗi xã viên đóng góp 20 triệu đồng làm vốn điều lệ. Họ vào hợp tác xã mong mình được bảo vệ quyền lợi, hỗ trợ kỹ thuật đánh bắt, vay vốn... từ các chính sách của Nhà nước; được thu mua nguồn hải sản từ biển khơi mang về đem bán không bị ép giá. Nhiều xã viên cho rằng: Mong có một tổ chức đứng ra kết nối các con tàu ra khơi được hỗ trợ, động viên, quan tâm, thu mua nguồn hải sản lâu  rồi, đến giờ mới thành hiện thực. Bởi, làm nghề biển sự rủi ro rất lớn…

s
HTX ra đời kết nối tàu thuyền câu mực khơi, đánh bắt theo tổ đội để hạn chế sự rủi ro.


Xã Bình Chánh có khoảng 130 tàu thuyền, trong đó có 86 chiếc hành nghề mực khơi. Đã nhiều năm qua, nhiều tàu của ngư dân trong xã chỉ hành nghề đơn độc trên biển. Rồi  tàu bị chìm khi gặp bão tố, bị tàu lạ đâm chìm, bị lạc mất thúng nên ngư dân cứ gánh chịu tai họa. Một khi bão tố đến, có những con tàu đã đắm chìm dưới biển sâu, ngư dân từ chủ tàu trở thành người tay trắng. Mặt khác, khi vượt qua muôn trùng sóng gió để đánh bắt hải sản  khi chở hải sản về thì họ lại bị ép giá.  Thấy sự bất lợi này, ngày 18/8 huyện Bình Sơn đã thành lập thí điểm hợp tác xã (HTX) đánh bắt xa bờ và dịch vụ thủy sản Bình Chánh để giúp ngư dân an tâm đánh bắt hải sản và góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc.

Đã gần 4 tháng kể từ ngày thành lập, mọi thủ tục cho một chính sách hỗ trợ ngư dân ra khơi xa từ HTX đều ở bước triển khai, nhưng đã tạo một niềm tin, một chỗ dựa cho ngư dân. Ông Nguyễn Hữu Ngọt - Chủ nhiệm Hợp tác xã đánh bắt xa bờ và dịch vụ thủy sản, cho biết: Sau khi thành lập, HTX đã phối hợp với các ngành chức năng mở lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng 4 cho 130 ngư dân huyện Bình Sơn. Trong số 70 học viên trong diện được hỗ trợ học miễn phí thì có 20 xã viên của HTX.

 Qua lớp bồi dưỡng các ngư dân được trang bị kiến thức về kỹ năng lái tàu, cách khắc phục, sửa chữa máy tàu khi gặp sự cố, các quy định của pháp luật khi tham gia hoạt động khai thác trên biển, như đăng ký, đăng kiểm, mua bảo hiểm cho thuyền viên, quy định hàng hải. Sau khóa học các học viên đã được cấp chứng chỉ thuyền trưởng được phép điều khiển tất cả các loại tàu cá hành nghề khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển.

Cũng trong thời gian này, do chưa có nguồn kinh phí để sắm sửa phương tiện nên HTX đã thông qua máy Icom của Hội nghề cá, giúp nhiều ngư dân hoạt động trên biển thoát nạn, làm thủ tục cho các tàu cá hết hạn đăng ký, đăng kiểm. Đồng thời, kiến nghị với ngành chức năng sớm đóng tàu 1.000  - 2.000CV để phục vụ cho việc cung ứng vật tư xăng dầu cho các tàu đang hoạt động ở ngư trường xa và thu mua, chở nguồn hải sản từ biển khơi trở về đất liền. Mặt khác, HTX đã liên hệ với các Công ty thương mại TP Hồ Chí Minh phối hợp với HTX thu mua nguồn hải sản  ổn định cho ngư dân.

"Những hoạt động của hợp tác xã ban đầu đã tạo được niềm tin trong ngư dân. Nhiều ngư dân đã làm đơn tiếp tục xin vào hợp tác xã. Tuy vậy, nguồn kinh phí của ngư dân đóng góp còn ít nên HTX cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước thì mới có thể duy trì các hoạt động" - ông Ngọt bộc bạch.  

 Thực tế, ngư dân xã Bình Chánh đang kỳ vọng đến một HTX mô hình kiểu mẫu để giúp bà con an tâm đánh bắt khơi xa. Mô hình thành công không chỉ hấp dẫn ngư dân ở Bình Chánh mà còn giúp các địa phương ven biển trong tỉnh thành lập các HTX nghề cá.


                     Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.