(QNg)- Trồng dâu nuôi tằm là nghề nhẹ nhàng, không cần nhiều vốn, nguy cơ mắc dịch bệnh của con tằm không cao nên dễ tránh được rủi ro, do đó nhiều năm qua, mặc dù phải trải qua nhiều thăng trầm, người dân ở các xã ven sông của huyện Nghĩa Hành vẫn kiên trì "bám trụ" giữ nghề để cải thiện cuộc sống gia đình.
Năm 1999-2000, nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển mạnh với 100 hộ, ở các xã Hành Dũng, Hành Nhân, Hành Phước, Hành Thịnh, Hành Thiện. Tuy nhiên từ đầu năm 2003 giá kén trên thị trường xuống thấp, nhiều nhà đã đốn bỏ cây dâu để chuyển sang các cây trồng khác cho hiệu quả cao hơn. Do đó, đến nay nghề này chỉ còn lại khoảng chục hộ chủ yếu là ở xã Hành Nhân và Hành Dũng. Mặc dù vẫn con nhiều khó khăn như giá kén thấp, thời tiết thất thường… nhưng người dân nơi đây vẫn không bỏ nghề, bởi lẽ tằm là con vật ngắn ngày, dễ nuôi, lại mau có lợi. Tuy lợi nhuận thu vào một lần không lớn bằng các vật nuôi khác nhưng có thu nhập thường xuyên trong năm.
Bà Lê Thị Kim Tuyên, thôn Bình Thành, xã Hành Nhân đang cho tằm ăn. |
Bà Lê Thị Kim Tuyên, thôn Bình Thành, xã Hành Nhân cho biết: Nuôi tằm không tốn nhiều chi phí đầu tư, có thể tận dụng các vật liệu sẵn có như tranh tre để làm nhà nuôi tằm. Kỹ thuật nuôi tằm không khó, chỉ cần cẩn thận và chăm chỉ của người nuôi. Đặc biệt, khi tằm bị bệnh cho năng suất không cao hoặc tằm hư không cho kén thì cũng chỉ mất công, chứ không tốn kém nhiều về vốn. Mặc khác, cây dâu là loại cây dễ tính, rễ sâu và phát triển mạnh nên chịu được hạn, úng và rét. Vào mùa mưa lũ, sau khi nước rút, người dân chỉ cần ra chặt cành, làm cỏ, bón phân là nó phát triển trở lại xanh tốt như thường. Ngoài ra, cây dâu có thể trồng xen với các loại cây ngắn ngày khác như đậu phộng, bắp, đậu xanh… để tăng thu nhập.
Theo tính toán của các hộ nuôi tằm, mỗi năm có thể nuôi được 12-13 lứa tằm. Trung bình 1 hộp trứng 200.000 đồng, cấy được khoảng 20 nong tằm, thu được 35-40 kg kén. Thời gian nuôi từ lúc tằm trứng đến khi tằm cho kén khoảng 30 ngày/vụ, riêng mùa nắng nóng chỉ 20 ngày/vụ tằm. Với giá bán hiện nay là 90.000 đồng/kg kén, trung bình mỗi hộ thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm. Ông Nguyễn Văn Dũng, thôn Bình Thành, xã Hành Nhân cho biết: Gia đình tôi có 5 sào đất trồng dâu nuôi tằm. Một năm với 12 lứa tằm, thu nhập của gia đình tôi khoảng 36 triệu đồng, sau khi trừ xong các khoảng chi phí về giống, phân bón, thuốc (khoảng 6 triệu đồng), tôi còn lãi khoảng 30 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập khá so với trồng bắp, mì, đậu…
Ông Nguyễn Văn Đoá - Chủ nhiệm HTXNN Hành Nhân cho biết: Trồng dâu, nuôi tằm tại Hành Nhân đến nay vẫn được xem là một nghề phụ nhưng cho thu nhập cao hơn so với trồng các loại cây trồng khác ở địa phương. Nếu như thu nhập trên một đơn vị diện tích đối với cây trồng khác trung bình từ 30-35 triệu đồng/ha/năm, thì thu nhập từ cây dâu tằm trên 50 triệu đồng/năm. Mô hình đã giúp bà con thoát nghèo, cải thiện cuộc sống, đồng thời giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi.
Điều thuận lợi cho người nuôi tằm hiện nay là nguồn kén của bà con đều được Doanh nghiệp tư nhân sản xuất dâu tằm tơ Minh Phượng (Cụm công nghiệp-làng nghề Đồng Dinh, Nghĩa Hành) thu mua. Giá mỗi kg kén khoảng 90.000 đồng, cao hơn nhiều so với năm ngoái. Một thuận lợi nữa là doanh nghiệp này cũng nhận cung cấp giống và thuốc cho những ai có nhu cầu.
Có thể nói cây dâu, con tằm đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân ở các xã ven sông của huyện Nghĩa Hành.
Bài, ảnh: Phương Dung