(QNg)- A lô! Anh em cũng khoẻ chứ? Đó là âm thanh ngọt ngào của chị em gác đài canh Icom ở xã Nghĩa An (Tư Nghĩa).
Đến thôn Tân Thạnh vào những ngày vụ mùa, những đài canh này hàng ngày hối hả nối sóng từ đất liền ra Hoàng Sa và Trường Sa. Để giữa khơi xa và đất liền luôn có cầu nối, những đài canh Icom do các ngư dân tự hùn tiền mua sắm được thành lập. Đàn ông đi biển, thế nên việc quản lý đài canh này giao cho vợ các ngư dân trông coi và quản lý.
Chị Trần Thị Ẩm đang vào phiên liên lạc qua máy Icom. |
"A lô! Anh em cũng khoẻ chứ?" Trong căn nhà nhỏ nằm ven bãi biển của xã Nghĩa An, âm thanh từ đài canh Icom của chị Lê Thị Muội đang nối sóng ra đoàn tàu 10 chiếc ngoài khơi. Âm thanh từ ngôi nhà này đã trở nên quen thuộc với mọi người từ nhiều năm nay.
Cũng như phụ nữ khác ở làng biển này, hàng ngày bên cạnh việc nội trợ và chăm sóc con cái, mỗi ngày chị Muội lên Icom 3 phiên, để liên lạc với đoàn tàu ngoài khơi. Vào những ngày bão tố, đài canh Icom của chị mở cả ngày lẫn đêm. Tại nhà chị, vợ con các ngư dân đến tụ tập để nghe thông tin từng giờ về chồng con đang lênh đênh trên biển khơi. Mỗi chị đều phải hoàn thành phận sự của người phụ nữ ở nhà, để chồng con an tâm bám biển.
Cách đó không xa là đài canh Icom của ngư dân Lê Thị Đính. Hàng ngày chị có nhiệm vụ giữ liên lạc với đoàn tàu gồm 10 chiếc hành nghề lưới chuồn, trên tàu có hơn 100 ngư dân đang hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thấu hiểu cuộc sống khó khăn và vất vả của các ngư dân trên biển, chị Đính và vợ con các ngư dân trong đất liền thường xuyên động viên và chia sẻ nỗi khó khăn với ngư dân. Khi tàu cá hành nghề trên biển bị chết máy, chị Đính và vợ các ngư dân mời thợ máy đến và lên sóng Icom để hướng dẫn họ việc sửa chữa đơn giản. Nếu tàu thuyền bị hư hỏng nặng, thì liên hệ thợ máy mua phụ tùng, sau đó tìm thuyền gởi linh kiện ra biển để sửa chữa.
Bình thường một đài canh Icom cộng đồng khó có thể kiểm soát và đeo bám thông tin về từng chiếc tàu của địa phương hành nghề tại vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Khi tàu bị nạn, việc phát hiện thường phải mất nhiều thời gian, việc huy động ngư dân để tiếp ứng thường diễn ra chậm. Chính vì vậy các đài canh được thành lập, do các chị điều hành và quản lý từng nhóm tàu cá, góp phần nâng cao sự an toàn cho các ngư dân địa phương khi ra khơi đánh bắt.
Còn tại một ngôi nhà nằm sát bãi biển, tiếng của một người phụ nữ với chất giọng miền Nam lại đều đặn vang lên. Đó là đài canh Icom của chị Trần Thị Ẩm. Chị Ẩm vốn là một người con gái sinh ra ở Nha Trang. Từ khi về làm dâu tại xã Nghĩa An, chị cáng đáng luôn cả công việc trực đài canh Icom tầm xa. Để ngư dân an tâm vươn ra khơi xa bám biển, chồng chị đã thành lập nhóm đánh bắt gồm 9 tàu cá. Vậy là hàng ngày chị Ẩm đều đặn lên sóng, để liên lạc với 9 tàu cá này. "Nói chung là chồng đi xa thì mình phải gánh bớt phần nào công việc cho mấy ổng" - chị Ẩm nói về công việc liên lạc hàng ngày của mình với các ngư dân trên biển.
Bình quân một đài canh Icom giữ liên lạc với 10 tàu cá. Hàng ngày qua mạng Internet trong xóm, các chị nắm chắc tọa độ di chuyển của áp thấp nhiệt đới, từ đó thông báo ra khơi cho đoàn tàu. Việc nối sóng ngoài khơi với đất liền đã góp phần kết nối thông tin về tình hình biển đảo. Ngư dân trên biển trở thành những tai mắt cung cấp thông tin cho đất liền, đảm bảo yêu cầu vừa phát triển kinh tế gắn với bảo vệ biển đảo. Ông Nguyễn Đăng Thuyên, một ngư dân hành nghề nhiều năm trên biển nói về đài canh Icom của các chị: "Nói chung, đi xa mà có mấy bà vợ trong đất liền động viên, anh em ngoài biển thấy cũng đỡ nhiều lắm chớ. Ngoài khơi có chuyện gì thì đất liền biết ngay tức khắc".
Bài, ảnh: THANH TRUNG