Nhà máy đường Phổ Phong: Phát triển bền vững vùng nguyên liệu

09:08, 07/08/2011
.

(QNg)- Đầu tư kinh phí phát triển các vùng nguyên liệu mía theo hướng chuyên canh bền vững, nhằm tăng năng suất và thu nhập cho người nông dân là cách Nhà máy Đường Phổ Phong (Công ty CP Đường Quảng Ngãi) đang kiên trì thực hiện. Đây là hướng đi hợp lý của Nhà máy, nhằm ổn  định vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Phó Giám đốc Nhà máy Đường Phổ Phong Tạ Công Tường mở chuyện với chúng tôi đầy hào hứng khi "nhẩm tính" kết quả niên vụ mía 2010-2011 vừa kết thúc: Nhà máy đạt được bốn cái nhất. Đó là sản lượng mía cây toàn tỉnh lần đầu tiên đạt 225 nghìn tấn, chữ đường trên 10 CCS, năng suất bình quân đạt 51 tấn/ha và giá thu mua mía cho nông dân cao nhất từ trước đến nay.
 
 Mía thu mua, đưa vào chế biến tại Nhà máy Đường Phổ Phong.
Mía thu mua, đưa vào chế biến tại Nhà máy Đường Phổ Phong.

Đây là con số tính bình quân, còn ở các cánh đồng chuyên canh mía như ở xã Bình Trung (Bình Sơn), Đức Phú (Mộ Đức), Hành Thiện (Nghĩa Hành) và Phổ Nhơn (Đức Phổ) năng suất lên đến 100 tấn/ha, chữ đường đạt cao hơn. Để đạt được bốn cái nhất vừa nêu, Nhà máy đã áp dụng nhiều giải pháp khoa học kỹ thuật đồng bộ để đầu tư thâm canh, tăng năng suất cây mía.

Cùng với việc hình thành các vùng mía chuyên canh ở đồng bằng, cây mía đã "tiến công" lên các vùng đồi ở huyện miền núi Ba Tơ và bước đầu đạt kết quả ngoài mong đợi, khi người dân miền núi "kết" loại cây trồng này. Anh Phạm Văn Nơ - dân tộc Hrê ở xã  Ba Dinh (Ba Tơ) vui mừng cho hay: "Năm ngoái tiền thu được từ bán mía 25 triệu đồng, cả nhà mình phấn khởi lắm. Năm nay mình lại trồng mía tiếp, được cái Nhà nước hỗ trợ xe đào, giống, phân vi sinh nên mình chỉ bỏ công là chính".

Theo lãnh đạo huyện Ba Tơ, vùng nguyên liệu mía chuyên canh trên đất dốc xã Ba Dinh (Ba Tơ) hình thành cách đây hơn một năm. Nhờ đẩy mạnh các biện pháp cơ giới hóa, đưa các giống mía mới vào trồng, chăm sóc đúng quy trình nên ngay trong niên vụ đầu tiên năng suất mía thu hoạch đã đạt gần 65 tấn/ha. Với giá thu mua mía cây 1 triệu đồng/tấn, người nông dân đã có thu nhập cao từ cây mía.

Từ thành công của mô hình thâm canh mía trên đất dốc, huyện Ba Tơ và Nhà máy Đường Phổ Phong tiếp tục gắn kết để đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu mía chuyên canh ở huyện miền núi này lên 1.000ha.

Bên cạnh việc đầu tư thâm canh các vùng nguyên liệu mía, Nhà máy đường Phổ Phong đang đầu tư kinh phí trên 20 tỷ đồng để nâng công suất nhà máy lên 2.300 tấn/ngày, đảm bảo tiêu thụ hết sản lượng mía cho nông dân. Trước đó, cuối năm 2010 Nhà máy đã đầu tư 17 tỷ đồng mở rộng, nâng công suất chế biến của nhà máy lên 2.000 tấn mía cây/ngày.
Ông Trần Ngọc Thương-Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho biết: Từ kết quả ở Ba Dinh, chúng tôi coi mía là cây trồng chủ lực và kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhân dân trong những năm tới. Huyện sẽ dùng nguồn vốn 30a và các nguồn vốn khác, để cùng nhà máy mở rộng diện tích.

Nhà máy Đường Phổ Phong hiện có vùng nguyên liệu 5.100 ha, trong đó diện tích dồn điền đổi thửa 1.400 ha. Bên cạnh việc đẩy mạnh cơ giới hóa đồng ruộng. Nhà máy cũng đã nghiên cứu lai tạo, du nhập trên 10 bộ giống mía mới phù hợp với vùng đất Quảng Ngãi như Roc27, K88-92, QĐ94-119, K83-29 vào trồng. Đến thời điểm này giống mía mới đã đạt gần 60% tổng diện tích mía trên toàn vùng, với mục tiêu đưa năng suất mía bình quân đạt 55 tạ/ha, vùng chuyên canh đạt bình quân từ 70-75 tấn/ha.

 "Định hướng chúng tôi từ nay sắp tới sẽ giữ ổn định diện tích 5.000 ha và đi theo hướng thâm canh. Nhà máy sẽ chia làm 2 vùng đầu tư, tiếp đó sẽ nhân rộng mô hình trình diễn thành công theo hướng ứng dụng sâu khoa học công nghệ, thay đổi làm đất bằng cơ giới, chống xói mòn, cải tạo đất bằng vôi, lân. Đặc biệt là Công ty vẫn tiếp tục cho nông dân mượn vốn không tính lãi. Việc hình thành vùng nguyên liệu mía chuyên canh, tập trung nhằm gắn kết chặt chẽ hơn nữa, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người trồng mía và doanh nghiệp"-ông Tạ Công Tường thông tin.

Bài, ảnh: Hoàng Hà

.