(QNg)- Từ vùng đất bạc màu cằn cỗi, tưởng chừng như việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế sẽ rất khó khăn. Nhưng giờ đây người dân ở khu kinh tế mới thuộc thôn Lương Nông Bắc, xã Đức Thạnh (Mộ Đức) đã có những mô hình hiệu quả cho thu nhập khá cao.
Được nhiều người giới thiệu, chúng tôi đến thăm nhà của anh Nguyễn Thanh Hàng- anh được xem là người đầu tiên ở đây mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa nhiều loại hoa màu có hiệu quả vào canh tác. Qua nhiều năm khó nhọc, cải tạo đất, gia đình anh đã gây dựng nên một cơ ngơi khá khang trang. Anh Hàng cho biết: Trước đây khu vực này là vùng đất cát khô cằn, thiếu nước, bị bỏ hoang lâu ngày, chỉ có một vài cây trồng có sức chống chịu là sống được. Thiên nhiên khắc nghiệt đã khiến cuộc sống người dân nơi đây thêm nỗi nhọc nhằn, vất vả. Người dân phải bôn ba khắp chốn để tìm hướng phát triển kinh tế. Những năm gần đây, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nơi khác, anh cùng với bà con cải tạo đất đưa vào thử nghiệm thành công nhiều loại cây trồng.
Ruộng cà này đã giúp gia đình anh Hàng có nguồn thu nhập ổn định. |
Ban đầu anh chỉ có ý định trồng thử nghiệm, đưa vào trồng các loại cây hoa màu như dưa, cà, rau cải, rau muống, đậu... Nhưng chỉ qua những mùa vụ đầu tiên, thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt, cây hoa màu sinh trưởng và phát triển tốt. Từ thành công này, những năm tiếp theo anh tiếp tục mở rộng diện tích. Mùa nào, cây ấy. Mùa nắng trồng dưa, mùa mưa trồng cà và các loại cây hoa màu khác. Nhờ vậy bình quân anh thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Chỉ vườn cà tím hơn 7 sào đang trong thời kỳ thu hoạch, anh Hàng cho hay: Trước đây mùa này anh trồng rau cải ngọt, rau muống… nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao, hai năm nay anh chuyển sang trồng cà tím, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn, thời gian thu hoạch kéo dài so với nhiều loại rau quả khác. Đặc biệt, đây là loại cây rất thích hợp với vùng đất cát tại địa phương, ngoài ra cây cũng dễ trồng, ít sâu bệnh, ít công chăm sóc, chi phí đầu tư ban đầu thấp, đầu ra tương đối ổn định.
Cà tím sau khi trồng khoảng 60 - 65 ngày là có thể thu hoạch lứa đầu. Thời điểm này ruộng cà của anh đang vào giai đoạn thu hoạch rộ. Cứ 2 ngày hái 1 lần, mỗi lần hái khoảng 500 kg/ngày. Theo nhẩm tính của chúng tôi, với giá bán hiện nay 7.000 đồng/kg cà xô, bình quân gia đình anh thu vào không dưới 3 triệu đồng/ngày- một con số tưởng chừng như không thể có trên vùng đất bạc màu này. "Sắp tới anh sẽ mở rộng diện tích canh tác và tìm hiểu thêm về các loại cây trồng khác phù hợp để đưa vào canh tác"- Anh Hàng dự định.
Thấy được hiệu quả kinh tế của các loại cây hoa màu, bên cạnh cây mía người dân đã bắt đầu chuyển đổi sang trồng cây hoa màu, đặc biệt là cây cà tím. Từ một vài hộ trồng, đến nay đã có hơn hai mươi hộ tham gia.
Với 3 sào đất cát, nhiều năm qua gia đình bà Trần Thị Hoa luôn trăn trở với nhiều loại cây trồng. Hết lời, lại lỗ, gia đình luôn phập phồng khi sản xuất. Hai năm trở lại đây, học hỏi kinh nghiệm từ những hộ trong vùng, vụ mùa năm nay gia đình bà chuyển sang trồng cà tím. “Bây giờ trồng cà sướng lắm, không phải đem lên chợ bán nhỏ lẻ mà các thương lái đem hẳn xe ô tô xuống tận nơi để mua. Cứ 2 ngày thương lái xuống thu mua 1 lần. Mỗi ngày gia đình tôi hái khoảng 70 kg/sào. Tính ra với giá bán hiện nay, mỗi sào tôi thu về 500 nghìn đồng" - bà Hoa phấn khởi.
Bên cạnh cây cà, gia đình bà còn thuê đất của các hộ gia đình đi làm ăn xa để canh tác. Ngoài cây cà, hiện nay gia đình bà có hơn 3 sào đất trồng cây hoa màu các loại.
Theo chính quyền địa phương, cùng với cây mía việc đưa vào sản xuất thành công các loại cây hoa màu trên vùng đất cát bạc màu nơi đây là một bước đi mang tính đột phá. Đây thực sự là hướng đi lý tưởng đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, tạo nên diện mạo mới góp phần vào tiến trình xây dựng nông thôn thôn mới của xã.
Bài, ảnh: Ngọc Đức