Tan gia bại sản vì giấc mơ xuất ngoại

09:11, 28/11/2011
.

(QNĐT)- Thời gian qua, trên địa bàn huyện đảo Lý Sơn rộ lên môi giới hợp đồng đưa tàu cá và lao động đi khai thác hải sản tại ngư trường nước ngoài. Vì thiếu hiểu biết về pháp luật và tin vào những lời đường mật của những kẻ môi giới nên nhiều ngư dân lâm vào cảnh tan gia bại sản.

* Tin vào những lời đường mật:

Sau hơn 3 tháng trở về địa phương, gia cảnh của 20 ngư dân đi trên hai tàu cá QNg 96279 của ông Lê Điều và QNg 96259TS của ông Bùi Hoàng ở thôn Tây, xã An Hải huyện đảo Lý Sơn, đều rơi vào cảnh khó khăn, khốn cùng, bởi toàn bộ tiền của và công sức mà họ bỏ ra trong vụ môi giới hợp đồng đi khai thác hải sản tại ngư trường Indonesia đã mất trắng.
 
Thuyền trưởng Bùi Triết- nạn nhân trong vụ đưa tàu đi khai thác hải sản tại Indonesia.
Thuyền trưởng Bùi Triết- nạn nhân trong vụ đưa tàu đi khai thác hải sản tại Indonesia.

Sau khi về đến đảo, vì hoàn cảnh khó khăn cộng với nợ nần chồng chất nên một số ngư dân đã phải tranh thủ xin đi bạn trên tàu cá của ngư dân địa phương để kiếm tiền trang trải và kiếm gạo đắp đổi qua ngày, số lao động còn lại cũng đang rơi vào cảnh éo leo vì nợ nần.

Mấy ngày nay, hai chủ tàu cá bị hại là ông Bùi Hoàng và ông Lê Điều cùng hai thuyền trưởng là ông Bùi Triết và Lê Văn Hạnh cùng các ngư dân là nạn nhân trong vụ môi giới đưa tàu cá đi khai thác hải sản tại ngư trường Indonesia đang hoàn tất các thủ tục cần thiết để đề nghị cơ quan chức năng đưa vụ việc ra ánh sáng.

Ông Lê Điều và Bùi Hoàng cho biết: Đầu năm 2009, một số tàu cá địa phương hợp đồng đi khai thác hải sản tại ngư trường Indonesia trở về cho thu nhập cao. Cuối năm 2009, thông qua một đối tượng môi giới từ đất liền ra đảo, ông Lê Điều và Bùi Hoàng đã thống nhất ký hợp đồng đưa 2 tàu cá của mình cùng 20 ngư dân là người địa phương đi tham gia khai thác hải sản tại ngư trường Indonesia trong thời hạn 1 năm.

Để có được thủ tục xuất cảnh vào ngư trường Indonesia, hai chủ tàu cá đã chạy đôn chạy đáo vay mượn khắp nơi cho đủ số tiền 840 triệu đồng để nộp cho công ty môi giới có trụ sở tại Việt Nam. Đổi lại họ nhận được một đống giấy tờ hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài mà không ai trong số họ hiểu được trên những tờ giấy đó viết nội dung gì.

Đầu năm 2011, công ty môi giới thông báo đã hoàn tất mọi thủ tục cần thiết để xuất cảnh, và đề nghị ông Hoàng và ông Điều cho tàu của mình cùng 20 lao động rời Việt Nam qua ngư trường Indonesia để hành nghề. Tuy nhiên, khi đến Indonesia vì thủ tục không hợp lệ nên các tàu cá cùng số lao động đi trên tàu bị cơ quan chức năng nước bạn tạm giữ người và phương tiện để giải  quyết.

* Khốn đốn vì giấc mơ xuất ngoại:

Trong thời gian bị tạm giữ tại Indonesia, hai chủ tàu cá đã nhiều lần liên hệ và đề nghị với đại diện công ty môi giới sớm có biện pháp giải quyết, nhưng đều bị từ chối.  Công ty môi giới đưa ra lý do 2 tàu cá trên vi phạm hợp đồng nên phải nộp phạt và họ yêu cầu mỗi tàu nếu muốn hoạt động thì phải nộp số tiền là 55.000USD (2 tàu là 110.000USD) cho công ty môi giới hoàn tất thủ tục nộp phạt để nhập cảnh.
 
Bản hợp đồng được viết hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài.
Bản hợp đồng được viết hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài.
Trước yêu cầu vô lý, nên hai chủ tàu cá cùng các ngư dân đã kịch liệt phản đối. Không thể chờ đợi lâu hơn nữa và biết có khả năng bị lừa nên các ngư dân đã viết đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng của Việt Nam và Indonesia nhờ giải quyết.

Sau nhiều nỗ lực của các cơ quan chức năng hai nước, 2 tàu cá cùng 20 ngư dân đã về đến đảo Lý Sơn.

Theo ông Lê Điều, chủ tàu cá QNg 96279 cho biết: Trong suốt thời gian gần 8 tháng bị tạm giữ trên đất bạn, nếu không có sự đồng cảm, giúp đỡ của các cơ quan chức năng và người dân Indonesia thì 20 ngư dân sẽ không biết sống chết ra sao, vì công ty môi giới đã bỏ mặc họ. Tổn thất về vật chất của 2 tàu cá không thể tính nổi, chỉ riêng các khoản phí phải đóng cho công ty môi giới và tiền nhiên liệu đã trên 2 tỷ đồng, đó là chưa kể những thiệt hại về tinh thần của 20 ngư dân trong suốt gần 8 tháng. Để trả nợ cho chuyến “xuất ngoại” không thành này ông Bùi Hoàng và ông Lê Điều đã phải bán rẻ con tàu cá là tài sản của gia đình mình để trả các khoản nợ vay mượn cho chuyến đi.

Sự việc trên là bài học cho số ngư dân chỉ vì lợi ích trước mắt mà nhẹ dạ cả tin để rồi lâm vào cảnh trắng tay nợ nần chồng chất, vì thiếu hiểu về mặt pháp lý khi đưa tàu cá của mình tham gia khai thác hải sản tại các quốc gia trong khu vực.

Bà Phạm Thị Hương- Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết: Hầu hết số tàu cá của địa phương hợp đồng tham gia khai thác hải sản tại ngư trường nước ngoài đều thông qua môi giới nên chính quyền và các ngành chức năng địa phương không hay biết. Đến khi sự việc đổ bể thì họ mới có đơn kêu cứu.

Hiện nay để giải quyết vấn đề này, UBND huyện chỉ đạo cho các ngành chức năng hướng dẫn ngư dân hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết để các cơ quan chức năng vào cuộc,  bảo vệ quyền lợi cho ngư dân bị hại.

                                                         Văn Mịnh

.