(QNg)- Điện là một trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, hiện nay một số nơi hệ thống mạng lưới điện hạ áp nông thôn còn bất cập, người dân sử dụng điện không an toàn và giá điện cao.
Khi nông thôn còn dùng điện thiếu an toàn và giá cao
Hiện nay, tại một số vùng nông thôn trong tỉnh, nơi mạng lưới điện hạ áp nông thôn chưa bàn giao cho ngành điện lực quản lý xuống cấp trầm trọng. Đường dây sau trụ công tơ đủ loại, không theo kích cỡ quy định, thậm chí các đấu nối sơ sài mất an toàn, trụ đỡ bằng gỗ lâu ngày bị mục nhưng không được thay thế. Đặc biệt, có nhiều trụ điện phải "cõng" một lúc đến 30-40 hộp công tơ với hệ thống dây chằng chịt, để hở cả những mối dây điện trần. Đây là nỗi lo của nhiều vùng nông thôn mỗi khi có mưa bão xảy ra. Điều đáng nói là lưới điện hạ áp ở nông thôn do dân đóng góp theo hình thức tổ tự quản hoặc HTX.
Một trụ điện ở xã Phổ Châu (Đức Phổ) trước khi bàn giao cho ngành điện lực quản lý. |
Hệ thống đường dây làm theo kiểu tạm thời, nhiều quy cách, chủng loại khiến mức hao hụt bình quân khoảng 30%, và đương nhiên các tổ phải cộng vào giá điện chung rồi chia ra cho từng hộ gánh chịu. Trong khi đó, tổ điện đại diện cho dân mua điện thông qua điện kế tổng của ngành điện với giá quy định của Nhà nước, nhưng bán lại cho các hộ với giá cao.
Ở nhiều nơi người dân phải trả giá cao hơn gấp rưỡi, hoặc gấp hai lần mới có điện dùng. Đó là chưa nói, vào mùa mưa bão làm đổ cột, đứt dây, nổ bình biến thế, tổ điện lại huy động dân đóng góp để thay thế, sửa chữa. Thực trạng hiện nay nhiều hộ dân vùng nông thôn dùng điện giá cao, không an toàn, nhưng chất lượng điện không đảm bảo nên vẫn còn tình trạng "ăn đèn ngủ điện". Ông Nguyễn Bảnh, một người dân ở xã Bình Thạnh (Bình Sơn) phàn nàn: Khi cần điện thì điện quá yếu, không thể nấu cơm được, bà con có nồi cơm điện nhưng chỉ để… nhìn".
Khó đảm bảo điện cho việc xây dựng nông thôn mới
Theo báo cáo của Công ty Điện lực Quảng Ngãi, Công ty hiện bán điện trực tiếp cho gần 160.000 hộ (50% số hộ trong tỉnh). Số hộ còn lại dùng điện của 71 tổ chức kinh doanh điện. Trong đó có 7 Công ty cổ phần điện của các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Đức Phổ, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành và Minh Long. Các tổ chức điện còn lại là HTX Nông nghiệp-dịch vụ điện. Thực tế những năm qua, rất ít các tổ chức kinh doanh điện đầu tư mạng lưới điện hạ áp nông thôn. Chính vì vậy, người dân chưa mua điện trực tiếp của ngành điện bán lẻ phải dùng điện giá cao, kém chất lượng, thiếu an toàn là điều dễ hiểu.
Đó là chưa kể, trong tổng số 71 tổ chức kinh doanh điện thì chỉ có 11 tổ chức kinh doanh điện còn giấy phép có hiệu lực, số còn lại giấy phép hết hiệu lực nhưng vẫn hoạt động. Điện là một trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Theo đó, hệ thống điện nông thôn phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện; tỷ lệ hộ thường xuyên dùng điện an toàn là 98%. Hiện nay, toàn tỉnh có 72 xã được đầu tư từ Chương trình năng lượng điện nông thôn giai đoạn 2 (RE2) và 14 xã do ngành điện tiếp nhận mạng lưới điện hạ áp nông thôn thì người dân được sử dụng điện theo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Số xã còn lại khó đạt tiêu chí về điện nếu như các tổ chức kinh doanh điện không bàn giao cho ngành điện quản lý, đầu tư nâng cấp mạng lưới điện hạ áp nông thôn.
Mặc dù, chủ trương của Chính phủ là các tổ chức kinh doanh điện nông thôn không đủ điều kiện để kinh doanh bán điện theo giá bậc thang thì bàn giao cho ngành điện lực tiếp nhận, đầu tư nâng cấp và bảo đảm bán điện trực tiếp tới người dân nông thôn. Tuy nhiên, hiện nay nhiều tổ chức kinh doanh điện nông thôn không đủ điều kiện để kinh doanh mua bán lẻ điện năng nhưng vẫn không hợp tác bàn giao mạng lưới điện cho ngành điện quản lý. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người dân và là lực cản trong việc xây dựng nông thôn mới. Theo kế hoạch, đến năm 2015, tỉnh Quảng Ngãi sẽ xây dựng 33 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Trong đó có những xã chưa đảm bảo tiêu chí về điện. Đây là vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng nông thôn mới của Quảng Ngãi.
Bài, ảnh: A.Vinh