Chủ trương hạ lãi suất cho vay: Chỗ thực hiện, nơi bất động

06:10, 02/10/2011
.

(QNg)- Đồng thuận với chủ trương giảm lãi suất cho vay về mức 17-19%/năm trong tháng 9/2011 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhiều tổ chức tín dụng đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay. Điều này đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) mạnh dạn tiếp cận với nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh. Thế nhưng vẫn còn ngân hàng dửng dưng với chủ trương này.

Mới đây, Vietcombank Quảng Ngãi đã ký hợp đồng tín dụng trên 300 tỷ đồng cho Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi đầu tư Dự án Nhà máy sữa đậu nành Vinasoy Tiên Sơn-Bắc Ninh. Dự án này (có tổng vốn đầu tư trên 753 tỷ đồng, tổng công suất 180 triệu lít, giai đoạn 1 là 90 triệu lít/năm) là dự án lớn đầu tiên được Vietcombank Quảng Ngãi triển khai cho vay theo quyết định hạ lãi suất mới được NHNN công bố.
 
Khách hàng giao dịch tại VCB Quảng Ngãi.
Khách hàng giao dịch tại VCB Quảng Ngãi.

Bà Phạm Thị Thúy Kiều-Giám đốc VCB Quảng Ngãi cho biết: Lãi suất của hợp đồng này sẽ thực hiện theo tiến độ giải ngân, với mức giảm hơn nhiều so với trước đây. Bà Kiều cho biết thêm, thật ra các khách hàng DN của VCB Quảng Ngãi vẫn được đảm bảo cho vay từ đầu năm dù ngành thực hiện chính sách thắt chặt tín dụng. Có chăng cái được lớn nhất sau khi thực hiện hạ lãi suất là DN sẽ đỡ vất vả hơn trong trả lãi vay cho ngân hàng.

Cũng như VCB Quảng Ngãi, Ngân hàng Đầu tư&Phát triển-Chi nhánh Quảng Ngãi (BIDV Quảng Ngãi) triển khai điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ khá sớm (bắt đầu ngày 7/9). Về lãi suất cho vay VNĐ, BIDV kiểm soát lãi suất cho vay ngắn hạn không quá 18,0%/năm, cho vay trung dài hạn không quá 19,0%/năm. Ông Nguyễn Văn Đông-Giám đốc BIDV Quảng Ngãi cho hay: Kể từ khi hạ lãi suất cho vay, số dư nợ của chi nhánh đã tăng lên bởi khách hàng đã mạnh dạn hơn trong việc vay vốn do lãi suất hạ. BIDV tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn theo kế hoạch, đảm bảo đáp ứng cao nhất cho nhu cầu tín dụng phục vụ phát triển kinh tế và đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định.

Nhìn chung, thực hiện hạ lãi suất cho vay được các ngân hàng trên địa bàn tỉnh áp dụng cho các khách hàng là DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn, xuất khẩu, DN vừa và nhỏ. Việc ủng hộ chủ trương giảm lãi suất, ngân hàng có thể hoạt động sẽ khó khăn hơn, hiệu quả kinh doanh từ tín dụng có thể thấp hơn. Khó khăn này không mới, bởi nó đã có từ cuối năm 2009 đến nay.

Thực tế theo dõi tình hình trong năm nay thì thấy, ngân hàng cũng phải chịu một áp lực lớn trong bối cảnh nền kinh tế mới dần hồi phục. Song đổi lại ngân hàng sẽ đẩy mạnh tín dụng, mở rộng thị phần và khách hàng. Hơn nữa, đây là giai đoạn mà các ngân hàng cần chia sẻ nhiều hơn với các khách hàng, nhất là các DN ở khu vực sản xuất và xuất khẩu, nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Với chính sách điều hành thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì các ngân hàng phải đồng hành.

Việc NHNN chỉ đạo hạ dần lãi suất cho vay về 17-19%/năm là một tín hiệu đáng mừng để khai thông thị trường, gỡ nút thắt cho sản xuất kinh doanh. Chủ trương hạ lãi suất nhìn chung được nhiều ngân hàng hưởng ứng song vẫn còn một số "nhà băng" đứng ngoài cuộc. Ngân hàng Việt Á-Chi nhánh Quảng Ngãi là một ví dụ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Vũ Ban-Phó Giám đốc Ngân hàng Việt Á, Chi nhánh Quảng Ngãi chỉ thừa nhận ngắn gọn, thực tế hiện nay chi nhánh chưa thực hiện việc giảm lãi suất cho vay xuống 17-19% do chưa có lệnh từ "tổng". Qua tìm hiểu của chúng tôi thì tùy thuộc số vốn huy động trước đây, tùy thuộc vào đối tượng khách hàng, lĩnh vực kinh doanh sản xuất rủi ro thấp hay cao…, Ngân hàng Việt Á sẽ đưa ra mức lãi suất cho vay khác nhau, nhưng cho vay với lãi suất 17-19% là cực kỳ hiếm.

 Bài, ảnh: Thanh Như

.