(QNĐT)- Để giải quyết tình trạng mì dồn ứ do người dân đồng loạt thu hoạch để tránh hư hỏng, hai nhà máy mì Tịnh Phong và Sơn Hải phải chạy vượt công suất liên tục 100 tấn/ngày/nhà máy. Điều này cũng đồng nghĩa là chất xả thải của hai nhà máy ra môi trường sẽ không đảm bảo.
TIN LIÊN QUAN |
---|
* Dân kêu trời
Từ nhiều ngày qua, trước cổng Nhà máy mì Tịnh Phong là hàng trăm xe tải chở đầy củ mì đậu ken kín, đang chờ bán, với số lượng khoảng 200 chiếc/ngày.
Ông Huỳnh Thanh Quân, ở xã Bình Minh, huyện Bình Sơn, than thở: Chờ đã 3 ngày rồi mà vẫn chưa cân được. Với lượng mì dồn ứ nhiều như vậy, không biết đến bao giờ mới được nhà máy thu mua.
Hàng trăm xe mì đang đứng đợi để bán ngoài cổng Nhà máy Mì Tịnh Phong. |
Thời gian gần đây, do thấy giá mì lên cao, có thời điểm được Công ty Cổ phần Nông sản thực phẩm (C.ty Cp NSTP) Quảng Ngãi, đơn vị chủ quản hai nhà máy chế biến mì (gọi tắt là NM Mì) Tịnh Phong và Sơn Hải, thu mua trên 2.200 đồng/kg cho củ đạt 30 độ bột, vì vậy người dân đã ồ ạt trồng mì.
Theo đó diện tích mì của vụ năm nay đã lên ước khoảng 16.000ha, tăng 30% so với vụ trước. Mặt khác trong 4 ngày qua, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên trời mưa lớn kéo dài. Người dân lo sợ giảm sút độ bột của củ nên ồ ạt thu hoạch, dẫn đến tình trạng nhà máy thu mua không kịp, làm lượng mì bị dồn ứ tăng lên gấp nhiều lần.
Và điều mà nhiều người dân bức xúc nữa là chuyện trừ tạp chất của nhà máy. Theo đó tỉ lệ trừ từ 8-9% vào thời điểm đầu vụ, thì nay con số này lên đến 20%. Và với tỉ lệ này thì mỗi tấn mì, bị nhà máy trừ 200kg.
* Nhà máy “ứ hơi’
Để chủ động giải quyết thu mua mì cho dân, vụ này Nhà máy mì Tịnh Phong đã hoạt động từ đầu tháng 8, sớm hơn so với vụ trước khoảng 1 tháng. Bên cạnh đó từ chỗ công suất chế biến nhà máy mì Tịnh Phong là 700 tấn/ngày, Sơn Hải là 350 tấn/ngày, đã được nâng lên thêm 100 tấn/ngày/nhà máy.
Thế nhưng với lượng mì mà người dân chở về tại Tịnh Phong có lúc lên đến 2.000 tấn/ngày, còn Sơn Hải là 600 tấn/ngày, thì không thể nào thu mua và chế biến kịp.
Một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng mì ứ là do mấy năm trước, ở vùng phía bắc của tỉnh, thì người dân bán cho một số nhà máy ở tỉnh Quảng Nam; còn phía nam thì bán cho tỉnh Bình Định. Tuy nhiên do năm nay, giá mua của các nhà máy chế biến tỉnh bạn thấp hơn của công ty, nên nông dân “ưu tiên” bán cho NM ở Quảng Ngãi.
* Đối mặt với “án phạt” vì tội gây ô nhiễm
Việc nhà máy chạy vượt công suất kéo dài để tăng lượng mì thu mua cho nông dân, không những làm nhà máy dễ xảy ra trục trặc, hỏng hóc, mà còn đối mặt với tình trạng gây ô nhiễm môi trường.
Ông Trần Ngọc Hải- Phó TGĐ C.ty Cp NSTP Quảng Ngãi, kiêm Giám đốc hai nhà máy mì Tịnh Phong và Sơn Hải, than thở: Để đảm bảo môi trường trong quá trình sản xuất, công ty đã đầu tư nhiều tỉ đồng để xây dựng, lắp đặt thiết bị và hiện đại hoá cho hệ thống xử lý xả thải cho hai nhà máy. Thế nhưng việc xả thải chỉ đảm bảo khi nhà máy vận hành đúng, chứ không phải hoạt động vượt công suất như hiện nay. Tuy nhiên nếu không chạy vượt công suất, thì tình trạng mì dồn ứ sẽ trầm trọng hơn. Và người chịu thiệt chính là nông dân.
Theo ông Hải, chỉ tính từ đầu tháng 8 đến nay, đặc biệt là trong vòng 1 tuần qua, nhờ chạy vượt công suất mà hai nhà máy đã giải quyết mua thêm gần 10.000 tấn mì cho nông dân, tương đương với khoảng 500 ha, với tổng số tiền khoảng 15 tỉ đồng.
Để tránh “án phạt” vì tội gây ô nhiễm môi trường do nhà máy gây ra, vừa rồi lãnh đạo công ty đã có văn bản giải trình gửi UBND tỉnh về việc này. Tuy nhiên nếu không được thông cảm, thì nhà máy đành chịu, chứ không thể để nông dân phải chịu thiệt.
Còn việc tăng tỉ lệ trừ tạp chất, là do nhà máy đang tập trung thu mua mì ở vùng bị ngập. Mà chất lượng củ ở những nơi này thì bị thối rất nhiều. Việc đưa ra tỉ lệ tạp chất tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể, chứ không phải đánh đồng toàn bộ như người dân phản ánh, ông Hải giải thích
Công Hoàng