Rau sạch ở vùng qui hoạch, cần được công nhận thương hiệu

10:08, 26/08/2011
.

(QNĐT)- Chi phí đầu tư cao, nhưng do chưa được cơ quan chuyên môn chứng nhận đạt tiêu chuẩn, vì vậy sản phẩm làm ra chưa được người tiêu dùng chấp nhận, nên phải bán giá bình thường… làm cho hàng trăm hộ nông dân trồng rau sạch trong tỉnh gặp nhiều khó khăn.

Sự khởi đầu đáng ghi nhận

Cùng với một số vùng trồng rau khác ở các huyện: Sơn Tịnh, Bình Sơn, Tư Nghĩa, vào năm 2006 khoảng 14ha/300ha đất trồng rau, quả ở thôn 2 và thôn 6 của xã Nghĩa Dũng, được UBND TP. Quảng Ngãi, qui hoạch thành vùng chuyên canh rau an toàn (rau sạch) của tỉnh.

Ông Võ Sỹ Đạt- Chủ tịch Hội Nông dân TP. Quảng Ngãi, cho biết: Từ đó đến nay, chỉ riêng Thành hội, năm nào cũng phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong tỉnh và thành phố để mở từ 3-5 lớp tập huấn, bồi dưỡng về qui trình sản xuất rau sạch cho các hộ trồng rau trong vùng. Cùng thời gian trên HTX Sản xuất và Kinh doanh rau an toàn của xã Nghĩa Dũng, TP. Quảng Ngãi, cũng được thành lập, với 220 xã viên.
 
 Một trong những vùng trồng rau sạch ở Nghĩa Dũng
Một trong những vùng trồng rau sạch ở Nghĩa Dũng.

Ông Cao Thanh Vân, Chủ nhiệm HTX, tâm sự: Ngay sau khi ra đời, để quảng bá và cung cấp sản phẩm rau sạch của Nghĩa Dũng đến người tiêu dùng, HTX đã tổ chức thí điểm 3 quày bán rau sạch ở tại Tp. Quảng Ngãi. Tuy là mới, nhưng số lượng rau tiêu thụ tại các quày tương đối khá, với mức từ 1,5-2 tạ rau, củ, quả các loại/ngày/quày.

Rau sạch, nhưng giá bán như rau thường

Lão nông Nguyễn Em (60 tuổi), ở thôn 6, than thở: Cùng diện tích là 1 sào (500m 2), nếu áp dụng qui trình trồng rau sạch tuy năng suất có cao hơn chút đỉnh, thế nhưng tốn nhiều thời gian và công chăm sóc, chi phí đầu tư cao hơn so với trồng bình thường từ 10-30%, tuỳ loại.

Cụ thể như trồng cải ngọt theo cách bình thường tiền đầu tư từ 550-700.000 đồng/sào/vụ; trong khi đó nếu trồng theo qui trình rau sạch thì từ 1-1,5 triệu đồng/sào/vụ. Tương tự là cà pháo, trồng bình thường thì tốn từ 1,5-2 triệu đồng/sào/vụ, còn trồng theo qui trình sạch chi phí khoảng 3 triệu đồng/sào/vụ. Thế nhưng một thời gian sau, do hoạt động kém hiệu quả nên các điểm bán lẻ giảm dần hiện chỉ còn lại 1 quày.

Hệ thống bán lẻ ít, nhưng số lượng làm ra lớn, vì vậy để tiêu thụ người dân đành đem ra chợ để bán với giá như những loại rau, củ, quả trồng bình thường.

Chị Nguyễn Thị Nhân (36 tuổi), ở thôn 2, còn cho biết: Nhiều loại rau sạch do không được sử dụng một số loại thuốc kích thích nên màu sắc, hình thức kém bắt mắt hơn so với trồng bình thường, vì vậy bị người tiêu dùng chê,  mua giá thấp hơn.

Đâu là nguyên nhân

Ông Vân, thẳng thắn: Việc qui hoạch, hướng dẫn áp dụng kĩ thuật sản xuất… thì rất tốt; thế nhưng khâu quảng bá sản phẩm, đặc là việc hỗ trợ và hướng dẫn cho người dân làm các thủ tục để được cấp chứng nhận là sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thì chưa. Dẫn đến sản phẩm ở những vùng được qui hoạch trồng rau an toàn trong tỉnh chưa được người tiêu dùng chấp nhận.

Nhiều doanh nghiệp đã tìm đến đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm, với số lượng rất lớn. Thế nhưng sau khi được biết rau làm ra vẫn chưa được cơ quan chứng năng công nhận, nên họ lẳng lặng rút lui. Vùng rau sạch có cũng như không, nên HTX chưa giải thể cũng tự rã đám và chỉ tồn tại trên giấy. 

Ông Võ Sỹ Đạt- Chủ  tịch Hội Nông dân TP. Quảng Ngãi, bày tỏ: Vấn đề này đã được Hội nhiều lần phản ánh lên trên, nhất là việc hỗ trợ cho người trồng xây dựng thương hiệu và công nhận chất lượng rau an toàn ở những vùng đã qui hoạch. Thế nhưng vẫn chưa được khắc phục. Được biết đã có nhiều hộ trồng rau an toàn đã bỏ, để trở về cách trồng cũ. Và đây cũng là tình trạng chung của những vùng đã được qui hoạch thành vùng chuyên canh rau an toàn trong tỉnh hiện nay.

                        Công Hoàng

.