Hiệu quả kinh tế từ nuôi tôm càng xanh

11:12, 09/12/2011
.

(QNg)- Năm 2011, Trạm Khuyến nông huyện Bình Sơn đã triển khai thực hiện mô hình “Nuôi tôm càng xanh thương phẩm” tại thôn Đức An, xã Bình Minh, do hộ anh Phạm Quang Dũng thực hiện với quy mô 2.000m2. Mô hình đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
 

TIN LIÊN QUAN


Ao nuôi tôm càng xanh được tháo cạn nước, vét bùn, diệt cá tạp bằng saponin, bón vôi (150kg/2.000m2) và phơi ao 3 ngày. Chặt cây sằm đen phơi khô, bó lại thành từng bó và đặt rải rác ở đáy ao làm nơi trú ẩn cho tôm. Lấy nước vào khoảng 1 mét, dùng phân NPK gây màu nước (ngâm phân qua đêm rồi tạt xuống ao lúc trời có nắng). Ao nuôi được gây màu nước tốt trước khi thả tôm giống. Tôm giống được thả nuôi với mật độ 10 con/m2 (tôm giống kích cỡ 2 cm, tôm khỏe mạnh và tương đối đồng cỡ).

Mô hình nuôi tôm càng xanh tại thôn Đức An, xã Bình Minh (Bình Sơn).
Mô hình nuôi tôm càng xanh tại thôn Đức An, xã Bình Minh (Bình Sơn).


Anh Dũng - nông dân thực hiện mô hình cho biết, trong 1 tháng đầu cho tôm ăn cám viên chuyên dùng cho tôm, các tháng còn lại cho tôm ăn thức ăn tự chế biến kết hợp với cám viên để giảm chi phí đầu tư. Thức ăn tự chế biến gồm: Bánh dầu, ngũ cốc các loại cùng với thực phẩm giàu đạm như: Cá tạp, trùn, các phế phẩm động vật khác. Thức ăn được rải quanh ao, cách bờ khoảng 3m, ao được đặt 2 sàn ăn và cho vào sàn 2-3% nhằm theo dõi kiểm soát thức ăn, sau 1 - 2 giờ thì giở nhá lên kiểm tra thức ăn. Nếu tôm ăn còn thừa thì giảm lượng thức ăn ở lần cho ăn tiếp theo, nếu tôm ăn hết thì tăng thêm từng ít một. Hàng ngày cho tôm ăn 2 lần vào sáng và chiều, lượng thức ăn buổi chiều mát bằng 2/3 lượng thức ăn trong ngày.

Sau 5 tháng thả nuôi, tỷ lệ tôm sống đạt 70%, trọng lượng bình quân đạt 50 con/kg. Chi phí trực tiếp cho mô hình là 31 triệu đồng. Dự kiến sản lượng tôm đạt 280kg, với giá tôm hiện nay (150 ngàn đồng/kg), tổng thu của mô hình dự kiến 42 triệu đồng (quy ra 210 triệu đồng/ha); lãi khoảng 11 triệu đồng (quy ra 55 triệu đồng/ha).

Đầu tháng 12/2011 Trạm Khuyến nông huyện Bình Sơn đã tổ chức tham quan, hội nghị tổng kết mô hình "nuôi tôm càng xanh thương phẩm" này. Theo ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Trưởng Trạm khuyến nông huyện Bình Sơn, đây là mô hình trình diễn để nông dân học tập, làm theo, thúc đẩy phong trào nuôi trồng thủy sản tại các địa phương trong huyện, cung cấp cho thị trường nguồn thực phẩm chất lượng, góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội.

Được biết, từ năm 2007, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông huyện Mộ Đức xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh bán thâm canh tại xã Đức Tân (Mộ Đức) và tiếp tục trình diễn mô hình nuôi tôm càng xanh thâm canh tại các huyện khác trong tỉnh trong các năm tiếp theo đã đem lại hiệu quả cao.
Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, một khó khăn của những người nuôi tôm càng xanh hiện nay là hiện tượng tép đồng phát triển rất nhiều trong ao, tranh giành thức ăn của tôm càng xanh. Để khắc phục hiện tượng này, người nuôi tôm càng xanh nên áp dụng phương pháp thủ công như: Làm nhiều nhá nhỏ, đặt xung quanh ao (cách bờ ao 1m), dùng thức ăn bằng cám gạo rang vàng hòa chút nước cho vào nhá (mỗi lần cám gạo cho vào nhá chỉ bằng hạt bắp), sau khoảng thời gian 5-10 phút tiến hành kéo nhá bắt tép để hạn chế tép đồng tranh giành thức ăn của tôm.


Bài, ảnh: Hải Yến


.