(QNg)- Nhằm đa dạng hoá các đối tượng nuôi trồng thuỷ sản, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống, tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, năm 2010, Trạm Khuyến nông Minh Long đã triển khai mô hình nuôi ghép cá nước ngọt ở thôn Ruộng Gò, xã Thanh An.
Mô hình được triển khai trên diện tích 2.500m2. Trong đó hộ ông Đinh Roá có 1.700m2, Đinh Văn Bình có 500m2 và bà Đinh Thị Mười 300m2. Số lượng cá thả nuôi là 6.250 con (cá trắm cỏ, rô phi, cá chép, cá trôi và cá mè). Cá giống khoẻ mạnh, đồng đều. Các hộ tham gia mô hình đều được hỗ trợ 100% vốn đầu tư (con giống, thức ăn, thuốc phòng và trị bệnh cho cá). Trong quá trình nuôi, cán bộ kỹ thuật của Trạm trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật đào ao, chăm sóc và theo dõi xuyên suốt từ khâu đầu đến khâu cuối.
Ông Đinh Róa cho cá ăn cỏ (bổ sung thức ăn xanh cho cá). |
Ông Dương Văn Hùng - cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông Minh Long cho biết: Trước khi nuôi, các hộ dân được tập huấn kỹ thuật cơ bản về nuôi cá ao như kỹ thuật đào ao, lắp đặt hệ thống ống cấp và thoát nước, kỹ thuật cải tạo ao nuôi, đặc điểm sinh học của cá, thức ăn và cách cho ăn, cách chăm sóc và quản lý, tính tỷ lệ thả ghép, phòng và trị một số bệnh thông thường hay xảy ra ở cá, cách thức thu hoạch.
Trong đó đặc biệt khuyến cáo bà con chú trọng đến kỹ thuật cải tạo ao. Vì đây là khâu quan trọng, quyết định sự thành công của cả quá trình nuôi. Nếu làm không tốt thì mầm bệnh trong ao không bị tiêu diệt và cá dễ mắc bệnh. Do đó trước khi thả cá, phải tháo cạn nước trong ao, vét cạn bùn đáy ao, rải vôi với liều lượng 7kg/100m2 và phơi đáy ao 3 ngày. Khi lấy nước vào ao, bón thuốc diệt khuẩn, bón phân chuồng ủ hoai với liều lượng 15kg/100m2 để gây màu nước và đồng thời tạo thức ăn tự nhiên cho cá.
Cá mua về được ngâm trong ao để cá làm quen dần với môi trường nuôi, sau đó mới bắt đầu thả cá từ từ, cho cá bơi tự nhiên ra ngoài. Hàng ngày cho cá ăn 2 lần, thức ăn chủ yếu là thức ăn dạng viên nổi, ngoài ra có thể bổ sung thêm thức ăn tươi và rau xanh. Từ tháng thứ 2 trở đi phải thay nước định kỳ cho cá (lượng nước thay từ 30-50% lượng nước ao). Đây là biện pháp tốt nhất để hạn chế ô nhiễm và suy thoái môi trường nuôi…
Nhờ thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng cũng như các biện pháp phòng, trị bệnh, nên cá sinh trưởng và phát triển tốt, không có hiện tượng dịch bệnh xảy ra. Sau 8 tháng nuôi, cá trắm cỏ đạt trọng lượng trung bình 550g/con, tỷ lệ sống khoảng 80%; cá rô phi đạt trọng lượng trung bình 380g/con, tỷ lệ sống khoảng 78%; cá chép đạt trọng lượng trung bình 601g/con, tỷ lệ sống khoảng 78%; cá trôi đạt trọng lượng trung bình 500g/con, tỷ lệ sống khoảng 80%; cá mè đạt trọng lượng trung bình 550g/con, tỉ lệ sống khoảng 78%.
Qua tính toán sơ bộ thì hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi cá ghép ở cả 3 hộ như sau: Tổng trọng lượng cá 2.462 kg, với giá cá bán 30.000đồng/kg, mô hình thu về khoảng 73.860.000 đồng. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt được từ mô hình khoảng 43.810.000 đồng. Ông Đinh Roá cho biết: Nhờ tham gia mô hình, được tập huấn kỹ thuật, nên tôi đã biết cách phòng các bệnh hay gặp cho cá như bệnh thủy mi, bệnh đường ruột… nên cá phát triển tốt. Sau 8 tháng thả nuôi, tôi bán được 1.721 kg cá, thu về khoảng 51 triệu đồng, lãi khoảng 31 triệu đồng.
Đánh giá về mô hình, ông Nguyễn Linh Quý - Trưởng trạm Khuyến nông Minh Long cho biết: Các loại cá trắm cỏ, rô phi, cá chép, mè… là các đối tượng dễ nuôi, ít dịch bệnh, nhờ đó quy trình kỹ thuật nuôi cũng ít phức tạp. Hơn nữa nguồn thức ăn cũng có thể tận dụng được từ những phụ phẩm nông nghiệp sẵn có ở gia đình (mối, giun, lá mì, cỏ, cám gạo...). Mô hình đã đem lại thu nhập đáng kể cho bà con (mỗi hộ lãi từ 10-15 triệu đồng sau 8 tháng nuôi). Đồng thời tạo công ăn việc làm cho người dân, tận dụng được thời gian rỗi, những lao động không làm được việc nặng để tăng thêm thu nhập, góp phần xoá đói, giảm nghèo.
Thành công từ mô hình nuôi ghép cá nước ngọt ở huyện Minh Long đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới, làm thay đổi nhận thức của bà con người dân tộc thiểu số ở địa phương vốn nuôi cá theo phương pháp truyền thống, ít đầu tư chăm sóc, không tuân thủ quy trình kỹ thuật; đồng thời kích thích phong trào nuôi cá nước ngọt ở địa phương phát triển trong thời gian đến.
Bài, ảnh: Anh Khuê