(QNg)- Mặc dù đang là thời điểm sản xuất vụ hè thu, nhưng hàng chục hộ nông dân ở xã Phổ Quang (Đức Phổ) đành ngậm ngùi bỏ ruộng hoang, vì bị nhiễm mặn trầm trọng.
Đứng nhìn đám ruộng bỏ hoang, ông Huỳnh Thọ ở thôn Phần Thất lo lắng: "Nhà chỉ có 3 sào ruộng, nhưng năm nay đều bị nhiễm mặn hết. Vụ này coi như mất trắng rồi. Mấy chục năm gắn bó với ruộng đồng chưa bao giờ tôi thấy tình trạng mặn xâm nhập mạnh như thế này". Cùng cảnh ngộ với ông Thọ, hơn 3,5 sào ruộng của gia đình ông Huỳnh Đủ (thôn Phần Thất) cũng bị nhiễm mặn trầm trọng. Ông Đủ than: "Dân nông chúng tôi bám đồng, bám ruộng mà sống. Mất ruộng chúng tôi không biết lấy gì mà canh tác, lấy gì mà sống?"...
Ruộng nhiễm mặn bị bỏ hoang ở xã Phổ Quang. |
Qua tìm hiểu của chúng tôi, không riêng gì gia đình ông Thọ, ông Đủ mà hàng chục hộ dân ở xã Phổ Quang cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Huỳnh Tấn Kia- Quyền Chủ nhiệm HTX nông nghiệp xã Phổ Quang cho biết: Tình trạng ruộng nhiễm mặn ở xã diễn ra từ nhiều năm trước, nhưng chưa có năm nào lại trầm trọng như bây giờ. Mấy năm trước diện tích bị ảnh hưởng rất ít, nhưng năm nay do thủy triều lên cao gấp nhiều lần so với mọi năm, nên không đắp đập ngăn mặn được. Do nước mặn ở quá lâu, nên khi đắp được đập thì những diện tích bị nước mặn xâm nhập không thể cứu vãn được. Toàn xã có trên 90 ha ruộng, nhưng đã có trên 10 ha bị nhiễm mặn đành phải bỏ hoang trong vụ hè thu này, khiến cho trên 50 hộ nông dân "ăn không ngồi rồi". Để mưu sinh, nông dân phải tự xoay xở tìm nhiều kế sinh nhai khác nhau...
Nhằm ngăn chặn nước mặn xâm nhập vào đồng ruộng và giữ nước ngọt, hàng năm địa phương phải huy động nhân dân đóng góp tiền, ngày công lao động để đắp đập ngăn mặn.
Xã Phổ Quang có 2 đập ngăn mặn lớn là đập ngăn mặn An- Quang (dài 95 mét) và đập cát nằm ở thôn Du Quang (dài 75 mét). Tháng 4 hằng năm đập được đắp lại một lần. Vì làm bằng thủ công, nên tuổi thọ của đập cũng rất ngắn (thường chỉ được 3 tháng). Đến mùa mưa bão đập lại hư hỏng, năm sau lại phải đắp tiếp. Theo tính toán của ông Kia năm nay để đắp 2 đập này địa phương phải bỏ ra trên 160 triệu đồng. Trong nhiều năm qua, nhân dân phải đóng góp hàng tỷ đồng chỉ để phục vụ cho công tác đắp đập. Đây là một con số không nhỏ đối với bà con nông dân địa phương.
"Để lấy kinh phí đắp đập ngăn mặn thì phải thu tiền của xã viên HTX hằng năm. Năm nay HTX thu các xã viên 35 nghìn đồng/sào. Dân cũng than lắm, nhưng biết sao được. Địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị chính quyền cấp trên sớm đầu tư cho địa phương xây đập ngăn mặn nhưng đã nhiều năm qua vẫn chưa thấy động tĩnh gì"- ông Kia cho biết: Toàn xã Phổ Quang có 40% dân số sống nhờ làm ruộng. Nếu cứ đà ảnh hưởng mặn trầm trọng kéo dài như thế này thì chắc chắn số diện tích ruộng bị nhiễm mặn sẽ không dừng lại ở con số này mà có thể ảnh hưởng đến 50- 70% diện tích ruộng ở xã Phổ Quang trong những năm sau. Khi ấy, đời sống của người dân làm ruộng không biết sẽ ra sao? Chúng tôi rất mong Nhà nước sớm đầu tư xây dựng đập để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân sớm ổn định và phát triển sản xuất.
Ngọc Đức