(QNg)- Theo thời gian, tàu thuyền của ngư dân trong tỉnh ngày càng được trang bị phục vụ đánh bắt trên biển ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, càng vươn ra biển lớn, thì rủi ro trên biển ngày càng nhiều, nhất là bị bão giông, bị tàu nước ngoài bắt, bị tai nạn trên biển... làm cho không ít ngư dân trắng tay, con cái đành bỏ học giữa chừng. Đó là những thân phận rất cần được sự hỗ trợ từ phía chính quyền, để họ được tiếp tục ra khơi, bám biển.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đến đảo Lý Sơn, chúng tôi tìm đến những gia đình từng có tàu cá bị nước ngoài bắt giữ. Đến xã An Hải, chúng tôi đến gặp chị Phạm Thị Bé (26 tuổi), vợ của thuyền trưởng tàu QNg 66 517 TS bị Trung Quốc bắt vào ngày 16.6.2009 (cùng lúc với hai tàu Lý Sơn khác). Chị Bé cho hay, năm 2008, hai vợ chồng mượn cha mẹ và vay ngân hàng được 80 triệu đồng. Sau đó hùn vốn với bạn chài sắm tàu cá ra khơi.
Anh Dương Thành Vinh, ngư dân có 3 lần bị tàu nước ngoài bắt, giờ đã trắng tay. |
Đầu năm 2009, tàu đi được ba chuyến đầu, có chuyến đủ ăn, có chuyến lỗ tổn. Tới chuyến thứ tư thì bị Trung Quốc bắt. Từ đó, gia đình trắng tay. Đến khoảng tháng 6.2009, anh Thạnh được thả về sau khi gia đình nộp tiền chuộc và nhà nước ta can thiệp qua đường ngoại giao. Thế nhưng, từ ngày về, anh Thạnh đành làm thuê cho tàu khác kiếm ăn.
Chị Bùi Thị Giàu - vợ của thuyền trưởng tàu QNg 66 597 TS Dương Văn Hưởng, bị Trung Quốc bắt cùng ngày với anh Thạnh cho hay, gia đình chị đã hùn với người em sắm tàu mới. Tuy nhiên, làm ăn vất vả hơn vì phải trả nợ mấy năm trước. Đặc biệt như năm 2009, khi tàu cá bị bắt, phải nộp phạt 70.000 nhân dân tệ. Gia đình chị Giàu bây giờ còn phải nuôi 3 đứa con và một mẹ già, nhưng tất cả đều trông vào những chuyến ra khơi của anh Hưởng. "Lỡ bị bắt lần nữa, chẳng biết lấy gì mà sống" - anh Giàu thở dài.
Ở thôn Tây, xã An Hải của huyện Lý Sơn, nơi "sói biển" Mai Phụng Lưu ở, ngày trước là nơi tập trung của các chủ tàu cá giàu có. Vậy chỉ chừng ba năm trở lại đây, các ông chủ này đã "xách gói đi làm thuê cho tàu khác". Nhìn nhà ở của anh Dương Thành Vinh (40 tuổi), không có ai nghĩ là nghèo. Anh Vinh lắc đầu "nát dậu rồi, còn bờ tre thôi chú em ơi!".
Hỏi vì sao thì anh Vinh cho biết, anh có "thâm niên" 3 lần bị tàu nước ngoài bắt. Trong đó, 2 vỏ tàu cá trị giá khoảng 500 triệu đồng và hiện nay còn trên 100 triệu đồng khác đang mắc nợ người ta. Chỉ một bé trai hơn 3 tuổi, chị Lành bảo đó là con út Dương Thành Qúi của anh chị. Vào tháng 6 năm 2009, anh Vinh bị bắt, cháu mới 7-8 tháng tuổi. Còn bé lớn nhất nhà là Dương Thị Thu Uyên, hồi năm 2009 đang học lớp 9, nhưng do ba Vinh bị nước ngoài bắt tàu, cũng nghỉ học luôn trong đợt ấy rồi vào TP Hồ Chí Minh làm thuê phụ mẹ nuôi em.
Trò chuyện với anh Vinh, chúng tôi biết anh khát khao có con tàu mới để ra khơi. Thế nhưng Khao khát của anh Vinh cũng giống như các thuyền trưởng lừng danh khác "rành biển như sân nhà" như: Mai Phụng Lưu, Tiêu Viết Là (thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu)... Thế nhưng các thuyền trưởng này, người thì sau lần bị nước ngoài giam giữ, đánh trọng thương, giờ đành thúc thủ tại nhà. Người thì làm thuê cho chủ đầu nậu bôn ba hợp tác đánh bắt ở vùng hải ngoại.
Khi ba đi biển không về.
Dẫn tôi đi qua nhiều lối ngõ quanh co, Tiêu Viết Đồng - anh bạn ở làng biển Phước Thiện, xã Bình Hải cuối cùng cũng đưa tôi đến được ngôi nhà mà "không có ai nghèo hơn". Chỉ đứng ở cái lối hẹp vào ngôi nhà, tôi cũng đoán biết phần nào cái nghèo của chủ nhân nó. Rồi khi trò chuyện với chị Phạm Thị Thu (bà con hay gọi là chị Trơn), tôi mới hay, cái nghèo và đàn con bỏ học giữa chừng đều xuất phát từ biển...
Em Nguyễn Văn Tình, giúp mẹ nấu cơm. |
Chị Thu kể, chồng chị là anh Nguyễn Văn Sanh, đi biển và mãi mãi không về vào ngày 6.6.2004. Buổi sáng hôm ấy, trời tuy âm u, oi nồng nhưng ít gió, biển cũng chỉ lăn tăn như những ngày biển yên. Dự định không ra khơi, vì biết trời như thế sẽ có sóng gió lớn. Song nhìn 6 đứa con và vợ đều trông vào hai bàn tay của mình, anh Sanh cũng chèo thúng ra khơi...
Buổi chiều hôm đó, ngồi trong nhà "nhưng tui thót tim, vì trời đột nhiên gió mạnh. Sóng biển đập rầm rầm ở ngoài gành đá. Linh tính báo cho tui điều không lành đang đến..." - chị Thu nhớ lại. Đến khoảng 16 giờ chiều, không thấy anh Sanh về. Chị Thu hớt hải chạy như điên như dại ra biển, nhào xuống giữa sóng biển đang trào dâng, rồi lao về hướng khơi chồng đi ra hồi sáng.
Chiều hôm đó, ghe của ông Nguyễn Vọng vớt được thi hài anh Sanh. Ông Vọng kể lại rằng, thấy anh Sanh chống chọi với sóng lớn, cố cho thuyền đến giúp nhưng sóng lớn quá, ông đành nhìn bạn chài mình chết đuối trước mặt. Không có nỗi đau, lòng day dứt nào bằng... "Ảnh mất đi, một mình tui chống chọi nuôi 6 đứa con. Đứa lớn nhất lúc đó học lớp 7, còn nhỏ nhất là 4 tuổi. Tội nghiệp lũ nhỏ, chưa có đứa nào học hết lớp 9..." - chị Thu thở dài.
Thống kê của huyện Lý Sơn, chỉ tính từ năm 2002 đến nay, đảo này có gần 60 tàu đánh cá, với khoảng 650 ngư dân bị các nước ngoài bắt giữ, trong đó chủ yếu là Trung Quốc. Trong đó có nhiều tàu bị bắt 3-4 lần. |
Bé Hồng đi được một năm, bé Thạnh cũng đi theo chị ra TP Đà Nẵng ở đợ cho người ta. Liên lạc với tôi qua điện thoại, Thạnh bảo: Bây giờ thì không còn cảnh "chủ la rầy nữa, nhưng cuộc sống làm sao vui khi đời đi ở cho người ta". Thế nhưng, đâu chỉ hai chị lớn, mà hai em nhỏ là Nguyễn Thị Thanh và Nguyễn Thị Nhi, đứa bỏ học lớp 4, đứa bỏ ngang lớp 6 đi vào TP Hồ Chí Minh bán hủ tiếu gõ. "Chỉ mong nó kiếm ăn qua ngày là được. Vậy mà biết mẹ ở nhà khổ, tết nhứt và ngày giỗ cha, tụi nhỏ cũng mang tiền về giúp mẹ lo tết, lo giỗ.
Mới đây, thằng cu Tâm cũng bỏ học lớp 6 đi ra Đà Nẵng giúp việc nhà cho người ta. Hỏi chị làm gì để sống?. Chị Thu bảo: "Hồi anh Sanh mất, bà con cưu mang. Đến 3-4 năm nay bán mỳ quảng. Có điều bán trong hẽm có mấy ai ăn. Bà con thương tình đến ăn, xem như nuôi hai mẹ con tui. Đôi khi, chị Thu muốn tìm việc gì làm, kiếm thêm thu nhập. Vậy mà đành chịu, vì nghề không có trong tay, bãi biển xã Bình Hải là bãi ngang, nên không thể làm dịch vụ nghề cá được. Hai năm nay, chị Thu sống vất vưởng với nghề bán mỳ quảng.
Ở những làng biển Quảng Ngãi, những trường hợp kể trên rất nhiều. Không thể chia sẻ được gì, mắt tôi cứ cay cay…
Bài, ảnh: PHẠM ANH
(Còn nữa)
(Còn nữa)