Hình thành khu vực thương mại tự do ASEAN: Thách thức đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ

02:10, 03/10/2011
.

(QNg)- Theo lộ trình đã ký kết, đến năm 2015 cộng đồng kinh tế Asean sẽ được hình thành toàn bộ. Đáng chú ý là trong cộng đồng này, về cơ bản mức giảm thuế xuống còn từ 0-5% (nhưng hầu hết là 0%).  Do vậy, khu vực thương mại tự do (FTA) sẽ là thách thức mà các doanh nghiệp (DN) trong nước phải đối mặt trong thời gian tới. Vì thế, việc chuẩn bị ngay từ bây giờ sẽ không thừa.

Những cam kết giảm thuế bắt đầu từ năm 2006, nhưng đến năm 2010 là thời điểm đẩy mạnh tiến trình giảm thuế xuống đến 0, để đến năm 2015 thì các mức thuế về cơ bản là 0%. Theo ông Nguyễn An-Phó Giám đốc Sở Công thương thì, WTO là một khuôn khổ lớn, nhưng FTA còn cao hơn WTO ở chỗ mức thuế cam kết giảm xuống rất nhiều, mức độ mở cửa thị trường cũng cao. Khi đề cập đến FTA là nói đến thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư và các hình thức hợp tác kinh tế khác với nhau…
 
Chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn, cùng với giá thành hạ sẽ là một trong những yếu tố nâng cao tính cạnh tranh.
Chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn, cùng với giá thành hạ sẽ là một trong những yếu tố nâng cao tính cạnh tranh.

Điều đáng lo ngại nữa là khi 90% dòng thuế không còn nữa sẽ khiến cho các DN trong nước gặp cạnh tranh khốc liệt với các hàng hóa của DN các nước trong khu vực. Với khu vực Asean, các DN Quảng Ngãi chưa tận dụng được nhiều cơ hội vì đà tăng trưởng xuất khẩu của ta cơ bản vẫn là sang Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản hơn là sang các nước có Hiệp định FTA với Asean nhưng lại nhập khẩu dữ dội nhất từ các nước này, như Indonesia, Thái Lan...

Theo số liệu thống kê của ngành công thương, tính từ năm 2006 khi Việt Nam bắt đầu gia nhập FTA với các nước trong khu vực Asean, thì hiện nay chỉ có khoảng 30% DN tận dụng được các cơ chế ưu đãi thuế quan trọng các FTA. Nhưng trong đó, đa phần là các DN có vốn đầu tư nước ngoài còn bản thân các DN trong nước không tận dụng được mấy.

Theo các chuyên gia kinh tế, các FTA mà Việt Nam tham gia hiện nay đang tạo ra áp lực ngày càng lớn cho các DN trong nước và các ngành kinh tế của Việt Nam trong tương lai, đặc biệt là giai đoạn từ nay đến năm 2015 (mốc cuối cùng mà chúng ta thực hiện giảm thuế cho 90% dòng thuế xuống mức 0% với các nền kinh tế lớn xung quanh Việt Nam). Điều này gây nên áp lực cho các ngành sản xuất và các DN trong nước.
 
Ngoài việc doanh nghiệp vừa và nhỏ nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh, Nhà nước xây dựng những hàng rào kỹ thuật cần thiết cũng là khâu quan trọng giúp doanh nghiệp cạnh tranh, phát triển.
Ngoài việc doanh nghiệp vừa và nhỏ nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh, Nhà nước xây dựng những hàng rào kỹ thuật cần thiết cũng là khâu quan trọng giúp doanh nghiệp cạnh tranh, phát triển.

Với Quảng Ngãi, tỉnh hiện có 2.700 DN nhưng số DN vừa và nhỏ chiếm khoảng 90%. Chính vì thế, công cụ quan trọng hàng đầu hiện nay là tạo ra một môi trường kinh doanh tốt và kêu gọi các DN nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Trong quá trình vươn lên để cạnh tranh, các DN phải tự mình nỗ lực không ngừng để nâng cao chất lượng sản phẩm, đạt được các điều kiện về tiêu chuẩn của sản phẩm để đáp ứng cho cả thị trường trong nước cũng như thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần chú ý tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và tạo điều kiện để hỗ trợ các DN.

Việc xây dựng những hàng rào kỹ thuật cần thiết cũng là khâu quan trọng. Những hàng rào kỹ thuật sẽ góp phần ngăn chặn những sản phẩm có chất lượng kém từ bên ngoài vào. Đây không chỉ là điều để các DN trong nước phấn đấu và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng trong nước mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam.

Bài, ảnh: Hoàng Triều 

.