Phát triển kinh tế biển: Nhìn từ việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng

07:07, 31/07/2011
.

(QNg)- Nhiều năm qua Quảng Ngãi đã tranh thủ nguồn vốn của Trung ương đầu tư hàng trăm tỷ đồng, để xây dựng các cảng, nạo vét thông luồng các cửa biển tạo cho tàu thuyền có bến cập bình yên. Tuy nhiên do nguồn kinh phí, năng lực khảo sát thiết kế mà đã có một số cửa biển đang xây dựng giai đoạn 1 và chưa xây dựng hiệu quả đạt thấp. Có những cửa biển trở thành "bẫy" đối với những con tàu.
 
TIN LIÊN QUAN


Những bến cập bình yên

Quảng Ngãi hiện có 5.600 tàu đánh cá, trong đó có gần 1.700 tàu  công suất 90CV trở lên đánh bắt ở các vùng biển của Tổ quốc. Việc phát triển nghề cá không chỉ nâng công suất tàu, mà còn phải đầu tư nạo vét thông luồng, xây dựng bến cảng, cơ sở hậu cần nghề cá. Từ nguồn vốn của Trung ương, tỉnh Quảng Ngãi đã có những bến cập bình yên cho những con tàu…
 
Dịch vụ hậu cần nghề cá (như cung cấp đá lạnh) phát triển tại các cửa biển.
Dịch vụ hậu cần nghề cá (như cung cấp đá lạnh) phát triển tại các cửa biển.

Hiện nay đang mùa đánh bắt hải sản. Tại cửa biển Mỹ Á, xã Phổ Quang (Đức Phổ) mỗi ngày có hàng trăm tàu thuyền ra vào cập bến để cung cấp hải sản, tiếp nhiên liệu. Ông Lê Min (thôn Hải Tân) - gần một đời đi biển cho biết: Cách hai mùa biển về trước, nơi đây luôn nghe tiếng thở dài của ngư dân trước nạn xăng dầu tăng cao, cửa biển bồi lấp nặng, nên trước khi vào mùa đánh bắt là chủ mỗi con tàu phải nộp tiền để thông luồng cửa biển. Nhưng sau mỗi mùa biển, gió nồm thổi mạnh, sóng đưa cát vào bờ là cửa biển bồi lấp lại. Nhiều con tàu cố gắng lách luồng ra khơi, đánh bắt được vài tấn cá trở về đến cửa biển chưa kịp vào bên trong, là tàu mắc cạn, sóng đánh gẫy chân vịt, cá đánh bắt từ biển khơi lại đổ xuống biển sát bờ nên ngư dân xót lòng.

Nhưng giờ thì khác... luồng lạch, vũng neo đậu nơi đây đã ổn. Ngư dân ra khơi thuận lợi giúp lao động trực tiếp đi biển có cuộc sống khá và tạo điều kiện cho hàng trăm lao động nữ làng chài có việc làm.

Theo UBND xã Phổ Quang (Đức Phổ) toàn xã hiện có 236 chiếc tàu, với tổng công suất 17.500CV trong đó có 90 tàu có công suất 90CV đánh bắt xa bờ. Từ đầu năm đến nay cửa biển ra vào thuận lợi, nên sản lượng khai thác đạt 8.000 tấn/12.000 tấn (tăng 24% so với kế hoạch năm).

Còn cửa biển Sa Kỳ, xã Tịnh Kỳ mùa này cũng tấp nập trên bến dưới thuyền. Theo cửa biển vào sâu bên trong cách đó chừng 5km là bến cảng Tịnh Hòa, có nhiều tàu thuyền công suất 450CV - 500 CV đang neo đậu. Ngư dân Nguyễn Minh Trí (xã Tịnh Ấn) cho hay: "Có bến cảng tiện đôi đường. Mùa đánh bắt thì sau mỗi chuyến biển có thể vào đây neo đậu, để tu sửa nhỏ cho con tàu hay vá lưới để tiếp tục ra khơi. Trước đây mỗi mùa mưa bão về, tàu thuyền phải chen nhau neo đậu ở cửa Sa Kỳ trong nỗi lo sợ khi nước sông Trà dâng lên, đổ dồn về cửa biển làm tàu thuyền va đập mạnh, bứt neo trôi dạt...

Vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn từ ngày đưa vào sử dụng cũng có hơn 300 con tàu của ngư dân vào neo đậu an toàn. Ngư dân Bùi Nam (thôn Tây, xã An Hải Lý Sơn), cho biết: Ngày trước mỗi khi mùa biển động là ngư dân "ăn dầm nằm dề" trên con thuyền neo đậu ở cửa biển Sa Kỳ. Khi thấy biển êm là đưa tàu ra vùng lộng gần bờ Lý Sơn đánh bắt cá. Mưa, gió đến đột ngột là tàu chạy bạt mạng vượt 18 hải lý vào cửa Sa Kỳ neo đậu, nguy hiểm lắm. Nay thì ngư dân ai cũng vui mừng, càng có điều kiện làm ăn, nâng cấp tàu thuyền công suất lớn...

Theo Sở NN&PTNT Quảng Ngãi mỗi dự án nạo vét cửa biển đều tốn hàng chục tỷ đồng, nên muốn đầu tư tỉnh phải tranh thủ nguồn kinh phí của trung ương hoặc thông qua chương trình biển đông hải đảo... để xây dựng. Tỉnh đã tranh thủ nguồn vốn hàng trăm tỷ đồng đầu tư xây dựng vũng neo đậu tàu thuyền Sa Huỳnh, Lý Sơn, Tịnh Hòa và Mỹ Á...

Mỗi cửa biển, cảng cá đầu tư xây dựng đều giúp cho tàu thuyền trú tránh bão an toàn trong mỗi mùa mưa và các dịch vụ hậu cần nghề cá cũng phát triển. Chỉ tính vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn, Mỹ Á và cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hoà khi mùa mưa bão đến đã có trên 900 tàu thuyền vào núp gió an toàn. Tuy vậy  xung quanh việc triển khai các dự án thông luồng, xây dựng vũng neo đậu tàu thuyền ở Quảng Ngãi hiện vẫn còn nhiều điều bất cập, cần khắc phục...

Những bất cập cần khắc phục trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá

Mỗi một công trình cơ sở hạ tầng nghề cá được xây dựng là hàng trăm ngư dân  vui mừng chờ đợi. Nhưng đầu tư xây dựng thế nào để đạt hiệu quả cao đang là điều bức xúc.

Ông Nguyễn Kỳ - Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh cho biết: Tốc độ bồi lấp ở cửa biển Sa Huỳnh rất nhanh, nên toàn xã có 817 chiếc tàu thuyền, có gần 380 chiếc công suất từ 90CV - 600CV phải đánh bắt xa bờ và neo đậu các cửa biển khác. Hơn 50% số tàu còn lại công suất nhỏ, nhưng hiện nay bình thường tàu không ra vào cửa biển được (ngoại trừ lúc thủy triều dâng cao), nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đánh bắt hải sản của ngư dân".

 Bến cảng neo đậu tàu thuyền Tịnh Hòa luồng vào nhỏ hẹp, độ sâu của vũng neo đậu luồng vào quá cạn. Nhiều ngư dân cho rằng: Mưa bão vào bên trong vũng là an toàn nhưng luồng vào khó quá. Hiện nay lại có đường dây điện thoại gần với điện cao áp vắt ngang qua sông, nối liền hai xã Tịnh Hòa và Tịnh Kỳ. Mỗi khi tàu công suất 500CV vào là trụ cẩu mắc vào dây điện thoại, mùa mưa là nguy hiểm lắm. 

Dự án Vũng neo đậu tàu thuyền và khu dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Lý Sơn được đầu tư, nhưng chưa hoàn thiện, giải pháp kỹ thuật chưa triệt để, nên tuyến đê Nam chưa được xây dựng làm ảnh hưởng lớn đến sự an toàn của tàu thuyền neo trú khi có bão trên cấp 10.

Theo Quyết định số 346/QĐ-TTg ngày 15/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ thì Quảng Ngãi được quy hoạch đầu tư 8 công trình cảng cá và bến cá. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai đầu tư được 5 cảng cá  (Sa Huỳnh, cảng cá và khu neo đậu trú bão Tịnh Hòa, vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn, cảng cá Mỹ Á trong khu neo đậu trú bão Mỹ Á và 1 cảng cá đang triển khai đầu tư là: Cảng cá Sa Kỳ).

Ông Phan Huy Hoàng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi cho biết: Trong dự thảo kế hoạch thực hiện đầu tư giai đoạn 2010-2015, Sở xây dựng kế hoạch đầu tư các dự án khu neo đậu tránh trú bão tàu cá, cảng cá và bến cá trên địa bàn tỉnh, như: Dự án Vũng neo đậu tàu thuyền và khu dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Lý Sơn  (giai đoạn 2), với quy mô các hạng mục công trình: Nạo vét mở rộng thêm vũng neo đậu: rộng 15 ha, sâu -2 m (hệ cao độ Hải đồ); nạo vét tăng chiều sâu đến -1.5 m toàn bộ khu A, khu B, khu C của Vũng neo đậu (giai đoạn 1); nạo vét mở rộng mặt cắt ngang luồng từ 30m lên 60m; sâu -2m; Đê Tây nối dài 130m: Chắn sóng, chắn cát phía tây và bảo vệ luồng vào; kè chống xói lở khu neo đậu; hệ thống trụ neo tàu và phao tiêu báo hiệu luồng (tổng mức đầu tư khoảng 170 tỷ đồng).

Dự án Khu neo đậu tránh trú bão tàu cá tại cửa biển Sa Huỳnh là nơi tránh trú bão cho khoảng 800 chiếc tàu thuyền có công suất đến 500 CV/chiếc. Quy mô các hạng mục công trình, đê chắn cát, chắn sóng: Nối dài thêm khoảng 160 m tuyến đê chắn cát hiện hữu; xây dựng mới thêm một tuyến đê chắn cát, chắn sóng dài khoảng 360 m nằm ở phía bắc cửa biển; vũng neo đậu, luồng vào. Tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng.

Cảng neo trú tàu thuyền và cửa biển Mỹ Á, được dự thảo xây dựng với quy mô các hạng mục công trình như: Nạo vét mở rộng thêm luồng vào; kéo dài Đê Nam 150 m, Đê Bắc 200 mét (đến cao trình -6,0 mét); kéo dài Đê chắn sóng, chắn cát 100 mét; Đầu tư khu nhà điều hành, nhà tránh trú bão, trang thiết bị phục vụ phòng chống bão, lụt. Tổng mức đầu tư: khoảng 200 tỷ đồng.

Để khắc phục những tồn tại trong việc xây dựng vũng neo đậu tàu thuyền và khu hậu cần nghề cá ở Quảng Ngãi, tỉnh cần chỉ đạo tập trung nguồn kinh phí, tránh xây dựng dàn trải, dẫn đến tình trạng có nhiều dự án đã triển khai nhưng kém hiệu quả. Ngành NN&PTNT cần chú trọng hơn việc khảo sát quy hoạch đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng nghề cá, để không  lặp lại cảnh như vũng neo đậu tàu thuyền và khu hậu cần nghề cá Sa Huỳnh...    
                                    
                                            Mai  Hạ

.