* TRẦN ĐĂNG
(QNĐT)- Tháng 7/2009, tại buổi lễ khởi công xây dựng Nhà máy điện Lý Sơn, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Than-khoáng sản (TKV)- chủ đầu tư, hứa như đinh đóng cột: “Cuối năm 2011, Lý Sơn sẽ có điện 24/24”. Thế nhưng, suốt hai năm qua, những gì mà TKV để lại trên hòn đảo này chỉ là hai dãy nhà ngổn ngang cát đá cùng 5 hécta đất đầy cỏ dại.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Điện-đêm có đêm không
Huyện đảo Lý Sơn có 3 xã nhưng chỉ 2 xã là có điện, riêng xã An Bình (đảo Bé) thì hoàn toàn đèn dầu. Với công suất 1,2 MW, Nhà máy điện Lý Sơn hiện tại vẫn không thể đáp ứng được nguồn điện ổn định cho 22 ngàn dân của 2 xã An Vĩnh, An Hải. Mỗi ngày, nhà máy hoạt động từ 17h đến 23h, nhưng chỉ phục vụ luân phiên mỗi xã một đêm. Thế nhưng, mỗi năm, nhà nước phải bù lỗ cho nhà máy này 11 tỷ đồng.
Vì thiếu điện nên mọi hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân Lý Sơn vô cùng thiếu thốn và gặp rất nhiều bất lợi. Bất lợi rõ nhất là mặc dù mở tuyến du lịch Lý Sơn đã nhiều năm nay nhưng lượng du khách ra đảo và lưu lại đây rất ít do hệ thống nhà nghỉ, khách sạn thiếu điện, không đáp ứng nhu cầu ở lại của khách.
Việc học tập của học sinh ở đảo cũng gặp khó khăn vì không có điện nên khái niệm máy vi tính với các em hãy còn xa lạ. Nông dân muốn tưới trên 300 hecta tỏi của đảo cũng phải dùng máy bơm chứ không thể dùng điện được. Trước bức xúc về điện cho Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã nhiều lần kêu gọi các nhà đầu tư về Lý Sơn để xây dựng hệ thống điện cho hòn đảo này. Không ít nhà đầu tư, kể cả nước ngoài đã về Lý Sơn để khảo sát nhằm xây dựng hệ thống phong điện nhưng bất thành. Tập đoàn Than-khoáng sản là doanh nghiệp đã được chấp thuận để đầu tư hệ thống điện tại đây. Thế nhưng…
Bôi ra rồi bỏ đó
Tháng 7/2009, TKV đã tổ chức buổi lễ khởi công rầm rộ tại Lý Sơn và hứa là sau hai năm rưỡi (cuối năm 2011), nhà máy điện chạy bằng than, công suất 6MW, trị giá gần 250 tỷ sẽ hoàn thành, không để tình trạng “đêm có đêm không” như lâu nay nữa.
Sau 2 năm triển khai, TKV chỉ xây được 2 dãy nhà dở dang này. Ảnh: T.Đ |
Phấn khởi trước thông tin này, 5 hécta đất tại xã An Hải đã được người dân nhường cho dự án. TKV đã bắt tay vào xây dựng tường rào và hai dãy nhà làm việc (mới xong phần vỏ rồi bỏ dở). Từ một năm nay, dự án gần như “đứng bánh” mà không biết lí do gì.
Bà Nguyễn Thị Lưỡng, một trong những hộ dân đã nhường đất cho dự án, nói: “Đất ở Lý Sơn rất hiếm, nhưng vì nghe nói xây nhà máy điện nên chúng tôi vui vẻ nhường đất thôi, số tiền mà Nhà nước đền bù hai sào đất trồng tỏi ấy (trên 30 triệu), nay cũng hết rồi mà nhà máy thì chẳng thấy đâu. Nếu không xây nhà máy thì trả lại đất cho dân để trồng tỏi chứ bỏ hoang thế này phí quá”.
Ông Trần Ngọc Nguyên- Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho hay: “Huyện cũng không rõ lý do vì sao dự án không triển khai, chúng tôi chỉ nghe nói (không chính thức) là TKV và EVN (điện lực) chưa thống nhất về giá bán điện. Tuy nhiên, nhà máy thì chẳng thấy đâu mà sao đưa ra “giá” lúc này?”.
Tại buổi công bố quy hoạch điện tỉnh Quảng Ngãi từ nay đến năm 2020 được tổ chức hồi tháng 8.2011, một số nhà quản lý đã đưa ra giải pháp là kéo cáp ngầm từ đất liền ra. Giá thành so với xây nhà máy điện chạy bằng than thì cũng không quá chênh lệnh (nhà máy điện chạy than vốn đầu tư khoảng 250 tỷ, nếu kéo cáp thì khoảng 300 tỷ), trong khi đó, Lý Sơn sẽ tránh được nguy cơ ô nhiễm môi trường từ nhà máy chạy bằng than này.
Sẽ không thể lường hết độ nguy hại của xỉ than khi hàng ngàn tấn xỉ được trút quanh rìa đảo trong những năm tới! Vả lại, chạy bằng than, công suất 6MW thì đến năm 2020, Lý Sơn vẫn thiếu điện, trong khi kéo cáp ngầm ra đảo thì nguồn điện sẽ ổn định hơn.
Trong khi chờ một giải pháp khả thì cho điện ở Lý Sơn, hơn hai vạn dân vẫn chập chờn mỗi đêm vì thiếu điện, 5 hécta đất để xây nhà máy tiếp tục cỏ mọc./.