Đắng lòng vì "vay vốn ngược"

08:12, 10/12/2011
.

(QNg)- Ở nhiều vùng biển ngư dân thường hay vay tiền "đầu nậu" để đóng tàu, mua nhiên liệu, ngư lưới cụ ra khơi. Khi ngư dân đánh bắt được hải sản  họ buộc phải bán rẻ cho "đầu nậu" để trừ nợ dần. Và một thực tế diễn ra ở làng chài thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn) hiện nay là "đậu nậu" lại " ép" giá, thậm chí chậm trả nợ nên chuyện làm ăn của bà con ngư dân vốn đã khó lại càng khó...

TIN LIÊN QUAN


Thôn Mỹ Tân xã Bình Chánh có hơn 86 tàu thuyền công suất lớn hành nghề câu mực khơi. Không phải đến mùa biển động tàu nằm bờ mà ngay cả trong mùa biển yên cũng có tàu  nằm bờ vì không đòi được nợ.

Ngán ngẩm vì "đầu nậu"

Ngư dân Bùi Lành thôn Mỹ Tân, bức xúc: "Trước mùa biển động, tàu neo bến 2 tháng. Bởi tàu hành nghề mực khơi, đánh bắt tận các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Một phiên biển kéo dài từ một đến hai tháng, chi phí tốn kém 400 đến 500 triệu đồng. Tính từ đầu năm 2011, tàu tui ra khơi được 3 phiên biển. Khi trở về còn thời gian để đi chuyến nữa nhưng mực khô mang về chỉ bán cho "đầu nậu" lấy được tiền mới hai phiên biển. Phiên biển cuối đánh bắt được 16 tấn, bán thỏa thuận với "đậu nậu" là 1,7 tỷ đồng, nhưng họ không trả tiền. Đến giờ cũng chỉ lấy được 900 triệu đồng. Số tiền này chỉ trả đủ cho các thuyền viên, còn tiền dầu, tiền phí tổn không có nên tàu đành nằm bờ chờ "đầu nậu" trả tiền mới mua dầu ra khơi. Chờ hoài, chờ mãi đến khi biển động không đi được".

Tàu câu mực ở xã Bình Chánh đã về bến neo đậu từ nhiều tháng qua.
Tàu câu mực ở xã Bình Chánh đã về bến neo đậu từ nhiều tháng qua.


Theo con đường nhỏ, chúng tôi đến nhà ngư dân Nguyễn Đông. Nghe hỏi chuyện ra khơi mùa biển vừa qua, ông gay gắt: "Buôn bán gì kỳ quặc! Thường là người buôn có tiền cho ngư dân vay trước rồi ra khơi đánh bắt lấy nguồn hải sản để trừ nợ. Đằng này, bán hải sản cho họ cả  tháng rồi mà không lấy được tiền. Bao nhiêu lần hỏi, họ chỉ nói chưa bán được". Ông Đông bán 1,2 tấn mực ở phiên biển cuối, trị giá 1,2 tỷ đồng. Đến nay, chỉ lấy được 600 triệu đồng.

 Chuyện "đầu nậu" "mượn" hải sản của ngư dân buôn bán ở xã Bình Chánh có từ lâu. Nhiều chủ tàu hành nghề câu mực khơi ở xã Bình Chánh, cho hay: Một mùa biển, ngư dân ra khơi đánh bắt từ tháng giêng đến tháng 9.  Tính ra khoảng 4 - 5 phiên biển, nhưng vì đợi "đầu nậu" trả tiền mới mua nhiên liệu nên hầu hết bà con chỉ đi được 3 phiên biển/năm.

Ngoài việc mượn hải sản của ngư dân đi bán kiếm lời, "đầu nậu" còn tự ý hạ, tăng giá khi thu mua hải sản của ngư dân.  Ngư dân Nguyễn Thà, cho biết: Giá mực cứ lên xuống bấp bênh mà giá dầu, lương thực ngày một tăng. Tàu đi về hơn 1 tháng nay rồi, kiếm được hơn 15 tấn mực khô, nhưng vì giá hiện tại chỉ có 75.000 đồng (hạ từ 70.000 - 75.000 đồng/kg so với đầu vụ). Không chỉ ông Đông, các chủ tàu Bùi Đức Quang, Nguyễn Tấn Dũng, Bùi Đức Danh, Bùi Chí cùng thôn Mỹ Tân đều có hoàn cảnh như ông Đông, ông Lành..

Vì sao bị "ép"?

Chủ tàu câu mực Bùi Lành xót xa: Câu được con mực rồi phơi khô để đem về bán cho "đầu nậu", ngư dân phải thức trắng cả đêm trường giữa biển khơi. Mỗi khi nghe giá mực hạ dài, anh em ai cũng ngao ngán. Bởi câu mực ở ngoài khơi xa cách đất liền có khi đến 500 hải lý. Tàu ra đến nơi anh em ngư dân mỗi người một chiếc thúng đi câu cách nhau từ 0,5 - 0,6 hải lý.  Có khi trời trở gió, biển động tàu chìm hoặc lạc thúng dễ mất mạng  giữa biển.

Thức cả đêm câu mực, bình quân mỗi ngư dân đánh bắt được từ 25 - 30 kg mực. Sáng ra, họ phải thức luôn cả ban ngày để rửa sạch, xẻ ruột, rồi phơi khô, nên mỗi ngày trên tàu họ chỉ chợp mắt được 2- 3 tiếng đồng hồ. Khi có mưa phùn gió bất thì thức suốt ngày đêm để câu rồi trở mực.

 Tìm con mực giữa lòng biển khơi đã khó, mà mang về đất liền bán lại càng khó hơn. Mực mà ngư dân Mỹ Tân đánh bắt được chỉ xuất qua Trung Quốc, Malaysia và không có nhiều điểm thu mua như các loại hải sản khác, nên ngư dân đều phải bán cho 3 "đầu nậu" địa phương chứ chẳng biết xuất đi đâu. Chính vì vậy  nên "đầu nậu" tha hồ ép giá hoặc mua mực xong chậm trả tiền  bà con cũng đành "ngậm bồ hòn làm ngọt" chứ nói thì chuyến sau biết bán cho ai" - ngư dân Bùi Chí lý giải.

Chuyện con mực ở Mỹ Tân quả đã đến lúc ngành chức năng phải vào cuộc giải quyết cho dân. Bởi, một tàu câu mực bình quân mỗi năm đánh bắt khoảng trên 40 tấn mực khô, nhưng không có nơi xuất hàng, chỉ quanh quẩn bán cho 3 "đầu nậu". Vì vậy, họ ép giá hoặc chậm trả tiền cho ngư dân, gây bức xúc ở làng chài này từ nhiều năm nay. Ông Nguyễn Hữu Ngọt - Chủ nhiệm HTX đánh bắt xa bờ và dịch vụ thủy sản bộc bạch: "Chuyện "đầu nậu" mua bán kiếm lời là bình thường, nhưng buôn bán mà "ép" ngư dân kiểu này thì làm ăn lâu dài sao được. HTX hiện đang kêu gọi các công ty, doanh nghiệp mua bán hải sản tiến hành hợp đồng mua mực cho ngư dân. Khi có đối tác, HTX làm cầu nối việc mua bán hải sản của bà con để bà con không còn bị  "đầu nậu" "ép" mua bán  một cách đắng lòng như đã xảy ra lâu nay".


Bài, ảnh: MAI HẠ


.