Hiệu quả của mô hình nuôi heo ky tại Trà Bồng

01:10, 09/10/2011
.

(QNg)- Trong năm 2010, nhờ nguồn vốn đầu tư từ Chương trình 30a, huyện Trà Bồng đã thực hiện mô hình nuôi heo ky (heo rừng lai) cho nông dân tại 2 xã vùng cao là xã Trà Thủy và Trà Sơn. Sau 10  tháng triển khai, đến nay mô hình đã phát huy hiệu quả.

Mô hình nuôi heo ky có 16 hộ nông dân tham gia, chia làm 4 nhóm (mỗi nhóm 4 hộ), trong đó có 2 nhóm thuộc xã Trà Sơn và 2 nhóm thuộc xã Trà Thủy. Đây là những gia đình thuộc diện hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, có khả năng thực hiện mô hình thành công được chọn từ thôn, xã. Tổng kinh phí thực hiện mô hình 50 triệu đồng.
 
Trà Bồng Ông Đinh Thanh Hiền - Một nông dân tham gia mô hình tại thôn Đông - xã Trà Sơn đang cho heo ky ăn.
Ông Đinh Thanh Hiền - Một nông dân tham gia mô hình tại thôn Đông - xã Trà Sơn đang cho heo ky ăn.

Thời gian đầu mô hình triển khai gặp không ít khó khăn, bởi phần lớn hộ nông dân tham gia đều là hộ nghèo và chưa nắm rõ kỹ thuật về chăn nuôi. Bên cạnh đó nhận thức của người dân miền núi còn hạn chế, chưa thấy được lợi ích và hiệu quả kinh tế của việc nuôi heo Ky, nhất là việc thay đổi tập quán chăn nuôi của nông dân còn nhiều nan giải. Xác định được những trở ngại đó, nên trong thời gian triển khai mô hình tại địa phương, Trạm khuyến nông huyện đã phối hợp với Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư tỉnh mở 2 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng heo ky cho người nuôi; đồng thời tổ chức cho các hộ tham gia mô hình đi tham quan mô hình nuôi heo ky đạt hiệu quả tại huyện Nghĩa Hành. Cùng với đó, Trạm còn tiến hành cấp 16 con giống,  hỗ trợ thức ăn cho các hộ tham gia.

Qua 10 tháng triển khai, đến nay mô hình đã đạt được hiệu quả rất khả quan so với việc chăn nuôi các giống vật nuôi khác. Số heo ky giống sinh trưởng và phát triển tốt (đã đẻ 2 lứa và hiện tại đang chửa lứa thứ 3).  Trao đổi về việc nuôi heo ky, Ông Đinh Thanh Hiền - Một nông dân tham gia mô hình tại thôn Đông - xã Trà Sơn cho biết: "Trước đây gia đình tôi chủ yếu nuôi bò, sau khi được xã phổ biến về mô hình này, tôi nghĩ heo ky là loại heo có giá trị kinh tế cao, lại không cầu kỳ trong cách chăm sóc nên tôi mạnh dạn đăng ký nuôi. Đến nay sau 10 tháng, 3 con heo cái giống đã đẻ 2 lứa với 24 con, dự kiến lứa heo đầu tiên năm nay tôi thu lãi trên 50 triệu đồng".

Còn hộ ông Nguyễn Ngọc Sĩ (ở thôn 2, xã Trà Thủy) thì phấn khởi chia sẻ: "Năm trước gia đình tôi thuộc hộ gia đình cận nghèo, nhưng năm nay nhờ tham gia mô hình nuôi heo Ky đạt hiệu quả rất cao, tôi rất mừng. Năm nay gia đình chắc sẽ thoát khỏi danh sách hộ nghèo và có của ăn của để". Được biết, Mô hình nuôi heo ky được thực hiện theo hình thức quay vòng với 4 hộ trong một nhóm. Hộ đầu tiên sẽ nhận nuôi một con đực và 3 con cái giống, thực hiện có hiệu quả thì sẽ chuyển 4 con giống mới cho hộ tiếp theo, cứ như thế quay vòng 4 hộ.

Theo đánh giá của Trạm khuyến nông huyện Trà Bồng, mô hình nuôi heo ky ở xã Trà Sơn và Trà Thủy đã thu được kết quả rất khả quan. Giống heo ky  là giống heo phù hợp với điều kiện chăm sóc và nuôi dưỡng tại địa phương, ít tốn công chăm sóc và  thức ăn thì có sẵn. Với điều kiện chăm sóc tốt, mỗi năm một con cái có thể đẻ 3 lứa (mỗi lứa đẻ từ 4 đến 6 con), tính thu nhập mỗi hộ trong mô hình, thu lãi từ 40 -60 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Công Hòe - Phó Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Trà Bồng cho biết thêm: "Trong thời gian tới, để nhân rộng mô hình, vừa tạo điều kiện phát triển chăn nuôi, Trạm khuyến nông huyện sẽ tiến tục xin kinh phí, triển khai  mô hình nuôi heo ky và gà Hmông tại các xã khác,  góp phần thực hiện tốt và hiệu quả Chương trình 30a về việc chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi, nâng cao chất lượng sản xuất chăn nuôi và kinh tế cho người dân".

Có thể nói mô hình nuôi heo ky tại huyện Trà Bồng bước đầu đã phát huy hiệu quả, phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại địa phương, giúp cho người nông dân có định hướng làm giàu ngay tại địa phương, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế hộ gia đình tại địa phương.                      
 
Thúy Hằng

.